Lợi dụng nỗi đau tột cùng để kiếm chác
Trao đổi trên báo chí, bác sỹ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng xác nhận, bệnh viện khuyến cáo các nhà hảo tâm cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của những kẻ mạo nhận là thân nhân của 4 nạn nhân may mắn sống sót sau vụ tai nạn thảm khốc, đang điều trị tại bệnh viện.
Ngày 31/7, nhân viên của Bệnh viện Đà Nẵng kịp thời phát hiện một số người tự nhận là người thân của 4 nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện và đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ. Trên mạng xã hội, một số người phản ánh tình trạng có một số đối tượng mạo danh là người nhà các nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Các đối tượng này lợi dụng tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia của các nhà hảo tâm và sự thiếu hiểu biết của mọi người khi đến thăm, tặng quà cho các nạn nhân, các đối tượng trên đã nhận quà (tiền mặt của một số đơn vị, cá nhân rồi bỏ đi).
Nhiều các trang Facebook không rõ ràng khi kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân vụ tai nạn giào thông thảm khốc - Ảnh chụp màn hình
Sự việc gây phẫn nộ trong dư luận, tất cả đều lên án hành vi trục lợi, “quỷ đội lốt người” của một số kẻ xấu.
Ông Nhân cho biết Bệnh viện Đà Nẵng đã giao Ban công tác xã hội đứng ra nhận tiền hỗ trợ (có biên lai và danh sách các tập thể, cá nhân hỗ trợ) của các mạnh thường quân. "Số tiền này chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ để trao tận tay cho người nhà bệnh nhân", bác sĩ Nhân nói.
Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng thông tin ngoài việc hỗ trợ hoàn toàn viện phí thì những ngày qua đội ngũ y, bác sĩ đã thay nhau túc trực 24/24 để điều trị cho các nạn nhân.
"Họ đã mất người thân, lại đang ngày đêm đối diện với những cơn đau về thể xác. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi không cầm được nước mắt. Thế mà có kẻ nhẫn tâm vào bệnh viện để trục lợi thì không thể chấp nhận được", bác sĩ Nhân tâm sự.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều người bức xúc và cho rằng cơ quan công an nên vào cuộc điều tra và lên án hành vi mất hết nhân tính này.
"Đây là hành động của những con thú đội lốt người, lợi dụng cả sự đau khổ tột cùng của gia đình người khác để kiếm tiền cho bản thân. Đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi này" - bạn đọc có tên Công Đ. bức xúc.
Bạn đọc có nickname Hồng Chiến bình luận: "Những kẻ thất đức này đã lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi cho bản thân. Cần phải xử phạt thật nặng!"
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc có tên Nano Nguyễn viết: "Trục lợi trên sự mất mát của người khác là hành vi mất nhân tính".
"Cơ quan Công an địa phương cần vào cuộc ngay để bắt quả tang những kẻ táng tận lương tâm khi đóng giả là người nhà bệnh nhân để ăn chặn tiền của những nhà hảo tâm" - bạn đọc tên Nguyễn Văn Tĩnh đề nghị.
Hành vi giả mạo thể bị xử lý hình sự
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, công ty Luật FDVN Đà Nẵng cho rằng, việc những nhà hảo tâm góp tiền bạc, vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân vượt qua cơn khó khăn là một đức tính tốt đẹp, là đạo lý bao đời nay của người Việt Nam, là “tương thân tương ái”, là “lá lành đùm lá rách”. Nhưng, đây cũng là một cơ hội cho những người xấu trục lợi, chiếm đoạt.
Theo vị chuyên gia, hành vi mạo danh, đưa ra những thông tin gian dối, lợi dụng lòng thương người, để cho mọi người lầm tưởng những người này là người nhà nạn nhân, nhằm chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam, 13 người chết - Ảnh: Tri thức trực tuyến
Theo đó, điều luật này xác định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Như vậy, có thể thấy tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấu thành bởi 2 yếu tố. Đó là người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong sự việc này, rõ ràng những nhà hảo tâm đã bị lầm tưởng người nhận được tiền hỗ trợ chính là người nhà của nạn nhân. Đây chính là thủ đoạn gian dối mà người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích.
Với số tiền chiếm đoạt trên 2 triệu đồng thì đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi, còn với số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không bị truy tố, trừ một số trường hợp đáp ứng được một số điều kiện mà Bộ luật Hình sự đã quy định thì vẫn bị truy tố.
"Sự việc nêu trên, tôi cho rằng, kể cả khi người lừa đảo chiếm đoạt số tiền dưới 2 triệu đồng, nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý về mặt hình sự, nếu có cơ sở cho rằng, hành vi mạo danh để lừa đảo đang “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Và việc xử lý về mặt hình sự trong trường hợp này đang nhằm răn đe người phạm tội, khôi phục lại tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội", chuyên gia Mai Quốc Việt bày tỏ quan điểm.
Chuyên gia Việt cho biết thêm, nếu mức độ của hành vi lừa đảo mà người thực hiện hành vi chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự, thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền người vi phạm bị phạt có thể từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, tùy vào những hành vi, được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh hình thức phạt tiền người thực hiện hành vi còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
"Nhìn chung, với những hành vi vi phạm, theo tính chất mức độ thì cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để xử lý nêu trên. Nhưng có một điều quan trọng hơn sự xử lý, đó chính là những người mạo danh, lừa gạt nói trên đang khiến cho lòng tin và tình thương của con người trong xã hội ngày càng mai một đi. Liệu rằng, còn ai có thể tương trợ, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn nữa, ai cũng đề phòng khi làm từ thiện,….", chuyên gia Việt nhấn mạnh.