Chiều 21/8, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT. Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Bộ, Ban PPP, các Vụ: Tài chính, Khoa học công nghệ; Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Ban QLDA Thăng Long; Nhà đầu tư Dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, được ủy quyền bởi Liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã trình bày báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Dự án.
Theo đó, về tình hình thực hiện các thủ tục pháp lý, đầu tư: Bộ GTVT và Liên danh nhà đầu tư Minh Phát - Cienco1 – Phương Thành đã ký hợp đồng BOT ký tắt ngày 17/2/2014 và đã khởi công Dự án ngày 20/7/2014; đã thành lập xong Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với đầy đủ bộ máy tổ chức; thủ tục xin cấp phép đầu tư đã trình Hồ sơ lên Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các Bộ, Ban ngành liên quan; việc huy động vốn đang gấp rút hoàn tất các thủ tục pháp lý để huy động vốn góp chủ sở hữu theo kế hoạch; đã lập xong Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận; đang xem xét năng lực Nhà thầu đối với những gói thầu cần triển khai ngay để đảm bảo tiến độ bắt đầu triển khai thi công vào đầu tháng 9/2014 theo chỉ đạo của Bộ GTVT; đã trình Hồ sơ lên Cục Quản lý đường bộ 1 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xin giấy phép thi công; đã ký hợp đồng nguyên tắc với các Nhà thầu tư vấn: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, giám sát môi trường...
Về công tác chuẩn bị thi công hiện trường, cơ bản lắp đặt xong 4 trạm trộn BTN tại hiện trường và đã tập kết vật liệu, máy móc và các thiết bị thi công khác.
Công tác giải phóng mặt bằng, hiện Ban QLDA Thăng Long đang yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế TEDI hoàn thiện sơ để cấp chỉ giới đường đỏ sau đó trình Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội thẩm định.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
trình bày báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Dự án tại cuộc họp
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đây là dự án hết sức quan trọng trong việc thực hiện dự án theo hình thức BOT, tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ có mật độ xe lưu thông lớn nhất hiện nay. Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định và trong tháng 9/2014 phải xin được Giấy phép đầu tư; trong tháng 8/2014 Ban QLDA Thăng Long và Nhà đầu tư phải ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án để hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện các công tác tiếp theo; giao Vụ Khoa học công nghệ kiểm tra, thẩm định về công nghệ liên quan đến các loại cấp phối; Nhà đầu tư phải ký hợp đồng kinh tế với đơn vị quản lý đường về công tác ATGT, môi trường, tuyên truyền...; lập Ban GPMB, cắm mốc và tiến hành phương án đền bù GPMB từ giai đoạn 1 của Dự án; Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì rà soát lại tất cả các hệ thống cọc tiêu, biển báo trên tuyến; Nhà đầu tư phối hợp với Ban PPP và Vụ tài chính để xin Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí như vị trí trạm, giá thu phí...; Ban QLDA Thăng Long chủ trì họp đưa ra phương án điều tiết giao thông với sự tham gia của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, đơn vị quản lý đường...Khi thi công, Nhà đầu tư và các đơn vị thi công phải giải quyết triệt để vấn đề lún trên tuyến, bảo đảm tuyệt đối không để ùn tắc giao thông.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT được thực hiện theo Quyết định số 3086/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải. Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội) và điểm cuối Dự án tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình); điểm cuối nhánh vuốt nối tại Km212+475 (đầu cầu vượt đường sắt trên nhánh nối vào QL1 cũ). Dự án có quy mô cấp đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729 – 2012 (có châm chước tĩnh không đứng dưới cầu vượt đường cao tốc và chiều dài dốc dọc theo TCVN 5729-1997), vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 mức đầu tư là 1,974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25,0m; Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4,757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng theo Tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 (bề rộng nền đường 6,50m).