Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận Đề cương điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị metro số 5 (giai đoạn một) có lộ trình ngã tư Bảy Hiền-cầu Sài Gòn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Hải/TTXVN)
Theo đề cương, tổng vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh từ mức 833 triệu euro lên 1,3 tỷ euro (hơn 1,6 tỷ USD và tương đương 34.873 tỷ đồng). Trong số vốn đó, 1,35 tỷ USD (chiếm khoảng 83,97% tổng vốn đầu tư) là vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW); còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Nguồn vốn nêu trên chưa bao gồm cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư (dự kiến khoảng 6.742 tỷ đồng - cập nhật đến tháng 12/2014).
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 5 (giai đoạn một) được thực hiện trong tám năm (2015-2023 ), là tuyến metro bán vành khuyên, chạy bao quanh khu vực trung tâm kinh doanh thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh, có vai trò kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến metro số 1, số 2, số 3a, số 3b, số 4; cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố. Việc kết nối trung chuyển với tuyến metro số 3a tại ga Đại học Y Dược sẽ được thực hiện trong giai đoạn hai, còn tất cả các kết nối trung chuyển với các tuyến metro khác đều thực hiện trong giai đoạn một.
Tuyến metro số 5 (giai đoạn một) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; cùng với các tuyến metro số 1 và số 2 đang được triển khai, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc phát triển văn minh đô thị, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố.
Việc kết nối cả ba tuyến metro số 1, số 2 và số 5 (giai đoạn một) sẽ hỗ trợ cho quy hoạch giao thông đô thị tại Thành phố trong việc giảm thiểu số lượng phương tiện cá nhân thông qua một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông và dòng xe hướng vào trung tâm Thành phố, gia tăng hiệu quả hoạt động của tuyến metro số 1 và số 2 cũng như của toàn bộ hệ thống metro tại Thành phố Hồ Chí Minh./.