CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Liên tiếp tai nạn đường sắt: Lỗi thuộc về... nhà tàu!

2018/5/28 9:13 - Châu Như Quỳnh

Những ngày qua trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng làm 2 người tử vong, 11 người bị thương, tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp.


Thiệt hại lớn về người và tài sản do tai nạn
 
Vào hồi 0h30, ngày 24/5, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 khi đến đường ngang có gác tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Bắc Nam đã va chạm với ô tô tải chở đá mang BKS 37C - 151.38 làm đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị đổ lật, trật bánh và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng, làm 2 người tử vong gồm lái tàu và phụ lái tàu, 10 người bị thương.
 
Ngày 26/5, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Quảng Nam và Nghệ An, vào hồi 16h18’ đoàn tàu hàng ASY2 đang thông qua đường số II Ga Núi Thành, Quảng Nam thì va chạm với tàu số hiệu 2469 bị dồn vượt quá mốc xung đột khiến 2 đầu máy và 5 toa xe hàng bị trật bánh. Cùng ngày, 16h30 tàu hàng 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 của ga Yên Xuân, Nghệ An thì toa số 3 và 4 bị trật bánh.
 
Vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe tải ngày 24/5 khiến 2 người thiệt mạng, 10 người bị thương, tuyến đường sắt Bắc - Nam "tê liệt" (ảnh: Bình Minh)
 
Lúc 13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy hướng Bắc Nam, khi tới xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An đâm vào xe bồn tại đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt (có biển báo cấm ô tô) làm tài xế bị thương nhẹ, đường sắt qua khu vực này bị tê liệt trong 90 phút.
 
Không chỉ gây thiệt hại lớn về người, các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra khiến nhiều đầu máy, toa xe và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng nặng gây thiệt hại hàng tỉ đồng, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ.
 
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, nguyên nhân trực tiếp của 3 trong 4 vụ tai nạn trên do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga.
 
Cùng đó, do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện; 2 trong 4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.
 
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
 
Trong công điện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát đi tối 27/5, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trương Hòa Bình yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông để kéo giảm tai nạn giao thông đường đường sắt.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách.
 
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm để xảy ra các vụ tai nạn.
 
Tổng hợp báo cáo đầy đủ các vụ tai nạn giao thông đường sắt từ đầu năm 2018 do nguyên nhân chủ quan gây ra; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, công minh các vi phạm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiệnvà xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
 
Rà soát các quy định pháp luật, các quy trình, quy phạm về công tác tổ chức chạy tàu hiện có để điều chỉnh, bổ sung chặt chẽ hơn, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tai nạn đường sắt do chủ quan.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy trình chạy tàu của công nhân viên, lái tàu ngành đường sắt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tổ chức chạy tàu và công tác kiểm tra, giám sát.
 
Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu do tổ chức, cá nhân trong ngành vi phạm quy trình tác nghiệp
 
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương có đường sắt đi qua khẩn trương điều tra, xác minh và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật gây ra các vụ vụ tai nạn giao thông đường sắt; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt là các vi phạm trong công tác chạy tàu của nhân viên ngành đường sắt.
 
Đối với Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đường sắt đi qua, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
 

Các địa phương phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến cấp cơ sở, khu dân cư Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt. 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH