Trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có ngành Giao thông vận tải (GTVT), địa phương vẫn luôn giành sự ưu tiên cao đối với công tác phòng chống lụt, bão (PCLB). Để hỗ trợ các Bộ, ngành địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ khoảng 1.538 tỷ đồng, 2.000 tấn gạo, 1.400 tấn lúa giống, 267 tấn ngô giống, hơn 17 tấn hạt giống các loại...Các Bộ, ngành Trung ương trong đó có ngành GTVT, địa phương cũng như nhân dân các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong năm 2014.
Công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai ở Trung ương và địa phương được phối hợp chặt chẽ, đã chủ động triển khai phòng ngừa, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, chính quyền, cơ quan các cấp ở địa phương đã tập trung tinh thần cao độ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành liên quan, phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 85.000 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả; 1.213 phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển; tìm kiếm cứu nạn 1.200 vụ, với gần 1.200 người và 65 phương tiện; Hướng dẫn kêu gọi 350.000 lượt phương tiện, với 1 triệu người biết diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để chủ động vào nơi trú tránh an toàn; Tổ chức sơ tán 21.284 hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn...
Đối với ngành GTVT, năm 2014 đã riển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đến các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành. Kịp thời ban hành và triển khai kế hoạch sản xuất, sửa chữa, bổ sung phụ kiện vật tư dự phòng phục vụ công tác PCLB năm 2014; phê duyệt và triển khai Đề án Xác định vị trí và xây dựng hệ thống phao neo, trụ neo cho tàu thuyền neo đậu trú, tránh bão lũ trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Chủ động ứng phó và kịp thời kiểm tra, xử lý các vị trí cầu, đường bị hư hỏng do bão, lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt và an toàn hệ thống KCHTGT đang khai thác. Đồng thời, triển khai diễn tập công tác TKCN tại một số sân bay, cảng biển; phê duyệt kế hoạch triển khai công tác TKCN, Công ước về TKCN hàng hải (SAR 79). Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai Quy chế phối hợp TKCN trên biển và trong vùng nước cảng biển, quán triệt, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hoạt động TKCN hàng hải đối với các Cảng vụ Hàng hải, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam. Kịp thời tổ chức, triển khai tìm kiếm, cứu hộ các phương tiện bị nạn (Trong năm 2014, đã phối hợp tổ chức tìm kiếm, hỗ trợ 49 tàu biển, cứu và hỗ trợ 832 người bị nạn; kịp thời, tích cực tổ chức TKCN máy bay MH 370 của Malaysia Airlines..)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Khi có lũ bão, một số địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã triển khai chưa quyết liệt, vẫn còn trường hợp thiệt hại về người khi đi qua ngầm, vớt củi khi có lũ. Công tác tổ chức chằng néo nhà cửa chưa hiệu quả. Phương án phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức. Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức...
CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Năm 2015, bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ yếu hơn so với trung bình nhiều năm cả tần suất và cường độ. Dự báo, sẽ có khoảng 9 đến 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, khoảng 4 đến 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ban chỉ đạo và các Bộ ngành liên quan đang sớm ban hành Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch. Đồng thời tiếp tục xây dựng nguồn kinh phí chống hạn ở các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ cũng như kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng Quỹ phòng chống thiên tai tạo điều kiện để địa phương triển khai hiệu quả Luật phòng chống thiên tai.
Năm 2015, tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp, các hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra, vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai bất thường gây ra. Đặc biệt tập trung vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng chống thiên tai.
Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật phòng chống thiên tai và các Nghị định hướng dẫn. Trên cơ sở 21 hình thái thiên tai đã nêu trong Luật Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương và các địa phương đang thực hiện việc rà soát lại trên từng địa bàn về những hình thái thiên tai từ đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể về những thái thiên tai có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo có sự tập trung trong chỉ đạo và có những giải pháp tổng thể trong ứng phó thiên tai.
Đối với ngành GTVT, năm 2015 toàn Ngành tiếp tục tổ chức và đôn đốc thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” của ngành GTVT, lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển Ngành, đảm bảo phát triển bền vững; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa và ban hành các quy chế, quy trình phù hợp với thực tế hoạt động TKCN để tăng cường hiệu quả hoạt động; tiến hành trao đổi, đàm phán Vùng TKCN trên biển của Việt Nam; thực hiện phổ biến kiến thức, hướng dẫn, triển khai thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn, TKCN trên biển theo quy định của Công ước SAR 79 cho tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.
Tập trung thực hiện công tác PCLB&TKCN năm 2015, kịp thời giao và triển khai kế hoạch sản xuất vật tư dự phòng phục vụ công tác PCLB; thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định và công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN, tổ chức trực 24/24h theo quy định của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương. Đồng thời toàn Ngành sẽ kịp thời chỉ đạo cũng như triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra ■