Chả lẽ, câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cần được mở ngoặc để thêm cụm từ: Trừ một số quan tham?
I- Mặc dù xã hội ta từ lâu đã mặc nhiên “chung sống” với tham nhũng, nhưng sự việc mà tờ báo lớn của Nhật Bản- Yomiuri Shimbun ngày 18-3 vừa đưa tin, vẫn gây nên một chấn động mạnh.
Đó là ông Tanio Kanikuma, 65 tuổi- Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thừa nhận hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,5 tỉ đồng) cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan quản lý dự án đường sắt Việt Nam để được trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỉ yen (tương đương khoảng 867 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH- ĐT, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài VN thẳng thắn đến… cay đắng: Ăn thua gì, còn nhiều đồng chí chưa bị lộ. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì bây giờ nói về tham nhũng thì nước mình có “tên tuổi thứ hạng” lắm rồi, có xấu nữa cũng chả xấu hơn mấy. PCI 2013 vừa rồi, DN FDI họ còn đánh giá bệnh của mình nặng hơn Lào và Campuchia mà (VietNamNet, ngày 26/3).
Đủ hiểu bước chân của tham nhũng rất khỏe và sục sạo đến thế nào.
Có điều, bước chân của “nghi án” tham nhũng lần này nó đặc biệt hơn- mang yếu tố nước ngoài. Nó ngang nhiên dẫm vào con đường mòn ấy, mà các quan tham Huỳnh Phú Sỹ (nhận hối lộ 262 ngàn USD trong dự án Đại lộ Đông- Tây), Bùi Tiến Dũng (tham nhũng và làm dụng vốn ODA ở PMU18) từng là những kẻ khai mào.
Xã hội ta từ lâu đã mặc nhiên “chung sống” với tham nhũng. Ảnh minh họa
Cũng hiếm có một vụ việc nào được ngành quản lý- Bộ GTVT khẩn trương hành động đến vậy. Đến thời điểm ngày 24/3, đã có 04 vị quan chức cấp cao ngành ĐS bị đình chỉ công tác để tường trình làm rõ các vấn đề. Ngoài ra, còn có thêm 10 quan chức, chuyên viên được yêu cầu làm báo cáo. Trong đó, 03 vị quan chức đã nghỉ hưu, cao nhất là một vị thứ trưởng
Cũng hiếm khi nào Bộ GTVT nhanh chóng đến vậy- quyết định thanh tra toàn bộ các dự án liên quan: Dự án xây dựng ĐS đô thị Hà Nội tuyến số 01 (ĐS trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên), một số dự án của Tổng Công ty ĐS Việt Nam làm chủ đầu tư có Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thực hiện. Cũng là làm rõ câu hỏi có phần… “ngây thơ” của ông Chánh Thanh tra Bộ GTVT: Tại sao phải “bôi trơn” để trúng thầu, cho dù việc đấu thầu được tổ chức công khai. Và tại sao dự án ĐS đô thị số 01 từ khoảng 900 tỉ đồng giai đoạn 01 của dự án, liên danh tư vấn do JTC đứng đầu trúng thầu, sau 02 năm tăng thêm khoảng 326 tỉ đồng?
Sự khẩn trương đó không chỉ bởi thanh danh quốc gia bị tổn hại, mà còn bởi ba áp lực lớn: - Quốc nạn tham nhũng đang thực sự đặt vận mệnh nước Việt trước sự sinh tử- hoặc phát triển, hoặc tụt hậu, lẹt đẹt đi sau nhiều quốc gia nhỏ yếu khác trong quá trình hội nhập văn minh, hiện đại.
- Mặt khác, GTVT vốn là ngành kinh tế huyết mạch đang phải đối mặt liên tiếp với sự “bôi trơn”, nên những con đường cao tốc, cầu treo, cầu đường của ngành rất… chóng han rỉ, xuống cấp. Mà thực ra đó là sự han rỉ, xuống cấp của nhân cách con người.
- Năm 2014 cũng là năm trọng điểm chống tham nhũng. Giao thông vận tải là ngành có đầu tư công khủng, lại có vốn vay ODA khá lớn. Với cung cách quản lý đầy lỏng lẻo bởi khuyết tật thiết kế cấu trúc xã hội nói chung, của ngành GTVT nói riêng, thì những vụ việc tham nhũng trong ngành cũng rất có nguy cơ khủng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban QL dự án ĐS, người đầu tiên bị yêu cầu tạm đình chỉ công việc, viết báo cáo giải trình cam đoan “tôi không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào từ JTC, tôi là đảng viên…”. Nhiều quan chức khác cũng khăng khăng “tôi không nhận đồng nào”. Nhưng lời nói dễ gió bay đó lúc này chưa đủ sức thuyết phục cơ quan chức năng lẫn xã hội, bởi nó cần được chứng minh ở kết quả điều tra.
Có điều giới am hiểu chuyên môn nhận xét, trong 12 năm qua, bình quân cứ 04 năm lại xảy ra một vụ tiêu cực lớn liên quan đến vốn ODA ở nước ta. Không ít kẻ nghiễm nhiên coi ODA là “chùm khế ngọt”, dù không thuộc xứ sở quê hương. Thì rõ ràng, việc quản lý các dự án có vốn ODA này có rất nhiều vị… chát.
Cái vị chát nhất mà người dân luôn phải nếm, phát nhăn mặt là cụm từ “quản lý lỏng lẻo”!
Vì sao, vị chát này đậm đặc ở bất cứ vụ việc tiêu cực nào lớn bé, nặng, nhẹ. Chát đến mức, báo VietNamNet ngày 25/3, phải đặt câu hỏi: “Nghi án” hối lộ: Sao chỉ nước ngoài phát hiện? Câu trả lời của giới chuyên gia cho rằng “lý do đơn giản bởi hệ thống kiểm toán và ngành thuế Nhật Bản làm việc rất nghiêm túc, kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền lưu thông. Qua đó những khoản tiền bất hợp pháp rất dễ “lòi" ra”
Phải chăng, nó là sản phẩm con đẻ của một cung cách quản lý “già đời non nhẽ”?
Mặc dù kinh tế thị trường nước Việt có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nhưng bản chất cách quản lý kinh tế nhà nước, trong đó có quản lý đầu tư xây dựng vẫn là xin- cho. Cái sự xin- cho nó cụ thể, ngóc ngách, tận định mức đơn giá, thiết kế dự toán đến nghiệm thu thi công. Đây chính là mảnh đất béo bở đầy chất dinh dưỡng cho tham nhũng nảy nở.
Mô hình phối cảnh dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi. Ảnh: NLĐO
Cơ chế xin- cho hàm chứa những nhược điểm của một cách quản lý tùy tiện, tiểu nông, ban phát, cảm tính. Trong khi đó, trách nhiệm kiểm soát, giám sát, thanh tra lại nhiều phần mang tính hình thức, thiếu khách quan, tạo kẽ hở cho các mối quan hệ có đi có lại mới toại lòng nhau. Toại lòng nhau giữa các “nhóm lợi ích”, thì chỉ làm đau lòng nhân dân, tổn thương xã hội, trước sự thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Mặc dù, xã hội đã bắt đầu quen việc chuyển tiền qua tài khoản, nhưng mới chỉ ở vỏn vẹn khoản tiền lương. Còn lại tất tật vẫn là thói quen sử dụng tiền mặt. Thói quen này dẫn đến việc không thể kiểm soát thu nhập cá nhân, kẽ hở dung dưỡng cho nạn hối lộ, tham nhũng.
Tệ nạn tham nhũng, sự không thượng tôn pháp luật thời kim tiền, đã tạo cho người Việt một tâm lý hối thúc, tìm việc làm đồng nghĩa, chỗ đó có thể có “màu” dễ dàng. “Màu” ở đây là gì nếu không phải cũng đồng nghĩa với máu ăn hối lộ, ăn cắp của công, và tham nhũng?
Làm việc cần có ekip, ăn dơ với nhau, thì tham nhũng cũng cần có ekip, có dây, một lá bùa hộ mệnh cần thiết đề phòng bất trắc. Chính vì thế, ở tất cả các vụ án tham nhũng, bao giờ đứng trước vành móng ngựa cũng là cả ekip “toàn tâm, toàn ý” tham nhũng.
Lòng tham của con người, về bản chất ở bất cứ quốc gia nào, dù văn minh hay lạc hậu đều giống nhau. Lòng tham đó bị kiểm soát ngăn chặn, hay ngược lại được “nối dây cho diều” phụ thuộc vào cung cách, lề thói quản lý của quốc gia đó. Và nếu như nghi án hối lộ là xác thực, thì chỉ chứng tỏ một điều, ông Tanio Kanikuma, Chủ tịch JTC là người Nhận Bản quá am hiểu thành ngữ Việt Nam- nhập gia tùy tục. Chỉ tiếc, sự nhập gia tùy tục này, sẽ dẫn những quan chức người Việt… “nhập giam tùy tội” mà thôi.
Nghi án ăn hối lộ 16 tỷ đồng còn chưa có điều tra, kết luận chính thức, xã hội lại phát sốt vì thông tin động trời: Xuất hiện tài liệu nghi vấn 2,8 triệu USD “bôi trơn” gửi cho các cơ quan ở Hà Nội, xung quanh dự án khu đô thị Sing- Việt (Bình Chánh, t/p HCM- báo Pháp luật t/p HCM, ngày 24/3), trong khi ngành tòa án mới xử vài ba vụ “nghiêng trời lệch đất” trong số hàng chục vụ tham nhũng điểm năm nay.
Một câu hỏi đặt ra: Được mùa chống tham nhũng, nước Việt nên buồn hay vui?
Và liệu có mối liên hệ đáng buồn nào, giữa các vụ tham nhũng đã xử, đang xử và sắp xử với con số nợ công VN này không: Đến thời điểm này, mỗi người dân Việt đang gánh gần 886,36 USD (khoảng 20 triệu đồng) nợ công, tăng thêm 27,31 USD/ người so với năm 2013 (Dân Việt, ngày 24/3).
*
**
II- Có một vụ việc khác, không hề mang yếu tố nước ngoài, mà chỉ mang yếu tố… gia đình. Nhưng cũng để lại vị đắng cho xã hội bởi chính sách và cung cách quản lý khá “chát”.
Cách đây 06 năm, cả Hà Nội xôn xao bình luận chuyện một quan chức cấp cao HN đã nghỉ hưu, không chịu trả lại ngôi biệt thự tọa lạc ở một con phố cổ, với lý do không có nhà ở. Không biết ngôi biệt thự cổ đó giờ được giải quyết ra sao. Thì nay, vụ việc nhà công vụ lại nổi sóng, cho thấy chính sách trong lĩnh vực này, có lỗi tại…cụ Rùa Hồ Gươm.
Nổi sóng, bởi theo Thông tư số 01/2014 của Bộ Xây dựng ban hành mới đây, người thuê nhà công vụ phải trả lại nhà khi nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê. Có 05 trường hợp nhà công vụ sẽ bị thu hồi nếu người sử dụng không sử dụng đúng mục đích và vi phạm.
Cứ tưởng những quy định đó rõ ràng, minh bạch như 1+1= 2, 2+2= 4. Ai dè, chủ nhân tạm thời của những ngôi nhà công vụ cũng rất nhiều “sắc mắc”.
Cái gốc mà các vị đưa ra, là “cả luật và đơn vị quản lý trước đây đều không đề cập việc về hưu phải trả nhà”. Thậm chí có vị từng là Thứ trưởng hẳn hoi, còn hỏi một câu hỏi có phần… “cùn”: Trả nhà rồi, mình biết ở đâu? Khiến cho một quan chức hưu trí khác, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ trong trả lời phỏng vấn báo Tiền phong (ngày 24/3) phải bình: Trả lời như vậy khó chấp nhận được. Bảo trả nhà không biết ở đâu. Vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở ngoài đường sao?
Rõ ràng cùng quan chức, nhưng tư duy “bạc”… không đều!
Ảnh minh họa
Cái Luật mà các vị quan chức hưu trí viện dẫn ở đây là Luật Nhà ở 2005, và đơn vị quản lý trước đây là Cục quản trị I, Văn phòng Chính phủ. Nay “luật mới” là Thông tư số 01/2014 của Bộ Xây dựng, và “đơn vị quản lý mới” là Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Người viết lạ một điều, các bác đều từng là quan chức, chắc chắn phải có trình độ nhất định, am hiểu những quy định, tính chất và đặc thù nhà công vụ, mà lại không nhìn rõ được sự khác biệt hoàn toàn giữa nhà công vụ và nhà sở hữu.
Chính vì cái công- tư tù mù không minh bạch từ trong nhận thức, hay bởi cái cơ chế bao cấp khiến cho người ta có tâm lý nghiễm nhiên biến nó thành nhà riêng, nhà tư của mình và chây ỳ không muốn trả lại? Người cho con cái ở, người khóa cửa để đấy, người hưu trí rồi vẫn ở như nhà riêng. Thậm chí có trường hợp người đã chết, vợ con “thừa kế” chỗ ở, ngoại trừ có 2-3 người đã trả lại nhà, trong số 80 căn hộ nhà công vụ khu Hoàng Cầu.
Cái gốc còn ở đây: Đơn vị quản lý cũ … cũng tù mù nốt trong cung cách quản lý. Quyết định giao nhà không ghi thời hạn được sử dụng, không có hợp đồng thuê, không trả lời rõ ràng về việc đền bù tiền bạc trong sửa chữa khi nhà công vụ xuống cấp. Đặc biệt, có tâm lý nể sợ không dám thu hồi nhà công vụ của các quan chức cấp cao. Cách quản lý đã tù mù, việc thi hành lại dựa vào “nỗi sợ” mơ hồ, thì rút cục, sử dụng nhà công vụ khó mà minh bạch.
Thì sự minh bạch- một đòi hỏi chính đáng của thời cuộc, ngay trong chính sách nhà công vụ, đã đến lúc phải rất… minh bạch. Bên cạnh việc giải quyết hợp lý tất cả những tồn đọng xưa cũ xung quanh vấn đề này, và bổ sung thêm các quy định tường minh. Không phải vô lý khi ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Quản lý Nhà ở và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng: Tuy Luật Nhà ở 2005 không nêu luận điểm về hưu trả lại nhà, nhưng quy định cán bộ chỉ được thuê nhà ở công vụ trong quá trình công tác.
Sự chây ỳ hay thắc mắc của các quan chức đã nghỉ hưu không muốn trả lại nhà công vụ, gây nên cái nhìn không đồng tình, của ngay những quan chức đồng sự, hoặc những ĐBQH, đại diện cho tiếng nói người dân.
Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: L.H.V/ Tiền phong
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN- MT: Cán bộ về hưu vẫn giữ nhà công vụ là trái luật, nếu không thu hồi được có thể dùng đến biện pháp cưỡng chế. Vì chúng ta có thể cưỡng chế đối với người dân, không có lý do gì lại không cưỡng chế với những cán bộ về hưu cố tình làm trái luật. Không nên vì nể hay vì một mối quan hệ nào đó mà phải quyết tâm làm (ĐSPL, ngày 27/3).
Còn Gs Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và NĐ của QH): Nhà công vụ không phải “lộc” để chia cho con cháu. Có thể nói đây là hành vi chiếm dụng tài sản nhà nước.
Trong khi ĐBQH Dương Trung Quốc lưu ý: Đang có sự lạm dụng trong việc quản lý công sản của nhà nước, cả trong chính sách lẫn thực thi và thiếu gương mẫu của người lãnh đạo. Trước đây cha ông ta rất quan tâm tới liêm sỉ, sợ nhất là vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội. Nhưng giờ điều đó đang dần mất đi, ít được quan tâm hơn, đặc biệt với tầng lớp quan chức (Tiền Phong, 21/3)
Liệu những tiếng nói trên có đủ để thay đổi nhận thức các vị quan chức hưu trí đang ở nhà công vụ? Con số này không hề nhỏ- tới 200 nhà.
Có điều, tham nhũng bằng chính sách, trục lợi bằng chính sách, “bôi trơn”…, là những khái niệm rất mới, mà rồi đây, Từ điển tiếng Việt thông dụng chắc chắn phải bổ sung. Và với những khái niệm “tân cổ điển” như vậy, cơ chế quản lý kinh tế- xã hội nước Việt đang đứng ở ngưỡng nào của nhân loại, văn minh hay tụt hậu? Còn người dân, khi nhìn vào cách hành xử của các vị quan chức, sẽ “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” kiểu gì?
Chả lẽ, câu khẩu hiệu đó cần được mở ngoặc để thêm cụm từ: Trừ một số quan tham?