Ngày 31/1/2015 khánh thành tuyến quốc lộ 1A (QL1A) đoạn từ Thanh Hoá đến HàTĩnh dài 315 km có quy mô mặt đường bốn làn xe, với tổng số vốn đầu tư lên đến 20 nghìn tỷ đồng.Trong đó có 8 dự án dài 206 km có số vốn đầu tư là 12 660 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ. 4 dự án dài 109 km có vốn đầu tư xã hội hoá với hình thức BOT là 7200 tỉ đồng.
Ngay sau khi đưa tuyến đường này vào xử dụng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ ràng khi hành trình của các phương tiện giao thông từ Thanh Hoá vào Hà Tĩnh giảm 2 giờ đồng hồ so với trước đây. Nhưng đáng buồn thay con đường hiện đại, trục giao thông xương sống quốc gia tạo ra hiệu quả kinh tế lớn lao đó chỉ chưa đầy ba tháng sau đã bị xâm phạm, phá hoại một cách tàn nhẫn với những hành vi thô bạo, coi thường luật pháp. Những hành vi này chủ yếu tập trung vào việc phá huỷ, di chuyển các công trình đảm bảo an toàn giao thông, phụ trợ cho quá trình giao thông của các phương tiện được thuận lợi và có hiệu quả hơn. Các công trình bị phá hoại, di chuyển sai quy cách thiết kế, tạo ra sự tiềm ẩn tai nạn giao thông, mất an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông nhằm vào các dải phân cách, các tấm chống loá, các biển báo hiệu.
Sự phá hoại các công trình phụ trợ giao thông này trên tuyến QL1A chủ yếu xẩy ra ở khu vực thuộc hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An. Ở tỉnh Thanh Hoá đoạn QL1A chạy qua hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia bị phá hoại nhiều nhất. Tính đến nay đoạn đường này đã có hơn 30 điểm các dải phân cách, các tấm chắn loá và biển hiệu bị phá hoại. di chuyển.Tại xã Quảng Ninh (Quảng Xương) nhiều tấm bê tông của dải phân cách nặng hàng tấn bị lôi khỏi làn đường, vứt bừa trứơc cửa nhà dân. Ngoài khu vực xã Quảng Ninh thì trên đoạn đường này ở các xã khác hàng chục điểm dải phân cách bị tháo từ vài mét đến vài chục mét để để tạo ra những lỗ hổng cho dân đi xe máy, đi bộ và cả khuân vác hàng hoá đi qua.
QL1A chạy qua khu vực tỉnh Nghệ An dài 73,8 km qua 5 đơn vị hành chính là thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh thì huyện Diễn Châu có đến 5 xã là Diễn Ký, Diễn Hồng, Diễn Ngọc, Diễn Yên có thể coi là điểm đen của sự phá hoại, bất chấp pháp luật này. Điển hình nhất là xã Diễn Kỉ có 3,5km QL1A đi qua với 6 trên 9 xóm với 450 hộ trong toàn xã bám sát hai bên đường đã có tới 10 điểm phá dỡ dải phải cách. Xã Diễn Yên có tới 3 đến 4 diểm dải phân cách có phiến nặng từ 1 đến 2 tấn cũng bị gỡ bỏ, hoặc đập phá. Ông Dương Đăng Hồi chủ tịch xã Diễn Yên thừa nhận tình trạng phá hoại dải phân cách của dân xã mình và thanh minh rằng: “dân, họ làm ban đêm, xã không kiểm soát được”... Xã Diễn Ngọc tình trạng cũng diễn ra tượng tự. Vừa qua Công an đã bắt chủ hiệu phở Cáo Thanh Tùng ở xã này đã phá dải phân cách trước cửa nhà mình để hút khách vào ăn phở...
Tình trạng phá, thay đổi dải phân cách và các công trình phụ trợ giao thông không chỉ xẩy ra trên QL1A mà ở nhiều tuyến QL khác. QL 18A dài 30 km nối tuyến Uông Bí với Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh với vốn đầu tư tới 2800 tỉ đồng vừa được khánh thành đưa vào xử dụng từ ngày 18/5/2014 với quy mô cấp đường cấp 3 đồng bằng có 4 làn xe chạy với tốc độ 80km/giờ do Công ty Cổ Phần Đại Dương đầu tư với hình thức BOT (đầu tư thu phí) thì chưa đầy nửa năm đã có hàng chục điểm bị dân tự ý phá bỏ trái phép dải phân cách, đập phá tấm chắn loá và biển hiệu báo giao thông. Tại thôn Trại Thanh – phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên dải phân cách xây 2 bên giữa đổ đất để trồng cây bị dân đập bỏ mở lối rộng tới 5 mét đủ cho xe ô tô đi qua. Tại km 11 trên tuyến đường này tại phường Minh Thành – cũng thị xã Quảng Yên những khối bê tông nặng hàng tấn cũng bị dỡ bỏ lấy lối đi. Cũng tại Thị xã này gần địa điểm trạm thu phí Đại Yên dải phân cách cũng bị đập phá mở lối để xe ôtô đi qua tránh trạm thu phí. Đáng nói hơn là ngay trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có hàng chục tấm chống loá bị đập phá, lấy cắp... Tình trạng các tấm dải phân cách bị phá, bị vứt bỏ ngổn ngang đã tạo tiềm ẩn tai nạn giao thông đến độ tài xế xe khách Hoàng Văn Nam chuyên chạy tuyến Hà Nội-Móng Cái cũng than phiền lo lắng. Anh cho biết rất lo ngại khi chạy trên tuyến đường có những chỗ dải phân cách bị phá bỏ, vì từ 6 đến 7 giờ sáng người đi lại rất đông qua các điểm bị dỡ bỏ này...
Ngay đường cao tốc Liên Khương đi Prenn (tuyến Đức Trọng đi Đà Lạt (Lâm Đồng ) dài gần 20 km là loại đường đặc biệt rất hạn chế các đường ngang và có hàng rào kín hai bên đường cũng có tới 11 điểm dải phân cách bị phá bỏ, tạo đường đi qua. Ở xã Hiệp Thành (Đức Trọng) có hàng loạt điểm dải phân cách bị phá cho người đi bộ, xe máy đi qua. Ông Nguyễn Bình Dương - Phó ban quản lý dự án BOT (Công ty Hưng Phát-Đơn vị đầu tư) cho biết có những đoạn dải phân cách rộng hơn 1 mét để trồng hoa cũng bị phá và nhiều lần phải làm lại, nhưng cứ sửa hôm trước hôm sau lại bị phá.
Việc tuỳ tiện phá bỏ dải phân cách và các công trình phụ trợ cho giao thông trên các tuyến đường đã được quy vào hành động vi phạm điểm 203 trong Bộ luật hình sự khi tạo ra sự uy hiếp an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Theo điều luật này người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm. Nhưng bất chấp mọi sự cảnh báo việc tuỳ tiện phá dỡ các công trình phụ trợ cho giao thông trên các tuyến đường vừa chỉnh trang, xây dựng tốn hàng nghìn tỷ vẫn tiếp tục và dường như chưa bị dừng có nhiều nguyên nhân.
Trước hết là do sự thiếu hợp lý trong thiết kế. Ông Phan Văn Hùng- Trưởng Phòng Công thương huyện Diễn Châu( Nghệ An) cho biết. QL1A qua huyện này dài 17 km. Theo thiết kế có 21 điểm ngang dân sinh. Tại các điểm này đều có vạch kẻ cho người đi bộ, biển báo nguy hiểm, cấm đi ngược chiều, chỉ dẫn quay đầu xe... Nhưng thiết kế không phù hợp nhất là khu vực sản xuất nằm ở phía đông quốc lộ, nhưng khu vực dân sinh sống đông đúc lại ở tây quốc lộ. Vì vậy chính quyền các cấp đã làm tờ trình đề nghị mở thêm 26 điểm ngang nữa đưa tổng số điểm ngang nay lên con số 47 điểm ngang, với trung bình 360 mét có một điểm. Số điểm ngang trên tuyến QL1A chạy qua thị trấn Quảng Xương cũng bất hợp lý khi các điểm vào chợ, vào trường học đều bị bịt kín sau khi làm đường khiến việc đi lại, sinh sống của dân khu vực này bị đảo lộn...
Nguyên nhân thứ hai là sự tuỳ tiện của người dân. Vin vào đủ mọi lý do về sự không thuận tiện trong sinh hoạt khi bị các giải phân cách ngăn cản việc đi lại giữa hai bên đường QL mới xây dựng...Nếu tạm coi đây là lý do có thể thể tất thì việc đập phá các tấm chắn loá, tháo gỡ biển hiệu báo giao thông, thậm chí đập vỡ các gương phản quang tại các điểm báo an toàn giao thông thì giải thích sao về ý thức của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết: Bộ GTVT mỗi khi thiết kế các điểm ngang đều đã làm việc với ban ATGT các địa phương để thống nhất tạo ra cấc điểm giao cắt trên quốc lộ. Dứt khoát ở những điểm có độ cao, góc cua, tầm nhìn hạn chế... không được mở các điểm giao cắt nên tỉ lệ một km có một điểm giao cắt là hợp lý. Đại diện của Ban quản lý dự án 1( Bộ GTVT) cũng tán thành ý kiến không nên mở nhiều các điểm giao theo đề nghị của các địa phương vì nó sẽ trở thành tiền lệ không tốt cho các tuyến đường sau như tuyến đường QL1A từ Thanh Hoá đi Cần Thơ dài 1400 km nếu chiều theo yêu cầu của các địa phương thì càng nhiều điểm giao sẽ càng làm giảm hiệu quả đầu tư dự án, đó là không kể là tiền đề cho TNGT tăng lên.
Người viết bài này đã từng đi trên tuyến đường từ thành phố Man mo của Thuỵ Điển tới thủ đô Oslo của Na Uy dài hơn 2000 km khứ hồi mà chỉ đi hơn một ngày vì hai bên đường đều đươc rào kín bằng lưới thép mắt cáo, chỉ trừ một số thành phố có giao cắt...còn ở ta ...Rõ ràng việc dân tự phá hoại dải phân cách, bảng chống loá, biển báo hiệu trên các tuyến đường mới xây là một hành vi vi phạm luật pháp.
Biện pháp tốt nhất để tránh tình trạng này bên cạnh việc thiết kế phù hợp các điểm giao cắt cho khu vực dân sinh và trong tương lai là xây dựng hệ thống cầu vượt.. Còn hiện nay để hạn chế sự phá hoại này thì cần nâng cao sự tôn trọng và sự trừng phạt của pháp luật, trong đó trách nhiệm của chính quyền các cấp địa phương cũng cần xác định chứ không thể như ý kiến thiếu trách nhiệm của ông Dương Đăng Hồi, Chủ tịch xã Diễn Yên- Diễn Châu ( Nghệ An) cho rằng: “dân, họ phá ban đêm, xã không kiểm soát được” ■