Không hiểu gì về luật
Liên quan đến đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc sẽ tịch thu ô tô, phạt tiền nặng, thu giấy phép nếu lái xe say rượu, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo nói: "Tôi không đồng tình với đề xuất đó bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, chiếc xe vi phạm có thể không phải là tài sản của người vi phạm. Có thể đó là tài sản của Nhà nước hay người thân, bạn bè của người vi phạm. Chúng ta phải tôn trọng quy định của luật pháp: tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ.
Thứ hai, người sử dụng chiếc xe đó vi phạm chứ bản thân chiếc xe đó không vi phạm gì cả. Không thể vì thế mà tịch thu chiếc xe đó được.
Cuối cùng, đề xuất đó không đúng với các quy định hiện hành của Hiến pháp cũng như pháp luật về quyền sở hữu. Rõ ràng, người đưa ra đề xuất đó không nắm được bản chất của vấn đề giữa hành vi vi phạm và các luật liên quan đến việc sở hữu tài sản."
Cảnh sát giao thông Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô.
Đề cập đến quan điểm của Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khi so sánh phương tiện với sinh mạng con người, ông Thảo nói:
"Nếu làm phép so sánh giữa tính mạng con người với tài sản là phương tiện vi phạm, thậm chí tài sản quốc gia, tôi cho rằng không thể so sánh được. Mạng sống của con người là quan trọng nhất.
Ai cũng hiểu và điều đó hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, nhưng tôi nghĩ không thể so sánh ba lung tung được bởi Bộ luật hình sự đã quy định rõ phải cân đối giữa lợi ích anh bảo vệ được với thiệt hại anh gây ra chứ không thể hy sinh một lợi ích lớn để bảo vệ lợi ích nhỏ và ngược lại."
Cũng theo ông Thảo: "Nếu muốn tăng nặng thêm chế tài xử phạt thì cũng phải phù hợp với tinh thần của luật. Chẳng hạn với trường hợp xe chở quá tải, nếu phạt nhẹ người ta sẽ không sợ bởi lợi ích họ thu lại vẫn được nhiều hơn cái bị phạt.
Tuy nhiên, quan trọng không phải là chế tài xử phạt đủ nặng hay chưa mà là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Do vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn quan trọng hơn cả việc tăng nặng chế tài xử phạt.
Muốn giảm thiệt hại về mặt tính mạng và tài sản do người vi phạm luật an toàn giao thông gây ra, cần có một giải pháp mang tính tổng thể chứ không thể chỉ dựa vào khía cạnh: tăng chế tài xử phạt."
Cần phải xem xét lại
Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, việc vi phạm quy định như dùng xe ôtô chở hàng quá tải, điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm nồng độ cồn và đi xe máy vào đường cao tốc để xử lý có rất nhiều biện pháp như tăng mức xử phạt, tạm giữ phương tiện vi phạm có thời hạn hay tước giấy phép lái xe của người vi phạm chứ không thể tùy tiện để tịch thu xe ôtô, xe máy của người vi phạm được.
Vì theo ông Sơn tịch thu phương tiện là đụng đến quyền sở hữu của dân, vì trong quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ được tịch thu đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thì như thế nào là vi phạm nghiêm trọng rất khó xác định.
“Đề xuất này của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần phải xem xét lại, chứ không thể đưa ra lý do là tịch thu rồi lấy tiền để ủng hộ người nghèo lý do này chỉ là ngụy biện thôi, không thể chấp nhận được” - ông Sơn nói.
Đồng tình với ý kiến trên, Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khóa XIII - cho rằng:
"Không nên quy định tịch thu phương tiện vi phạm luật giao thông như đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vì có rất nhiều biện pháp để xử lý ví dụ như, nâng mức xử phạt và tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 3 - 5 năm đối với các hành vi dùng xe ôtô chở hàng quá tải, điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm nồng độ cồn và đi xe máy vào đường cao tốc."