Bên cạnh những nối bất an trong đời sống nhân dân ta hiện nay như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng ngành y đang mất dần y đức gây đau khổ cho người bệnh với những cái chết oan trái.
Ngành giáo dục vừa không có phương pháp giáo dục phù hợp với sự đào tạo con người mà tệ nạn bắt học sinh học thêm ngày càng tăng với những biến thái phức tạp. Môi trường ngày càng ô nhiễm do chất thải công nghiệp, do rừng bị phá thì tai nạn giao thông (TNGT ) trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp mỗi khi người dân tham gia giao thông. Người nước ngoài mỗi lần đến Việt Nam thực sự kinh hoàng trước tình trạng giao thông của nước ta. Xin lấy câu phát biểu của ông Alfred Ried cựu Huấn luyện viện đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam khi nhận xét về tình hình giao thông nứơc ta “ Tôi nói các bạn đừng giận nhé: người Việt Nam khi ra đường, thì thú thật họ như người …mất trí.” Phải chăng chính vì sự giống như mất trí ấy đó nên TNGT ở nước ta trở thành một vấn nạn mà chưa biết bao giờ mới khắc phục được. Ngày 12/11 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBATGTQG - các ngành chức năng đã mở hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ - CP về tăng cường các giải pháp hạn chế TNGT . Trong phát biểu của mình Phó Thủ tướng đã đánh giá. Số lượng TNGT vào năm 2013 này so với năm 2012 có dấu hiệu giảm sâu ở cả ba chỉ tiêu như số vụ xẩy ra, số người chết, số người bị thương. Nhưng ông cũng báo động. Tuy vậy số vụ TNGT trầm trọng trong đó số vụ người chết nhiều lại tăng lên. Và đặc biệt khi TNGT đường bộ ít nhiều giảm thì TNGT đường thuỷ lại có chiều hướng tăng lên, làm số người chết, mất tích và bị thương cũng theo đó tăng vọt. Tiêu biểu như vụ chìm ca nô vào ngày 2/8 ở Xoài Rạp- Cần Giờ TPH CM đã làm chết 9 người. Theo báo cáo của ngành chức năng cho biết thì tính đến 9 tháng đầu năm 2013 số TNGT tăng 10,2% so với cùng kì. Trong đó số người chết giảm 7,5%, và số người bị thương lại tăng 4,1%.
Bên cạnh những con số chi tiết này xin nhắc tới con số có thể coi là khái quát mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là sau hơn 10 năm đến nay bình quân mỗi năm TNGT ở nước ta làm chết 10.000 người. Điều đáng nói ở đây là hơn 80% số người chết do TNGT đều đang ở độ tuổi lao động. Với con số này nước ta đã trở thành một quốc gia mất an toàn nhất khi tham gia giao thông. Bên cạnh sự mất mát không thể lấy lại về mặt con người, gây ra sự bất hạnh cho bao nhiêu gia đình thì hàng năm số thiệt hại về tài sản, phương tiện do TNGT gây ra ở nước ta cũng bình quân lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Vấn đề đặt ra là tại sao nhà nước ta từ Quốc hội, Chính phủ đến các ngành chức năng và có thể nói cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã nhìn thấy thực trạng đáng buồn này và đã đề ra nhiều quyết sách để mong giảm thiểu TNGT . Nhưng ngược lại. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội thì TNGT của nước ta lại có xu hướng gia tăng và dường như không thể kìm hãm và giải quyết cơ bản được ?
Hơn mười năm qua tính từ đầu thế kỉ 21 thì tình hình TNGT ở nứơc ta tăng hơn 4 lần với bình quân một ngày cả nước có hơn 40 vụ, làm chết 34 người, làm bị thương 40 người. Quả là những con số khủng khiếp… Vậy nguy ên nh ân từ đâu? Nếu đứng từ góc độ người nước ngoài như cựu HLV đội tuyển bóng đá quốc gia Alfred Ried thì là dân trí “người Việt Nam khi ra đường như người… mất trí”. Nhưng qua nhiều năm theo dõi với tư cách là một nhà báo tôi có thể khẳng định. Dân trí chỉ là một phần rất nhỏ trong nguyên nhân để xẩy ra TNGT . Nguyên nhân bao trùm lên khiến Việt Nam ta bị xếp vào quốc gia có nhiều TNGT nhất thế giới là ở các phương pháp và bộ máy quản lý. Tôi nhiều dịp đi công tác ở các nước có trình độ tiên tiến về mọi mặt thì thấy người Việt Nam ta khi tham gia giao thông ở các nước này đã tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ giao thông ở các nước sở tại.
Còn ở tại Việt Nam tôi cũng đã từng chứng kiến khá nhiều ông tây, bà đầm sinh hoạt ở nước ta cũng ngang nhiên vứt rác, xuống lòng đường, hút thuốc lá ở nơi công cộng. Còn khi tham gia giao thông không ít vị cũng không đội mũ bảo hiểm, cũng đi ngược đường, cũng vượt đèn đỏ. Đưa ra hai thực tế đó để thấy rằng “Tất cả do quản lý mà ra. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Từ góc độ quản lý chúng ta mới thấy. Mặc dù hàng năm nhà nước ta bỏ ra không ít vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng hòng giảm thiểu TNGT . Ở Hà Nội và TPH CM vài năm trở lại đây các tuyến vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt cho xe tải nhẹ, hầm vượt cho người đi bộ đã được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh, tình hình ùn tắc ít nhiều được giải quyết nhưng không triệt để nhất là vào giờ cao điểm hay trong những ngày mưa. Ùn tắc gây ra va chạm. Ùn tắc gây ra sự lạng lách, đi lên hè đường và đi trái luồng, trái tuyến và tiềm ẩn TNGT là tất yếu... Không cơ quan nào nắm chắc tình hình đường xá của địa phương mình bằng cơ quan quản lý phường và thành phố. Nhưng phường sẵn sàng bỏ lơ những quán bia để xe khách hàng chiếm dụng hè phố và cả mặt đường để đi dẹp mấy gánh bán dong. UBND Thành phố biết rõ một toà nhà khách sạn cao tầng được xây ra ở khu vực trung tâm sẽ làm tăng lên rất nhiều phương tiện giao thông và số người đến với khu vực nhưng ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vẫn sẵn sàng kí cho phép xây dựng khách sạn mới ở xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Phải chăng đây chính là đối tượng sự phê phán của Phó Thủ tưóng Nguyễn Xuân Phúc khi ông cho rằng không ít chính quyền địa phương vẫn xem nhẹ công tác quản lý giao thông và những vấn đề liên quan. Khoán trắng cho cơ quan chức năng. Tạo ra những sự chồng chéo giữa việc muốn hạn chế TNGT với cái lợi trước mắt. Trong khi Đà Nẵng mở rộng mặt đường, hè phố, xây dựng nhiều công trình giao thông, tạo độ thông thoáng cho thành phố thì Thủ đô Hà Nội bất chấp mọi nhu cầu đi lại của người dân, khoảng trống thiên nhiên cần thiết chỉ chăm chăm vào xây dựng và cơi nới làm đường phố Hà Nội ngày càng chật chội, xuống cấp. Nguyên nhân thứ hai tạo ra tiềm ẩn về TNGT phải kể đến những lực lượng thi hành luật giao thông. Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã có cuộc điều tra trong lĩnh vực này đã đi đến khẳng định tiêu cực của các lực lượng quản lý giao thông đã góp phần gây ra TNGT . Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội nhấn mạnh “Tiêu cực trên những tuyến đường là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT .
Chúng tôi cho rằng giải pháp của mọi giải pháp là qui trách nhiệm đến cùng”. Vì sự tiêu cực này nên người không có bằng lái xe, không đội mũ bảo hiểm vẫn được CSGT cho đi qua. Xe quá tải, siêu trường siêu trọng đi trái tuyến, lấn luồng vẫn đi lại thoải mái. CSGT sẵn sàng bắt và phạt những người tử tế và luôn luôn né tránh, bỏ qua những đám thanh niên không mũ bảo hiểm, kèm năm, kèm ba lạng lách, nẹt pô… Hình ảnh viên cảnh sát giơ báo hiệu chặn xe, rồi cùng lái ra sau xe, hay đứng nép dưới ca bin làm luật đã trở thành hình ảnh phạm luật quá quen thuộc của những người thi hành công vụ trên những tuyến đường của nước ta. Cùng với ngành CSGT với những biểu hiện tiêu cực thì ở bên cạnh rất ít trung tâm thi hành tốt các qui chế cấp giấy phép lái xe thì có không ít các trung tâm đào tạo lái xe cũng “thật sáng tạo” khi tạo ra những hình thức thi hộ, gà bài, bỏ qua mọi tiêu chuẩn về sức khoẻ của người cần cấp giấy phép lái. Biến những trung tâm này thành những nơi kiếm lợi cho cò, cho cán bộ quản lý. Tôi đã từng nghe những lời nói như đùa ”chỉ cần bỏ ra 20 triệu thì người mù cũng được cấp giấy phép lái xe “…và với những người điều khiển phương tiện bằng thật khả năng lái ảo như vậy lại taọ thêm tiềm ẩn cho các TNGT xẩy ra .
Nước ta có lẽ cũng là quốc gia nổi tiếng cho ra nhiều văn bản qui định, nghị định, thông tư cho phép và cấm nhưng rồi mọi người dân vẫn phớt lờ không thi hành. Qui định cấm hút thuốc lá nơi công cộng người ta vẫn thoải mái hút kể cả trong bệnh viện. Nơi cấm vứt rác người ta càng vứt. Trong khi tham gia giao thông đã có qui định cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, người ta càng uống… Vì thế nên ở Hà Nội, TP . HCM và không ít các đô thị trên khắp nước ta mới xẩy ra những vụ xe điên gây ra những tai nạn thảm khốc, những vụ lật xe kể cả người mẫu, diễn viên… Mới tạm điểm qua một vài nguyên nhân tiềm ẩn TNGT như vậy để thấy. Chừng nào trình độ quản lý của nước ta được nâng cao cùng bộ máy và những con người quản lý có qui chuẩn, có trình độ, công tâm thực hiện thì lúc đó TNGT - vấn nạn khủng khiếp ở nước ta mới có điều kiện đầu tiên để giảm thiểu