Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm được xây dựng và khai thác ngay sau năm 2020.
Kiến nghị này được ông Nguyễn Hữu Tín đưa ra trước Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án sân bay Long Thành tại buổi họp ngày 15/8. Vì không phải là thành viên thuộc hội đồng nên đại diện thành phố “xin không phát biểu về các nội dung chuyên sâu như tổng mức đầu tư hay cơ chế huy động vốn”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sớm xây dựng công trình này, nhất là trong mối liên quan đến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồng tình với dự báo của cơ quan tư vấn rằng số lượng hành khách đi máy bay qua TP. HCM năm 2030 vào khoảng 53 triệu, ông Tín cho rằng nếu không có một sân bay mới chia lửa, vấn đề giao thông sẽ rất nan giải với thành phố, ngay cả khi Tân Sơn Nhất được mở rộng.
Theo lãnh đạo TP HCM, hiện công suất của Tân Sơn Nhất đã đạt 20 triệu khách. Muốn nâng lên 25 triệu thì việc mở rộng nhà ga chỉ là điều kiện cần. Còn lại hạ tầng ngoài sân bay như giao thông kết nối mới là điều kiện đủ. “Vấn đề không chỉ là Tân Sơn Nhất có còn đất hay không mà là hạ tầng có đáp ứng được không”, ông nhấn mạnh.
Phối cảnh sân bay Long Thành.
Tính toán của địa phương cho hay, để nâng công suất Tân Sơn Nhất thêm 5 triệu khách, chi phí sẽ tốn không dưới 4 tỷ USD, bao gồm việc kết nối 2 tuyến đường sắt đô thị và hai tuyến đường trên cao. Thực tế vừa qua, để giải tỏa áp lực cho giao thông tiếp cận quanh sân bay, thành phố đã chi hơn 300 triệu USD để xây dựng tuyến Bình Lợi – Tân Sơn Nhất và mở rộng đường Trường Chinh, Cộng Hòa.
“Tân Sơn Nhất nằm giữa khu phát triển, việc mở rộng sân bay ở đây sẽ rất bất cập về cảnh quan, không gian, lại không đảm bảo an toàn cũng như tốn kém trong giao thông kết nối”, ông Tín khẳng định.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu quân đội đồng tình: Mở rộng sân bay không chỉ đơn giản là nhà ga, đường băng, sân đỗ mà quan trọng hơn cả là không gian. Từng làm phi công chiến đấu thuộc sư đoàn không quân 370, bay trên bầu trời TP. HCM, Biên Hòa, ông Tuấn khẳng định sân bay quân sự Biên Hòa và cảng quốc tế Tân Sơn Nhất không thể đảm bảo yếu tố này.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá nhận định quan điểm của đại diện TP HCM và Bộ Quốc phòng đã thể hiện rõ nét sự cần thiết phải đầu tư cảng Long Thành. Trong khi báo cáo của chủ đầu tư lẫn tư vấn chưa làm nổi bật được luận điểm này. “Nếu chủ đầu tư nói không rõ thì tôi sẽ trình Thủ tướng không phê duyệt báo cáo đầu tư để trình ra Quốc hội”, ông Vinh cảnh báo khi Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không nói về sự cần thiết đầu tư thiếu thuyết phục.
Tuy vậy, kết luận cuộc họp, Chủ tịch hội đồng cho biết cơ bản các thành viên đều nhất trí thông qua báo cáo, sẽ trình thường trực Chính phủ để xem xét để báo cáo ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Nếu được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm thì dự án cảng hàng không lớn nhất nước, với tổng mức đầu tư giai đoạn I lên đến gần 8 tỷ USD sẽ được khởi động ngay vào đầu 2015. UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ chỉ mất 18 tháng để hoàn thành giải phóng mặt bằng đáp ứng công việc thi công trong giai đoạn I.
Dự kiến đến năm 2025 Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn đầu, đáp ứng công suất 25 triệu khách. Đến năm 2035, sau khi kết thúc xây dựng giai đoạn 1, công suất sẽ nâng lên 50 triệu khách.