CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Linh hoạt nghỉ phép, nghỉ lễ để giảm tai nạn giao thông

2015/5/4 8:17 - T.Hằng - H.Anh - V.Điệp - H.Nhì/VietnamNet

Sau khi thống kê 162 người chết vì TNGT trong 6 ngày lễ được công bố, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra 6 giải pháp.


Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình hình TTATGT trong các kỳ nghỉ lễ luôn phức tạp và số vụ TNGT cũng như số người thương vong thường tăng cao hơn so với ngày thường?
 
Các dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là trên các tuyến giao thông kết nối các đô thị lớn với khu vực nông thôn và các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, nhu cầu có thể gấp 2-3 lần so với ngày thường.
 
Những du khách, những người về thăm quê đang từ một môi trường giao thông với kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, công tác thi hành pháp luật tương đối tốt ở các thành phố lớn chuyển sang môi trường giao thông mới lạ trong khi điều kiện về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, văn hoá giao thông, tuần tra kiểm soát ở nông thôn và ở các khu du lịch rõ ràng còn nhiều hạn chế so với các thành phố lớn.
 
 
Đặc biệt nguy hiểm là trong những ngày lễ, Tết, người dân có xu hướng sử dụng rượu bia nhiều và điều khiển phương tiện trong khi cơ thể có nồng độ cồn rất cao, không còn tỉnh táo, sáng suốt, dễ vi phạm về tốc độ, phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm.
 
Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến TNGT thường tăng cao trong dịp lễ, Tết.
 
Các quốc gia khác cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Như ở Thái Lan, trong 7 ngày tết Songkran năm 2015 ( từ 9-15/4/2015), xảy ra 3.373 vụ TNGT đường bộ, làm chết 364 người, trong đó vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân hàng đầu, tiếp theo là vi phạm tốc độ. Phương tiện liên quan đến TNGT chủ yếu là xe máy, chiếm 81,34%.
 
Vậy chúng ta phải làm gì để chấm dứt tình trạng cứ nghỉ lễ, Tết là số người chết vì TNGT tăng cao?
 
Theo chúng tôi, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
 
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch vận tải và tổ chức giao thông sát thực tiễn và tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Cần thông tin sớm, đầy đủ, chi tiết lịch trình, lộ trình, điểm đón, trả khách của phương tiện trên các tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến xe buýt cũng như có phương án tăng cường vận tải công cộng cho địa bàn nông thôn, các khu du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp lễ, Tết; có phương án bán vé thuận lợi cho người dân và quản lý việc niêm yết giá vé.
 
Đồng thời tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt là các điều kiện an toàn về phương tiện và người lái; kiên quyết đình chỉ phương tiện, người lái, doanh nghiệp không thực hiện quy định về ATGT.
 
Thứ hai: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và kiểm soát chặt chẽ chất lượng các dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm và phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cũng như mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải phục vụ dân sinh của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tăng cường duy tu, bảo trì và tổ chức giao thông thật tốt, bảo đảm điều kiện an toàn của các công trình đang khai thác.
 
Thứ ba, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, cương quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các lỗi có nguy cơ cao gây tai nạn như: chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người, đi sai phần đường, làn đường, uống rượu bia điều khiển phương tiện...
 
Tập trung kiểm tra, xử phạt đối tượng lái xe khách, xe mô tô vi phạm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngoài đô thị và khu vực nông thôn; tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ tại địa bàn có lễ hội.
 
Ông Khuất Việt Hùng: Chúng tôi đề nghị mỗi người, mỗi gia đình nên xây dựng kế hoạch đi nghỉ lễ, Tết thật chu đáo, đặc biệt là phương án giao thông
 
Thứ tư, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kế hoạch vận tải và tổ chức giao thông sớm cho người dân, đặc biệt là nhóm dân cư có nhu cầu về quê đón Tết và đi du lịch trong nước. Chính quyền cơ sở tại địa bàn nông thôn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cần có kế hoạch chi tiết về công tác tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông trên địa bàn, cảnh báo các nguy cơ mất ATGT, cách thức sử dụng dịch vụ vận tải công cộng cho người dân về quê ăn Tết hoặc du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
 
Thứ năm, Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, và ban ATGT các địa phương cần kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm ATGT phục vụ lễ, Tết trên các tuyến giao thông chính, tại các địa bàn có lượng cư dân vãng lai gia tăng trong các dịp này. Gắn trách nhiệm bảo đảm ATGT dịp lễ, Tết với người đứng đầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có hình thức phê bình, kỷ luật cũng như khen thưởng đích đáng.
 
Thứ sáu, các cơ quan, doanh nghiệp cần có phương án cho người lao động nghỉ phép bù vào những ngày nghỉ lễ. Người lao động vẫn có thể đi du lịch, về quê... dài ngày nhưng rải rác trong năm chứ không tập trung vào một vài kỳ nghỉ như hiện nay nữa.
 
Ủy ban ATGT Quốc gia có thông điệp gì gửi gắm đến người dân trong những kỳ nghỉ lễ?
 
Chúng tôi mong muốn mọi người, mọi nhà có kỳ nghỉ lễ an toàn và hạnh phúc. Chúng tôi đề nghị mỗi người, mỗi gia đình nên xây dựng kế hoạch đi nghỉ lễ, Tết thật chu đáo, đặc biệt là phương án giao thông.
 
Nếu sử dụng phương tiện công cộng thì nên sớm lựa chọn các hãng vận tải uy tín, đặt vé khứ hồi. Nếu sử dụng xe cá nhân thì nên tìm hiểu tuyến đường mình đi, những cung đường cần lưu ý về ATGT, nên kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi xuất phát. Đặc biệt, đã uống rượu bia thì nhất quyết không lái xe.
 
Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Ất Mùi, Thủ tướng đã nói, bình quân hơn 30 chết vì TNGT mỗi ngày không thể xem là chuyện bình thường, ông suy nghĩ thế nào về câu nói của Thủ tướng?

Chúng tôi, những cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ công tác trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhận thức rất rõ ràng thông điệp thể hiện nỗi lòng trăn trở và day dứt của Thủ tướng cũng chính là nỗi trăn trở, day dứt của toàn xã hội đối với nỗi đau TNGT.
 
Chúng tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân cần tiếp tục phải tìm tòi, nghiên cứu để đề xuất và triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết để niềm vui mừng các ngày lễ lớn của dân tộc được trọn vẹn hơn với mỗi người dân.
 
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong sáu ngày nghỉ lễ (28/4-3/5), cả nước xảy ra 263 vụ tai nạn giao thông, làm chết 162 người, bị thương 184 người, mất tích 3 người.

Hiện trường vụ tại nạn giữa hai ôtô. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Cụ thể, đường bộ xảy ra 249 vụ, làm chết 150 người, bị thương 183 người; đường thủy xảy ra 11 vụ, làm chết 10 người, mất tích 3 người; đường sắt: xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 1 người.

“Trung bình mỗi ngày, toàn quốc xảy ra gần 44 vụ, làm chết 27 người và gần 31 người bị thương; bình quân ngày của 6 ngày nghỉ lễ 30/4 năm nay tăng 1 vụ, tăng gần 4 người chết, tăng 1 người bị thương so với bình quân ngày của 5 ngày nghỉ lễ 30/4/2014,” ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.662 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp kho bạc Nhà nước 16,96 tỷ đồng; tạm giữ 183 xe ôtô, 7.253 xe môtô, tước 1.452 giấy phép lái xe.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương, số lượng phản ánh của người dân về điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm nhiều so với dịp nghỉ Tết Nguyến đán Ất Mùi.

Cụ thể, 6 ngày nghỉ lễ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được hơn 230 phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); ngày 28/4 và ngày 3/5 có số lượt phản ánh đến đường dây nóng cao nhất, khoảng 60 cuộc gọi và tin nhắn.

Nội dung phản ánh về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội-Thanh Hóa, Nghệ An, Nình Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại; chở quá số người, nhồi nhét khách tuyến TP. Hồ Chí Minh Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Định và ngược lại; phản ánh tình trạng nhà xe đe dọa hành khách, đuổi xuống xe nếu như phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; ngoài ra còn phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông một số vi trí trên quốc lộ 1 khi có tai nạn hoặc sự cố.

“Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh. Kết quả giải quyết thông tin phản ảnh của người dân đến đường dây nóng tăng lên,” ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định.

Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho thấy, chỉ tính riêng ngày 1/5, cả nước xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người, bị thương 32 người. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 49 vụ, làm chết 28 người, bị thương 32 người; đường thủy xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người; đường sắt không xảy ra tai nạn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 8.142 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp kho bạc Nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng; tạm giữ 16 xe ôtô, 1.336 xe môtô, tước 98 giấy phép lái xe.

Đánh giá về tình hình trật tự an toàn giao thông trong trong 6 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, ông Nguyễn Trọng Thái nhìn nhận, do nhu cầu đi lại và mật độ phương tiện giao thông tăng cao trong đợt nghỉ lễ dài 6 ngày, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Ban An toàn giao thông các địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công điện số 433 ngày 31/3/2015) nên hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc được duy trì ổn định, an toàn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là nhu cầu đi đến các điểm du lịch.

Lực lượng cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát, tổ chức điều hòa, hướng dẫn giao thông, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, phòng chống tội phạm đua xe trái phép.

Lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường biện pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ôtô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến, kiểm tra và xử lý tình trạng tăng giá vé quá quy định, ô tô chở vượt số người quy định.

Tuy nhiên, vị Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại là số người chết tai nạn giao thông tăng so với bình quân ngày của đợt nghỉ lễ năm 2014; tai nạn giao thông đường thủy tăng cao, xảy ra một vụ va chạm giữa tàu chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và tàu chở hàng, rất may không có thiệt hại về người; xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng; tai nạn chủ yếu liên quan đến xe môtô mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông như chạy quá tốc độ, lấn đường, đi môtô không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người.
 

Ông Thái cũng cho biết hoạt động kinh doanh vận tải vận diễn biến phức tạp, nhất là vận tải đường bộ; tình trạng xe khách chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ, nhất là các tuyến từ Hà Nội-Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Yên Bái; Thành phố Hồ Chí Minh đi Gia Lai, Đắk Lắk Quảng Ngãi, Bình Định và ngược lại. 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH