Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu việc đầu tư Dự án phải tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với Quy hoạch, chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội có điểm đầu nối tuyến đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An; điểm cuối nối QL8B huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; chiều dài tuyến chính 2,3km, trong đó chiều dài cầu khoảng 1,7km. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 2.000 tỷ đồng.
Theo đơn vị Tư vấn, cầu Cửa Hội nghiên cứu thiết kế cầu dây văng, hai mặt phẳng, vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; bề rộng cầu chính 19m, bề rộng cầu dẫn 16m. Phần đường hai đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Doanh nghiệp quan tâm dự án), UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý và kiến nghị Bộ GTVT triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền phát biểu tại buổi làm việc
Ông Huỳnh Thanh Điền khẳng đinh, Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội triển khai phù hợp với Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết trong cơ chế đầu tư đường ven biển, một trong những nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất đó là các tuyến đường tỉnh lộ do địa phương đầu tư, các tuyến đường trùng với quốc lộ do Bộ GTVT đầu tư.
Đối với cầu Cửa Hội nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Thứ trưởng đánh giá đây là điểm xung yếu về vấn đề giao thông, nhất là phát triển kinh tế biển và chiến lược biển của vùng Nghệ An - Hà Tĩnh; do đó, vấn đề đặt ra đối với Bộ GTVT và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh làm sao nghiên cứu để sớm triển khai Dự án.
Thứ trưởng đồng ý đầu tư Dự án theo hình thức công - tư (PPP) có sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời yêu cầu đơn vị Tư vấn tập trung nghiên cứu kỹ về quy mô, hướng tuyến, cơ chế và nguồn vốn đầu tư Dự án, trên tinh thần tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với Quy hoạch, chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương.