Sáng 31/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về công tác kiểm soát tải trọng xe, quản lý đường bộ và quản lý bảo trì đường bộ. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015, các Trạm Kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trong cả nước đã kiểm tra hơn 500.000 lượt xe, phát hiện hơn 70.000 xe vi phạm bằng 14%, tước 43.000 giấy phép lái xe, xử phạt gần 300 tỷ đồng; kiểm tra bằng cân xách tay gần 130.000 xe, phát hiện hơn 15.000 xe vi phạm bằng 11% . Xử lý xe ô tô tải tự đổ vi phạm kích thước thùng chở hàng, đã kiểm tra 6.757 xe, có 1.217 xe vi phạm, số xe này đã buộc cắt phần thùng cơi nới trái phép. Tổ chức cho 3.044 doanh nghiệp đầu nguồn hàng trên 63 tỉnh, TP ký cam kết không xếp hàng quá tải lên xe ô tô.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện báo cáo về công tác kiểm soát tải trọng xe,
quản lý đường bộ và quản lý bảo trì đường bộ tại cuộc họp
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết ý thức chấp hành các quy định về ô tô vận chuyển hàng hóa đúng trọng tải của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chưa cao, chạy theo lợi nhuận; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải...; một số chủ xe, lái xe chống đối, cản trở, gây hư hỏng thiết bị cân; một số cơ sở quản lý kho, cảng, bến bãi vẫn còn cho xếp hàng quá tải trọng lên xe ô tô; hầu hết các địa phương chưa kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm việc xếp hàng quá tải trọng lên xe ô tô. Vẫn còn tình trạng nhiều xe quá tải đường dài lén lút lưu thông trên đường vào buổi đêm, xe vi phạm kích thước thùng chở hàng chở vật tư, vật liệu đi công khai trên đường tại những nơi có công trình xây dựng, khai thác mỏ...
Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nêu lên những tồn tại cũng như nguyên nhân trong công tác kiểm soát tải trọng xe, trong đó có một số nơi chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo, việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng làm công tác này còn bất cập, tiêu cực, các biện pháp thực hiện chưa đồng bộ.
Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan soạn thảo, ban hành Chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm soát tải trọng xe, để đồng bộ các biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong chỉ thị này; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền; giao quyền cho các đơn vị được thực thi; giao quyền kiểm tra, kiểm soát; kiểm tra, xử lý những cán bộ vi phạm và những biện pháp triển khai thực hiện.
Về những biện pháp cụ thể, Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng phải đồng bộ 3 lực lượng cùng hoạt động, lực lượng phối hợp gồm CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT), trong đó giao lực lượng CSGT chủ trì, chịu trách nhiệm; lực lượng TTGT sẽ thanh tra đột xuất trên các tuyến; lực lượng chủ động của CSGT có các trạm độc lập sẽ tổng hợp số liệu để có thông báo chính thức về kết quả hoạt động của từng lực lượng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, thời gian vừa qua, tuy đã triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng xe khá mạnh, tuy nhiên lực lượng làm nhiệm vụ còn thiếu so với số lượng xe quá tải. Do đó, Thứ trưởng đã đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, trong đó yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác đăng kiểm (đặc biệt đối với xe “hổ vồ”); lắp đặt cân động điện tử, để giải quyết cân nhiều xe một lúc, đảm bảo độ chính xác 99%.
Lãnh đạo UBATGTQG, Thanh tra Bộ, Vụ ATGT (Bộ GTVT), cùng Giám đốc Sở GTVT,
CSGT tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng xe tại Trạm cân Ninh Bình (tháng 2/2015)
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng, đồng thuận của dư luận, nhân dân, của các doanh nghiệp vận tải và lái xe nên công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực; sau một năm triển khai tình trạng xe quá tải đã giảm, nhận thức của nhân dân, các doanh nghiệp vận tải và lái xe đã có sự chuyển biến.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng tình trạng xe quá tải vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn còn hiện tượng ngang nhiên thách thức các lực lượng chức năng để vi phạm, gây mất lòng tin của một bộ phận nhân dân, cho các doanh nghiệp, các lái xe thực hiện tốt quy định của pháp luật. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng yêu cầu cần phải thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nữa kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện, quản lý kinh doanh vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tổ chức, phổ biến tuyên truyền về chủ trương kiểm soát tải trọng phương tiện cho người dân, doanh nghiệp, lái xe và phải triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt đến khi không còn xe quá tải, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm trật tự ATGT, bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với Thanh tra Bộ, Vụ Vận tải, Vụ ATGT xây dựng Chỉ thị tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành triển khai thực hiện vào tháng 4/2015, đúng dịp tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, đặc biệt giữa Bộ Công an, Bộ GTVT và các địa phương; Bộ trưởng thống nhất mô hình các trạm kiểm soát tải trọng; trong đó lực lượng CSGT là lực lượng chủ trì tuần tra, kiểm soát, dừng phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính; lực lượng TTGT làm nhiệm vụ phối hợp tải trọng cân, tập trung kiểm soát tải trọng xe tại các đầu mối xếp hàng và TTGT phải chấp hành các quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải và thanh tra đột xuất.
Bộ trưởng yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ, trước hết là lực lượng TTGT, lực lượng thực thi công vụ tại các trạm cân; kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (đặc biệt là những trường hợp thông tin cho đoàn xe biết, bảo kê, dẫn mối, dung túng, xử phạt không đúng quy định...) trong tất cả các lực lượng TTGT, CSGT, Ban quản lý các dự án, các lực lượng liên quan.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu từ nay đến hết tháng 6/2015, tất cả các tuyến đường cao tốc sẽ
không còn xe quá tải. (Ảnh chụp Trạm KTTTX tại Km6+000 cao tốc Nội Bài - Lào Cai , tháng 3/2015)
“Ông Hà (ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ) khi thanh tra các dự án giao thông, nếu phát hiện có xe quá tải thì cách chức Giám đốc Ban Quản lý hoặc Chỉ huy công trường ở đó, bây giờ mình phải xử lý, có hiện tượng tiêu cực mà chúng ta không xử lý thì không lấy được lòng tin của nhân dân, nhân dân không thể tin được, vì cả đoàn xe quá tải như vậy ai cũng biết mà lực lượng chức năng lại không biết và không xử lý” - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng yêu cầu xử lý nghiêm đối với 4 đối tượng (chủ phương tiện, chủ xếp dỡ, chủ hàng và lái xe), bởi lâu nay mới tập trung xử lý lái xe vi phạm; Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét lại thời gian đăng kiểm đối với từng loại xe, đặc biệt là những xe quá tải, xe “hổ vồ”; thống kê, thông báo công khai tới các cơ quan chức năng, các địa phương tổng số xe vi phạm cơi nới, thuộc doanh nghiệp, địa phương nào?
Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương “nóng” về xe quá tải, xe cơi nới, để có biện pháp xử lý. Bộ trưởng đồng ý áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời yêu cầu đến hết tháng 6/2015, trên tất cả các tuyến đường cao tốc sẽ không còn xe quá tải.
“Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Cục trưởng, Chi cục quản lý đường bộ; vai trò, trách nhiệm của giám đốc Sở GTVT các địa phương; nếu trường hợp nào không đáp ứng được yêu cầu, lãnh đạo Tổng cục phải có xử lý, đối với giám đốc tại địa phương, Tổng cục phải đề nghị lãnh đạo các địa phương điều chuyển làm nhiệm vụ khác”- Bộ trưởng chỉ đạo.
Nguồn: mt.gov.vn