CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Tay không lắp cáp xây "cây đàn Đắkrông"

2014/1/13 19:40 - Đức Thắng - Tiến Mạnh

Với tinh thần “không gì là không thể”, những kỹ sư, thợ cầu Việt Nam đã xây dựng thành công cây đàn Đắkrông - cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam.


Cầu Đắkrông là cầu dây văng một tháp, khổ cầu rộng 9m
 
Ký ức không thể quên
 
Cầu Đắkrông cũ từng là một ký ức không thể quên với người dân Quảng Trị cũng như những ai từng qua đây. Dù chỉ là một cây cầu treo có kết cấu thép nhưng nó từng được ví như một “cây đàn” giữa núi rừng thơ mộng trên dòng Đắkrông lịch sử. 
 
Giai đoạn trước năm 1975, tại vị trí này bắc qua sông Đắkrông cũng là một chiếc cầu bằng sắt, kết cấu giản đơn và giữ nhiệm vụ là tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam. Trong chiến tranh chống Mỹ, đoạn sông Đắkrông là điểm vượt bí mật của tuyến đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh đầu tiên với ba bến vượt: Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xóm Rò...
 
Sau ngày giải phóng, cũng tại địa điểm này, với sự giúp đỡ của Cu Ba, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thiết kế và xây dựng một cây cầu treo bằng sắt. Đây được xem là điểm trung tâm của khu di tích - danh thắng khu vực Đắkrông. Cầu treo Đắkrông nối đường 9 và đường Trường Sơn. Cầu được xây dựng từ 1/6/1975 và đến 2/9/1976 thì hoàn thành.
 
Cầu treo Đắkrông không chỉ là điểm đầu của tuyến giao thông chiến lược quan trọng mà còn tạo cảnh đẹp cho khu di tích - danh thắng bởi được đặt vào giữa một khung cảnh núi rừng trùng điệp, sông nước hữu tình. Cây cầu nằm trên tuyến đường 9, bắc qua sông Đắkrông, là thượng nguồn của sông Thạch Hãn xuôi về Quảng Trị đổ ra Cửa Việt. Cảnh quan hùng vĩ, đường quanh co lên dốc, một bên là núi, một bên là thung lũng còn ở giữa là cầu Đắkrông đứng vững giữa núi đồi hùng vĩ.
 
Thành công ngoài mong đợi
 
Tuy nhiên, năm 1998, cầu treo Đắkrông bằng sắt bất ngờ bị sập trụ. Vì thế, nhiệm vụ được đặt ra là phải thiết kế khẩn cấp một cây cầu thay thế bảo đảm giao thông thông suốt lên các huyện phía Tây Quảng Trị và kết nối với đường Hồ Chí Minh, thông sang nước bạn Lào. 
 
Trong một cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất xây dựng một cây cầu tương tự với cây cầu cũ vì đây từng là một điểm nhấn của Quảng Trị, đã in đậm trong trí nhớ của người dân nơi đây. Hơn nữa, với địa hình dốc và dòng nước chảy siết như vậy, chỉ có phương án làm cầu treo hoặc cầu dây văng mới bảo đảm thông thuyền. Còn nếu làm cầu treo thì chẳng bao lâu sau sẽ lạc hậu và khó đáp ứng được yêu cầu vận tải đang ngày càng tăng.
 
Khó khăn ở chỗ là từ trước tới nay, trong nước chưa được tiếp cận với công nghệ cầu dây văng và cũng chưa từng thi công cây cầu nào như vậy. 
 
Nhiều chuyên gia đã đề xuất nên mạnh dạn để cho các đơn vị của Việt Nam tự lực thực hiện dự án cầu dây văng. Họ cho rằng, dù là thách thức không nhỏ nhưng đây cũng chính là cơ hội để chúng ta tiếp cận với công nghệ cầu dây văng và nâng cao tay nghề thợ cầu Việt Nam. Tại cuộc họp ấy, Công ty Cầu lớn - hầm (Tổng công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông - TEDI) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) đã tiên phong đứng ra bảo đảm có thể thực hiện được. 
 
Ông Chu Ngọc Sủng khi đó còn công tác tại Công ty Cầu lớn - hầm đã được giao làm chủ nhiệm thiết kế công trình cho biết, khi chuẩn bị bắt tay vào thiết kế cầu Đắkrông ông chưa từng thiết kế cây cầu dây văng nào. 
 
Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn đã tổ chức một cuộc họp với tất cả các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công để đánh giá lại năng lực xem có thể thực hiện được không. 
 
“Có một cơ sở quan trọng để thực hiện là khi đó dự án cầu Mỹ Thuận do Nhật Bản  thi công được triển khai xây dựng nên những kỹ sư thiết kế chúng tôi đã tìm mọi cách tiếp cận hiện trường công trình để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh em lục lại toàn bộ sách vở đã học cộng với tìm hiểu các tài liệu của thế giới về công nghệ cầu dây văng để làm “bảo bối” phục vụ cho công việc của mình” - ông Sủng tâm sự.
 
Chẳng bao lâu sau, hình hài của một cây cầu dây văng đầu tiên do chính những kỹ sư Việt Nam thiết kế đã được hoàn thiện trên bản vẽ.  Khi bản thiết kế vẫn còn trên giấy, công trình đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực bởi tính thẩm mỹ và hiện đại của nó. Chỉ khác một chút là so với cây cầu treo cũ có hai tháp thì cầu mới chỉ có một tháp trụ giữa và cân bằng. Đối với ông Chu Ngọc Sủng, đó là niềm tiếc nuối lớn nhất bởi theo ông: “Nếu làm được hai trụ và mảnh mai hơn một chút thì tính thẩm mỹ của cầu sẽ được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, do thời gian thiết kế, thi công quá gấp để thay thế cây cầu bị sập cộng với những điều kiện kinh tế và công nghệ khi đó, có thể nói, đấy là một sự thành công ngoài mong đợi”.
 
Lần đầu “tay không” lắp cáp
 
Không chỉ thiếu thốn về công nghệ, khi bản vẽ thiết kế đã hoàn thành, bắt tay vào thi công thì bài toán đặt ra là không thể tìm đâu ra dây cáp từ trong nước. Các kỹ sư cầu lại một lần nữa tất tả khăn gói sang Trung Quốc để tìm nguồn nguyên vật liệu.
 
Ông Nguyễn Minh Giang, nguyên Tổng giám đốc Cienco4 khi ấy phụ trách dự án cầu Đắkrông cho biết: “Do chưa bao giờ được tiếp cận với công nghệ cầu dây văng cho nên vừa thi công, các kỹ sư Việt Nam vừa phải tham khảo tài liệu của thế giới và phải tự mày mò thử nghiệm các phương thức thi công trước khi áp dụng vào công trình. Khó khăn lớn nhất lúc đó là anh em thợ cầu chưa từng biết đến những thao tác lắp cáp. Vì vậy, những kỹ sư sau khi học hỏi công nghệ của các nhà thầu Nhật Bản đang thi công cầu Mỹ Thuận đã phải ra tận công trường cầm tay chỉ việc cho từng thợ cầu”.
 
Một thử thách nữa trong quá trình thi công cầu Đắkrông là trận lũ lịch sử tháng 11 năm 1999 làm rất nhiều thiết bị, máy móc trên công trường bị ngập và trôi sông. Các kỹ sư cầu đã phải dùng cầu tạm cao hơn mức nước lũ năm đó chừng 6m để tiếp tục thi công. Do vậy, mặc dù phải dừng thi công trong khoảng hai tháng để tránh lũ nhưng công trình đã về đích một cách an toàn.
 

Sau hơn một năm thi công, đầu năm 2000, cầu Đắkrông đã chính thức được khánh thành, đưa vào khai thác, mở ra một thời kỳ mới và tạo tiền đề để sau này những cây cầu dây văng có quy mô lớn như: Rạch Miễu, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế thi công.  



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH