Cô gái Việt Nam Nguyễn Thị An và chàng trai người Đức Michael Guhle "cảm" nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Song, cuộc hôn nhân của họ trải qua không ít khó khăn, mà lý do chính là cô dâu Việt không vượt qua được "thử thách" về ngôn ngữ. Bài viết được hãng tin AP đăng tải ngày 6.4.
An và Michael rạng ngời hạnh phúc trong tổ ấm ở Berlin.
Muốn đến Đức, phải biết tiếng Đức
Michael Guhle gặp tình yêu của đời mình trên bãi biển một làng chài nhỏ ở Việt Nam. Nguyễn Thị An lúc đó đang bán trai hến chế biến sẵn và trái cây cho vị khách du lịch người Đức. Hai ánh mắt giao nhau và họ cảm mến "đối phương" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau đó, chàng trai người Đức - làm việc tại một nhà dưỡng lão ở Berlin - quyết định tiết kiệm tiền và những ngày nghỉ để đến Việt Nam thăm An.
Những tưởng hôn nhân sẽ giúp họ trọn đời bên nhau, nhưng thay vào đó là khởi đầu của một bước thử thách dài. Đức không cho An nhập cảnh bởi cô không vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ theo quy định mà Đức yêu cầu người nhập cư, gồm cả những người kết hôn với công dân Đức, phải vượt qua. Michael đau khổ: "Tôi nghĩ rằng kết hôn với một người mình yêu và sống cùng họ là quyền chính đáng của con người. Nhưng rõ ràng, ở đây người Đức không nghĩ như vậy".
Đức bắt đầu áp dụng quy định về ngôn ngữ đối với người nhập cư từ năm 2007. Hầu hết các nước EU - trong đó có Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Thụy Điển - đều không yêu cầu người nước ngoài đạt trình độ ngôn ngữ nhất định nếu họ kết hôn với công dân trong nước. Áo, Anh, Hà Lan thực hiện chính sách giống Đức, nhưng độ khó trong bài kiểm tra ngôn ngữ của Đức đạt mức cao nhất. Ủy ban Châu Âu chỉ trích luật của Đức, nói rằng nó có thể vi phạm các hiệp ước Châu Âu. Tòa án Công lý Châu Âu sẽ xem xét một đơn kiện đối với luật của Đức trong tháng 4. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, những đôi uyên ương mang hai quốc tịch như Michael và An phải đối mặt với những thách thức tốn kém và khó khăn.
Phân biệt đối xử
Trong khi đó, Đức bảo vệ luật của mình, nói rằng đó là biện pháp để ngăn chặn những cuộc hôn nhân bị ép buộc và giúp người nhập cư hòa nhập dễ dàng hơn. Giới chức Đức cho biết, họ chỉ yêu cầu người nhập cư nắm vững kỹ năng nghe nói cơ bản, đọc và viết những thông tin đơn giản bằng tiếng Đức.
Phần lớn những người chỉ trích đồng ý với chủ trương người nhập cư nên học tiếng Đức, song việc kiểm tra nên diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và ít tốn kém hơn. Bên cạnh đó, họ cho rằng, luật này phân biệt đối xử giữa người nghèo và người ít học. Ông Hiltrud Stoecker Zafari - Chủ tịch Hiệp hội Những cặp vợ chồng và tình nhân hai quốc tịch của Đức - nói: "Rõ ràng đất nước này muốn gửi đi thông điệp rằng, những người ít học và ít tiền không nên đến đây". Trong khi đó, Đức áp dụng quy định nới lỏng hơn về ngôn ngữ đối với những người có bằng đại học và chủ doanh nghiệp.
Một nghịch lý khác, nếu một công dân EU không mang quốc tịch Đức, nhưng sống ở lãnh thổ Đức muốn đưa vợ/chồng đến nước này sẽ không gặp khó khăn gì. Một người Pháp sống ở Berlin có thể đưa người vợ Việt Nam đến Đức ngay lập tức, nhưng Michael thì không. "Làm sao có thể học tiếng Đức nếu như bạn xuất thân từ một làng chài hẻo lánh, nghèo khó và thất học?" - Michael nói. Hiện chưa có thống kê bao nhiêu cặp đôi không thể sống cùng nhau vì quy định ngôn ngữ, chỉ biết rằng khoảng 40.000 người đã tham gia kiểm tra tại Viện Goethe của Đức trên toàn thế giới trong năm 2012. Trong số này, khoảng 14.000 người trượt và do vậy không xin được visa.
Kết thúc có hậu
Khi Michael lần đầu tiên đến Tòa Thị chính Berlin vào mùa thu năm 2006 và nói rằng muốn cưới vợ người Việt Nam, một quan chức lập tức nói mà không giải thích, rằng điều đó là không thể. Cặp đôi sau đó quyết định tổ chức lễ cưới truyền thống với 300 khách tại làng chài của An ở Dốc Lết. Cặp đôi kết hôn vào mùa hè năm 2007 và có kế hoạch đến Đức ngay tập lức mà không biết rằng Đức vừa áp dụng luật về ngôn ngữ. Chuyện tình của họ bỗng trở thành một câu chuyện dài về sự cô đơn, chưa kể việc mất hàng nghìn euro chi phí.
Micheal, với đồng lương ít ỏi ở trung tâm dưỡng lão, phải làm thêm công việc rửa ôtô vào ban đêm để có tiền cho An học tiếng Đức ở Nha Trang. Đây là thành phố gần nhất mà họ có thể tìm thấy một trường dạy tiếng Đức. Sau 9 tháng học, An vẫn không qua được bài kiểm tra tiếng Đức ở thành phố Hồ Chí Minh. An không xin được thị thực, thậm chí là thị thực du lịch để có thể gặp chồng ở Berlin. Cặp đôi đưa vụ việc của họ ra một tòa án Đức. Sau khi chứng minh rằng An đã cố gắng học tiếng Đức trong hơn 1 năm, cuối cùng cô cũng được phép nhập cư. Cô đến Berlin vào tháng 9 năm ngoái.
Giờ đây, ngồi trong căn hộ của mình, hai người tay trong tay, nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng pha trộn giữa Đức, Anh và Việt. Họ âu yếm gọi nhau là "anh yêu, em yêu". Cô gái 27 tuổi này vừa đăng ký một lớp học tiếng Đức chuyên sâu và háo hức tìm việc làm tại các nhà hàng Việt Nam ở Berlin.