Khu vực đang khai quật chỉ cách hầm đường cao tốc xuyên núi Chiêm Sơn vài trăm mét
Chiều nay 2.4, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học) cho biết giữa Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã thống nhất đề xuất mở rộng khai quật gần 1.000 m2 so với 3.000 m2 đã được Bộ VH-TT-DL cấp phép trước đó tại phế tích Triền Tranh, để thu thập thêm hiện vật.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quý là người chủ trì đợt khai quật phế tích Triền Tranh ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), phục vụ công tác giải phóng hành lang tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Sau khi xử lý 2.000 m2 với 20 hố khai quật, Viện Khảo cổ học đã thu được rất nhiều hiện vật gạch, ngói, gốm sứ Đại Việt và gốm Trung Quốc, Islam… Đặc biệt, dấu vết các tường bao, nền móng ở phía sau khu đền tháp chính cho thấy nhiều khả năng nơi đây từng là khu tập giảng kinh sách Chăm, niên đại từ thế kỷ 9 - 13.
Việc phát lộ cụm di tích Chăm bí ẩn này góp phần giải mã nhiều nghi vấn về mối liên hệ đặc biệt trong trục không gian văn hóa Trà Kiệu - Chiêm Sơn - Mỹ Sơn.
Hôm nay 2.4, đơn vị khai quật tiếp tục mở các hố khai quật thuộc phần diện tích 1.000 m2 còn lại, đồng thời chờ ý kiến chấp thuận của Bộ VH-TT-DL về diện tích mở rộng thêm. Về hướng xử lý bảo tồn, các chuyên gia của Hội đồng di sản sẽ tiếp cận hiện trường vào giữa cuối tháng 4 tới để thảo luận, đánh giá. Đáng chú ý, khi phóng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chủ đầu tư đã chủ động tránh khu phế tích khoảng 70 mét về phía tây, nhưng phía sau di tích vẫn bị hành lang tuyến ảnh hưởng.
Khu vực khai quật hiện tại chỉ cách hầm đường cao tốc xuyên núi Chiêm Sơn khoảng vài trăm mét, nên phương án nắn tuyến để tránh di tích rất khó. Vì vậy, phần di tích bị ảnh hưởng bởi hành lang đường cao tốc dự kiến sẽ được xử lý di dời hiện vật, lập mô hình 3D…
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đề xuất phương án khoanh vùng bảo vệ nguyên trạng phần lớn phế tích Triền Tranh, khu vực không ảnh hưởng, để hình thành vệt du lịch văn hóa Chăm.