CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

CON ĐƯỜNG CỦA NIỀM TIN

2014/8/16 20:16 - Ghi chép của Nguyễn Xuân Diệu

Dễ chừng đã hơn 10 năm, mùa hè năm nay tôi mới có dịp đến thăm bác họ của mình. Bác tôi vốn là giáo viên Tiểu học, nhà ở xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nằm ở trên sườn đông núi Hồng Lĩnh, heo hút lắm.


 
Cán bộ, viên chức Nhà nước ở đây vẫn được hưởng chế độ miền núi. Mà là vùng núi thật. Mấy lần trước tôi đến, thấp thoáng trong những rừng thông, bạch đàn ngút ngát, loi thoi những ngôi nhà lợp tranh, lợp ngói đìu hiu. Bên đường từng đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ, tiếng mõ trâu lốc cốc đều đều. Thế nên khi chiếc xe khách dừng lại trước nhà bác rồi mà tôi vẫn không tin vào mắt mình. Bên dãy núi Hồng hùng vĩ, con đường 8B năm nào chỉ rộng 5 - 6 mét, nay thành đại lộ một chiều thênh thang trải nhựa phẳng lì, chạy dài tít tắp. Hai bên đường sau dãy lan can sơn màu gi mới coóng, những ngôi nhà cao tầng đang xây dựng, lô xô giàn giáo, làm tôi không khỏi sững sờ. Vừa bước ra đón, hình như đoán được ý nghĩ của tôi qua nét mặt, bác cười lớn:
-    Con đường làm cháu bất ngờ lắm phải không? 
-    Dạ! Bất ngờ quá bác ạ. Mấy lâu cháu có nghe nói quốc lộ 1A qua nhà bác đã được xây dựng, nâng cấp. Nghe vậy, chứ cháu không thể hình dung được con đường lại kỳ vĩ đến thế. Thật tình cháu chưa thấy con đường nào đẹp như con đường  này! - 
-   Không phải chỉ có cháu thấy rứa mà bác nghe nhiều người qua đây cũng nói  rứa! Nhất là mấy ông chụp ảnh, quay phim. Mấy ông nớ còn chấm điểm đây là con đường đẹp nhất miền Trung đó cháu ơi! Bác nỏ mấy khi đi ra nên không biết mấy ông nói có đúng không, nhưng quả là con đường đẹp thật. Đi bộ, đi xe trên đó cứ là êm như ru. Có con đường, cả cái xã Xuân Lĩnh mấy lâu ni núp mình trong xó rừng sâu núi thẳm, bỗng được đổi đời. Gần trăm hộ dân bỗng chốc trở thành triệu phú, tỉ phú. Đến đây rồi cháu đi mà coi…!
    Tôi gật đầu, lặng người nhìn con đường uốn mình bên sườn Hồng Lĩnh. Mặt trời đang còn nấp sau dãy núi phía đông, mây trắng bảng lảng dăng dăng. Con đường với dãy phân cách lắp lưới chống lóa trông vừa giống một bức tường thành ẩn hiện trong sương núi, vừa  như một dải lụa vắt hờ trên vai nàng sơn nữ.
   Dắt tôi vào nhà, lấy trong tủ ra một chai rượu nút bằng lá chuối khô, bác rót ra hai chén đầy tràn, hít hà:
-   Uống đi cháu! Uống với bác vài chén để mừng con đường. Cái “anh rượu” ni có cái hay là buồn vui chi cũng uống được. Nhưng bữa ni thì bác đang vui. Có con đường quốc lộ đẹp mộng mơ ri chạy qua trước ngõ, ai mà nỏ vui!  Cứ uống đi đã, rồi bác kể cho mà nghe… 
    Cụng li với bác xong, tôi ngồi lặng nghe bác kể. Bằng chất giọng của người dân miền núi có học nhưng chất phác, bác rủ rỉ:
-   Từ xưa, đây là con đường duy nhất nối từ truông Cổng Khánh, tức là xã Xuân Lĩnh giờ, sang Kẻ Treo. Lúc nớ nó chỉ là cái lối mòn của thú hoang, đôi khi hằn cả dấu chân cọp. Ngày đó ông Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Du đêm đêm vẫn trèo qua truông, sang Trường Lưu hát phường vải. Thời đánh Mỹ, nó mang tên đường chiến lược 18, là con đường huyết mạch vận chuyển bộ đội, lương thực, vũ khí vào miền Nam khi quốc lộ 1A bị tắc. Mà chuyện quốc lộ 1A tắc ngày ấy cứ như cơm bữa. Bởi trên quốc lộ 1A quãng phía Tây dãy Hồng Lĩnh vốn đã hiểm yếu lại có 3 cây cầu là cầu Giằng, cầu Rong, cầu Đôi nằm trong tầm ngắm của máy bay Mỹ. Hàng ngày bay vô ném bom thành phố Vinh, nó cũng bổ nhào, bắn vài quả rốc-két. Bay về hạm đội thừa bom, nó cũng thả xuống. Đường nát, cầu sập tơi tả. Mà nỏ biết răng mấy ông kỹ sư người Pháp khi mở con đường lA lại cho chạy dọc theo bờ sông Lam. Cháu biết đó, quê mình đã mưa là mưa thối đất, nước lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về. Nhiều quãng đường dài hàng cây số nước ngập lút đầu người. Từ xưa đến nay đã có biết bao vụ đắm đò, trôi xe thương tâm xẩy ra. Biết bao thân phận con người  khi đi qua bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Cũng không tính hết có bao nhiêu người bị tai nạn giao thông ở quãng đường quanh co ven bờ sông Lam nớ. Đến nỗi, bên sườn núi có cả một nghĩa địa của những người tử nạn, mộ mới, mộ cũ san sát. Mới vài ba năm trước, đoạn đường qua cầu Rong, mạn xã Xuân Lam trong đêm mưa to, gió lớn, một chiếc xe khách bị nước lũ cuốn đi cùng 18 con người. Phải mất cả tháng trời, mới tìm thấy thi thể của những người bạc mệnh ấy ngoài biển! Đau lắm cháu ơi! Bác nỏ đi mô xa, không biết được nhiều như cháu. Nhưng ngẫm cho kỹ, phải có con đường mới, thay thế con đường cũ đó mới ổn. Tại mần răng những năm chiến tranh, những lúc đường 1A tắc do bom đạn hay mưa lũ, xe cộ ta cứ rong ruổi theo con đường 18 ni, dù có khó đi hơn nhưng vẫn trót lọt, mà giờ ta không làm mới hay cải tạo nó mà đi? Quả thật, việc phải có con đường mới trở thành nỗi ước ao, bức xúc suốt mấy chục năm ni của khách bộ hành, của Đảng bộ nhân dân vùng ni đó!
  ***
     Thật may mắn, sau khi thăm bác mấy bữa, tôi được dự trại viết văn về đề tài Giao thông vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải tổ chức. Một ngày cuối tháng 6, rừng rực nắng, ngùn ngụt gió Lào, Ban tổ chức thuê xe cho đoàn nhà văn đi một vòng trên những con đường do “Tổng 4” tên gọi thân mật của Tổng công ty Xây dựng giao thông 4 (CIENCO4) thi công. Lại cũng thật tình cờ tôi được đi cùng xe với kỹ sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng ban dự án đầu tư của Tổng Công ty kiêm Chỉ huy trưởng công trình xây dựng “con đường đẹp nhất miền Trung” này. Ngồi với anh, tôi tranh thủ gợi chuyện:
-  Tôi nghe nói, Tổng Công ty các anh xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh này vượt tiến độ tới 8 tháng. Đây là đoạn đường đi qua nhiều địa hình phức tạp, có nhiều cầu cống. Các  anh thi công ra làm sao mà hay vậy?
     Nghe tôi hỏi, chẳng cần suy nghĩ, Hoàng Văn Sơn vui vẻ: 
-   Trước hết tôi xin nói đôi lời về con đường này. Như anh đã biết, cuộc sống càng đổi mới, cuộc sống càng đi lên thì nhu cầu về vận tải về kinh tế, dân sinh, an ninh quốc phòng càng tăng. Kéo theo nó, ngoài cái hay ra có rất nhiều hệ lụy, như giao thông ùn tắc, tai nạn giao thông tăng cao…Vì thế, việc phải xây dựng một con đường mới thay con đường cũ đã xuống cấp ắt phải là tất yếu. Nhưng vấn đề là phải xây dựng như thế nào? Anh biết đấy, con đường này có chiều dài 35,1km bắt đầu từ đầu cầu Bến Thủy 2, đi qua 4 huyện và thị xã là Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh. Chúng tôi đầu tư dự án theo công thức B.O.T nghĩa là Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao. Dự án  được thiết kế, thi công theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (TCVN4054-2005), vốn đầu tư lên tới 2.434 tỉ đồng. Về chất lượng công trình, “Tổng 4”, chúng tôi lấy niềm tin làm thước đo của trách nhiệm và danh dự. Vì vậy, chúng tôi không muốn dùng cụm từ “luôn đặt chất lượng lên hàng đầu”, bởi gọi như thế nó chung chung quá. Nói như bên thể thao anh đứng thứ 2 hay thứ 3,“nằm trong tốp ba”, cũng có thể gọi là hàng đầu (!) Thế nên từ đồng chí Tổng Giám đốc đến các công ty của “Tổng 4”đều quán triệt tinh thần coi chất lượng công trình là số 1!  
-  Tôi còn hơi băn khoăn một chút. Đã lấy chất lượng làm số 1, xin hỏi anh, vậy nó có mâu thuẫn với tiến độ công trình không? Theo tôi được biết, các dự án “Tổng 4” các anh thi công, dự án nào đều  vượt tiến độ từ 5-9 tháng?
-  Báo cáo anh, xét cho cùng, trong muôn ngàn công việc thì công việc của người xây dựng giao thông là một trong những công việc vất vả nhất. Mùa đông, làm việc giữa cung đường trống trải, gió bấc hun hút, lạnh thấu xương. Mùa hè, nắng lửa cộng với gió Lào nung tóc tai, áo quần khô khét. Người nào người nấy da dẻ cứ sắt lại, tóc vàng hoe. Lên công trường có hôm tôi cầm cái cán choòng của công nhân đặt bên lán mà bỏng cả tay như chạm vào lửa. Vì thế, chúng tôi rất coi trọng việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức. Bước vào thi công, tất cả lãnh đạo, phòng ban Tổng Công ty đều tham gia dự án hết sức nghiêm túc. Hàng ngày mỗi cán bộ, kỹ sư luôn bám sát công trường kiểm soát khối lượng thi công. Hàng tuần Tổng Công ty họp giao ban để xử lý công việc. Cùng với công tác quản lý chặt chẽ, “Tổng 4” đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị cần thiết có chất lượng tốt để phục vụ thi công, đấy nhanh tiến độ. Máy móc mua sắm  thì nhiều, liệt kê ra dài lắm, tôi chỉ lấy ví dụ như máy rải bê tông Asahlt Bomag BF800C-S500, 800T/h, chiều rộng rải 8m có độ chính xác cao; hay đầu tư 37 tỉ đồng mua trạm trộn 120 tấn/giờ và 160 tấn/giờ… vân vân. Trong quá trình thi công, chúng tôi luôn thực hiện 3ca/ngày…Nói tóm lại, một khi đã xác định công việc là cuộc sống, là hạnh phúc; công trình là niềm tin là danh dự của mình để nỗ lực phấn đấu thì chất lượng công trình và tiến độ thi công đồng thuận với nhau; chúng ta có thể làm được tất cả!
    Nghe anh nói lại nhìn con đường, tôi lặng lẽ gật đầu. Chiếc xe chở chúng tôi vẫn chạy trên con đường được “Tổng 4” khánh thành mấy tháng nay, êm ái như đang trôi trôi trong một dòng sông tĩnh lặng. Tôi đang định nói với Sơn một điều chợt đến trong đầu, thì nhà văn Thế Tường ngồi cạnh thấy chúng tôi nói chuyện vui quá, vốn tính bỗ bã, quay sang góp lời bằng chất giọng Quảng Bình đặc sệt:
-    Thiệt lòng ở mấy tỉnh Bắc miền Trung ni, tôi đi đã khắp. Lạ là ở nơi nào “Tổng 4” mấy anh thi công, tôi thấy nơi đó đường sá không chộn rộn như các nơi đơn vị khác.Ví dụ tháng trước tôi có ra Thanh Hóa, ở đó có đơn vị chi đó cũng đang cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A. Ui cha là đất đá cứ là lổn nhà, lổn nhổn, xe cọ tụi tôi bò chậm như rùa mà vẫn xóc vênh đít. Khác với khi tụi tôi đi qua quãng Quốc lộ 1A của huyện Cẩm Xuyên do “Tổng 4” mấy anh đang thi công, thì đâu ra đó. Nơi nào làm cứ làm, nơi nào dành cho xe đi, đường cứ sạch như lau, có cọc tiêu, biển báo rạch ròi, xe chạy qua êm ru. Sao thế anh?
-   Nhà văn ạ, là bởi chúng tôi là “Tổng 4”, đơn vị xây dựng công trình của Bộ Giao thông vận tải. - Hoàng Văn Sơn nói nghiêm trang - “Lính” giao thông làm giao thông, ắt trách nhiệm đầy mình rồi. Chúng tôi đặt lợi ích của mọi người tham gia giao thông lên trên tất cả để thực thi nhiệm vụ của mình. Thế thôi!
    Tôi và Nguyễn Thế Tường nhìn nhau, gật đầu. Bỗng nhớ cái điều chợt đến trong đầu mình, tôi nói với Sơn:
-   Không những tôi mà nhiều nhà văn, nhà thơ đi trong đoàn rất tâm đắc khi đi qua những cung đường, những cây cầu do “Tổng 4” thi công, nơi nào chúng tôi cũng thấy hai bên đường được trồng cây xanh rất đẹp. Các thứ cây trồng bên đường các anh đều chọn lọc kỹ, bố trí hài hòa. Nhìn kỹ, tôi mới biết, cứ chừng 10 cây sao đen, sấu các anh trồng xen vào vài cây bằng lăng tím, phượng đỏ. Trên những cây cầu như cầu Bến Thủy 2, và một số quãng đường, giữa giải phân cách còn dành đất trồng đủ các thứ hoa nữa. Đẹp đến mê mẩn, anh ạ! Có nhà thơ còn ví von, đi qua những cây cầu của “Tổng 4” như đi trong một công viên vậy. 
-   Tôi cũng thấy thế! – Nhà văn Thế Tường tiếp lời – Tôi thấy mấy anh có tâm hồn thi sĩ đó. Chừ ri, hay là ta đổi cho nhau, mấy anh làm nhà văn, tôi sang làm kỹ sư?
-    Hay! - Hoàng Văn Sơn cười vang – Ý tưởng rất hay! Mà nhà văn ơi, là kỹ sư đâu phải chỉ khô cứng với các công thức. Tỉ dụ thiết kế một cây cầu, xây dựng một con đường đâu chỉ có công thức này công thức nọ! Tôi thì tôi cứ nghĩ, những cây cầu và những con đường, chúng cũng như con người vậy, cũng biết yêu, biết ghét. Chúng tôi gửi cả tấm lòng, cả trái tim, cả tâm hồn mình vào đó. Bởi những chuyến xe, những khách bộ hành và đồng bào tìm ra niềm tin của mình khi cây cầu, con đường vững chãi, đẹp đẽ, sống bền lâu với họ. Trồng cây xanh dọc đường không những tạo ra cảnh quan cho con đường mà còn che bóng mát cho khách bộ hành. Về lâu dài có thể che chắn cho việc vận chuyển bên quốc phòng nữa. Ví như con đường tránh thành phố Vinh chỉ dài 24 km mà chúng tôi bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để mua và trồng cây ven đường đấy!
-   Ra vậy! - Thế Tường vốn là một nhà văn đầy kiêu hãnh cũng nháy mắt nhìn tôi, ra ý bảo: “Cánh kỹ sư “Tổng 4” ni cao thủ đó.Hèn chi...!” Rồi cả ba chúng tôi cùng cười vang. Nghe tiếng cười vui quá, những nhà văn, nhà thơ trên xe đang mê mải ngắm con đường, chưa biết “mô, tê, răng, rứa” cũng hớn hở cười theo...!                                                                                                                                             
                                                          ***     
    Trời trở chiều. Trước mặt chúng tôi cùng cái nắng tháng 6 miền Trung cháy đất, cháy trời, từng cơn gió hầm hập ào ạt xô nghiêng những cây cối ngoài kính xe. Trong cái nóng bỏng, cháy rát ấy, con đường uốn mình mềm mại vươn dài như một dòng sông xanh mát. Hoàng Văn Sơn nắm tay tôi, ngập ngừng:                                                           
-    Tôi hỏi thật không phải. Nếu không có gì bí mật, anh có thể “bật mí” dự định viết về “Tổng 4” cho tôi được không?
-   Chẳng có gì bí mật đâu, chúng tôi đến đây là để viết mà anh! - Tôi trả lời - Nhưng viết gì, viết như thế nào lại là một chuyện. Đúng là thành tích, chiến công  của “Tổng 4” cứ như một huyền thoại. Nhưng một bài ghi chép hay bút ký thì làm sao nói hết thành tích, sự cảm phục con người ở đây, làm sao nói sao hết tình yêu của mình với cán bộ, công nhân viên chức ở đây? Tôi đang dự định viết một cái gì đó dài dài có thể sẽ mang tựa đề: “Tổng 4 - Chàng lực sĩ của những công trình”,về những công trình các anh đã và đang làm, như cầu vượt đường sắt Bắc Nam, cầu Dùng…vv hay những công trình “đền ơn, đáp nghĩa” hướng về cội nguồn, những công trình của tâm linh tại nghĩa trang các liệt sĩ Giao thông vận tải ở Quảng Bình, nhà che mộ ở Truông Bồn, Nhà tưởng niệm nhân dân hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc…và bao dự án, công trình trong và ngoài nước. Nhưng thời gian ít ỏi quá nên mới nằm trong ý tưởng. Mà nếu có viết cả ngàn trang sách, cũng không thể nói hết những gì về “Chàng lực sĩ Tổng 4” đâu, anh ơi! Anh biết không, tự dưng tôi cứ thấy những con đường, những cây cầu, những công trình của “Tổng 4” cứ như bằng xương, bằng thịt, mang hơi thở, nhịp đập của trái tim con người; trở thành tình yêu, thành niềm tin cuộc đời, anh ạ! Ấy là Tình yêu, niềm tin bền chặt của người công nhân xây dựng giao thông gửi trao cho những con đường, trong lòng mỗi người; trường tồn mãi mãi với thời gian…! Phải không anh?                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           
                                                                                                                                       Trại viết Cửa Lò tháng 6 -2014
                                                                                                                                                             N. X. D.
 

 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH