Ảnh minh họa. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam gồm hai dự án thành phần với tổng chiều dài gần 57km, đi qua địa bàn sáu huyện, thành phố. Để nâng cấp mở rộng tuyến đường này, hơn 6.000 gia đình ở Quảng Nam bị ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi trên 160ha.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia nên Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư huy động mọi nguồn lực, phương tiện, vật tư, thiết bị để thi công dự án hoàn thành tiến độ đề ra.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng cũng như hoàn thành việc di dời các công trình công cộng như điện chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước để cung cấp mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Đến thời điểm này, có thể nói dự án đã cơ bản hoàn thành việc đền bù giải phòng mặt bằng, các đơn vị tham gia thi công cũng đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn để đưa dự án về đích đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, do dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A có quy mô lớn, số hộ bị ảnh hưởng không nhỏ nên đến nay vẫn còn một số ít gia đình ở huyện Thăng Bình vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đây được coi là nút thắt cuối cùng trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam đang được các cơ quan chức năng và các địa phương tích cực tháo gỡ.
Là địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Nam có số hộ dân chưa chịu nhận tiền đề bù để bàn giao mặt bằng thi công nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thăng Bình, cho biết đầu năm nay, số hộ dân chưa chịu nhận tiền đề bù giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 1A là trên 90 hộ. Qua vận động thuyết phục, hiện tại số hộ chưa chịu nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng giảm xuống còn 57 hộ, tập trung nhiều nhất ở xã Bình Nguyên. Để số hộ còn lại nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, huyện Thăng Bình đã chỉ đạo cho các ban ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với từng địa phương rà soát lại tất cả các khâu còn hạn chế trong công tác đề bù giải phóng mặt bằng.
Quan điểm của huyện là giải quyết thấu tình đạt lý, không để người dân chịu thiệt nhưng cũng kiên quyết với những hộ cố tình dây dưa gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án.
Mặt khác, Ủy ban Nhân dân huyện còn tổ chức hàng chục buổi đối thoại trực tiếp với người dân chưa chịu nhận tiền đền bù. Qua đối thoại, những khúc mắc của người dân được các bộ phận chuyên môn giải thích một cách cặn kẽ. Nhờ đó qua mỗi buổi đối thoại có thêm nhiều hộ vui vẻ nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Dương Ngọc Lân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Nguyên, thẳng thắn thừa nhận việc một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng của địa phương trong thời gian qua còn nhiều điểm chưa thật sự minh bạch, dẫn đến sự so bì giữa các hộ gia đình.
Xã Bình Nguyên hiện còn 13 hộ chưa chịu nhận tiền đền bù. Đối với những hộ này, hiện tại Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Thăng Bình, Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Thăng Bình đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Bình Nguyên và các hộ dân tiến hành đo đạc lại một cách chính xác diện tích đất, xác định rõ từng loại đấu ứng với từng giá đền bù khác nhau để người dân rõ. Mặt khác, đơn vị thi công cũng phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để thi công dứt điểm những đoạn đã bàn giao mặt bằng, không thi công dây dưa kéo dài, như vậy tính thuyết phục đối với người dân sẽ cao hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Chi, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Thăng Bình đề xuất để tháo gỡ nút thắt cuối cùng trên Quốc lộ 1A, bên cạnh việc xác định rõ từng chủng loại đất để đền bù thỏa đáng, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân thấy rõ lợi ích của việc mở rộng Quốc lộ 1A để đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Thực tế cho thấy, nơi nào người dân đã được đền bù thoả đáng, được giải thích rõ ràng thì ở nơi đó người dân không còn hoài nghi trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và luôn có sự đồng thuận cao.
Trong buổi đối thoại với Ủy ban Nhân dân huyện Thăng Bình vào sáng 23/4, ông Võ Văn Hải, đại diện cho những người dân chưa chịu nhận tiền đền bù ở xã Bình Nguyên cho biết ông và các hộ dân còn lại sẽ nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong những ngày tới nếu như việc đền bù được thực hiện một cách công khai, thoả đáng.
Nút thắt về đền bù giải phóng mặt bằng đoạn cuối cùng trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã tìm được hướng giải quyết một cách căn bản. Điều quan trọng là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để thi công luôn cần có sự đồng thuận của người dân.
Để làm được điều này, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A thì việc đền bù thoả đáng, công bằng, rõ ràng, chính xác và đúng quy định của pháp luật chính là yếu tố quan trọng nhất./.