Kính gửi : Bộ Giao thông Vận tải
Hội KHKT Cầu đường Việt Nam nhận được Công văn số 9517/BGTVT – KHCN ngày 05/8/2014 của Bộ GTVT về việc góp ý kiến dự thảo “Quy định hướng dẫn kiểm toán, đánh giá cầu” do Tổng cục Đường bộ Việt Nam soạn thảo, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam xin có ý kiến như sau :
1. Về nội dung của Quy định :
Tên của Quy định là “Quy định về việc kiểm toán, đánh giá cầu” . Tuy nhiên, trong phần phạm vi áp dụng và mục đích lại đề cập đến phạm vi khác, xin trích nguyên văn nội dung :
“ 1. Phạm vi áp dụng : Quy định này đề cập tới các yêu cầu kỹ thuật để đánh giá và cắm biển hạn chế tải trọng khai thác cho cầu. Quy định này sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý cầu xây dựng nên các phương pháp đánh giá cho các loại cầu cụ thể.
Quy định này không được áp dụng để đánh giá cầu trong các trường hợp đặc biệt như gió bão, lụt, động đất, va xô,… Đánh giá cầu nhịp lớn, cầu đặc biệt cần có những tiêu chí cụ thể mà cơ quan chức năng cần đưa ra các chỉ dẫn. Chi tiết về hướng dẫn đánh giá cầu đặc biệt được đề cập trong Mục 6.1.6 của Hướng dẫn đánh giá cầu AASHTO 2011. Các cầu đặc biệt có thể kể đến là cầu treo, cầu dây văng, cầu dầm cong …
Đánh giá cầu phải được dựa trên các điều kiện cụ thể của cầu được khảo sát như tình trạng kết cấu, đặc điểm vật liệu, tình trạng khai thác. Khi các điều kiện này thay đổi cần có đánh giá tải trọng lại.
Đối với cầu bê tông việc đánh giá được giả thiết trên cơ sở vật liệu là đồng nhất và chất lượng còn tốt, không bị suy giảm cường độ.
Các ảnh hưởng của xói, các ảnh hưởng theo thời gian không được xét trong quy định. Khi trụ hoặc mố bị xói cần có các đánh giá riêng.
Quy định này tập trung vào đánh giá cắm biển tải trọng cầu để các loại xe có số lượng trục khác nhau, có tải trọng khác nhau có thể hợp pháp qua cầu, không gây nguy hiểm cho kết cấu.
Đánh giá và cắm biển tải trọng cầu được thực hiện cho các cấu kiện, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá cho toàn cầu. Ở điều kiện hiện tại việc này đồng nghĩa với đánh giá cầu để cắm biển tải trọng cầu thông qua đánh giá kết cấu nhịp”……
4.1 Mục đich đánh giá tải trọng :
Đánh giá tải trọng nhằm ba mục đích chính:
- Cắm biển hạn chế tải trọng;
- Cấp phép cho các tải trọng khác qua cầu;
- Phục vụ cho việc sửa chữa tăng cường cầu”
Từ 2 nội dung trên cho thấy đây không phải là quy định kiểm toán, đánh giá cầu mà là quy định kiểm định riêng cho phần tải trọng xe ô tô và cắm biển hạn chế xe lưu thông qua cầu . Đối với mục đích này Bộ GTVT đã ban hành Quy trình kiểm định cầu trên đường ô tô 22 TCN 243-98 .
Năm 1979 Bộ GTVT đã ban hành Quy trình thiết kế cầu cống theo trạng thái giới hạn 22TCN 18-79 (dựa trên cơ sở CHИПР 200 – 62 của Liên Xô với các tải trọng cho các đoàn xe từ H13 ÷ H30, kiểm toán với xe xích НГ 60 và xe bánh lốp НК 80) ; năm 2005 Bộ ban hành Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05 (trên cơ sở AASHTO 2004 với tải trọng phân bố HL93). Hai bộ tiêu chuẩn thiết kế trên đều theo phương pháp trạng thái giới hạn . Các công trình thiết kế theo 2 hệ thống quy trình này, sau khi đưa vào khai thác đều không cắm biển hạn chế tải trọng ; khi có sự cố (thí dụ cầu Bính, cầu Bến Thủy …) đều tiến hành đánh giá, sửa chữa lại và cho khai thác với tải trọng thiết kế bình thường .
Các nội dung còn lại của Quy định xin không bình luận, vì có nội dung không rõ, có nội dung không chuẩn .
2. Kiến nghị :
2.1.Trong trường hợp Bộ GTVT muốn ban hành tài liệu ‘The Manual for Bridge Evaluation, 2nd Edition, 2011 (MBE)” tạm dịch là “Sổ tay đánh giá cầu” thì nên tổ chức thành một đề tài nghiên cứu tài liệu trên, hiệu chỉnh và ban hành chính thức như đã làm với Tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05 .
2.2.Trong trường hợp muốn xem xét, đánh giá tình trạng thực tế các phương tiện giao thông đường bộ hiện nay trên cơ sở thống kê của Cục đăng kiểm Việt Nam tại văn bản số 3003/ĐKVN-VAQ ngày 23/07/2014, thì cũng nên tổ chức thành đề tài nghiên cứu, đánh giá các tải trọng thực tế đang khai thác với tải trọng tiêu chuẩn thiết kế, kiểm định .
Hội KHKT Cầu đường Việt Nam xin được gửi tới Quý Bộ các ý kiến đóng góp nêu trên để Quý Bộ tham khảo và xem xét.