Tôi là trẻ theo cha từ quê chạy loạn lên Hà Nội từ năm 1950. Từ đó, tôi lớn lên trong lời kể, tiếng ru của mẹ và chị tôi: Hà Nội có cầu Long Biên / Vừa dài vừa rộng bắc ngang sông Hồng / Tầu xe đi lại song song / Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi…
Cha tôi, họa sĩ Đông Dương khóa Ba, tốt nghiệp năm 1937 (Nguyễn Văn Thiệu 1912-2010). Ông là anh em kết nghĩa với họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, với lứa Trịnh Hữu Ngọc. Do thời bấy giờ trường Boda - Mỹ thuật Đông Dương cũng đào tạo kiến trúc sư nên bè bạn ông nhiều người là kiến trúc sư. Ông có lần kể: Pháp xây dựng Hà Nội lấy sắt còn lại của tháp Eiffel, vận chuyển sang xây cây cầu Long Biên, theo thiết kế từ 1902 do nhà thầu có tên là Eiffel. Nó là cây cầu duy nhất ở Việt Nam mà làn di chuyển ôtô, cơ giới thuộc tay trái như luật giao thông bên Anh, chứ không tuân theo luật bên tay phải như của Pháp. Đấy là đặc tính để khu phố Hà Nội lập tức nối liền đầu cầu bên này cho cả người đi bộ và cơ giới, chứ không đứt gãy, giữ được nhịp điệu, tiết tấu liền suốt mạch kiến trúc...
Hãy ngắm đi, những bức ảnh trước năm 1965, cầu Long Biên có cả một thời rất đẹp. Cầu là những nhịp uốn như sóng tựa, như con rồng cách điệu, vươn qua con đê, nối liền hai bờ sông Hồng, cho con người Việt đôi bờ sông cùng có thể nghe trong đêm “tiếng sông Hồng thở than" như Lê Vinh từng hát. Nó chính là địa chỉ văn hóa; món quà của nhân dân Pháp tặng cho người Việt từ những ngày đầu tiên xây nên thành phố này. Cho nên “xin hãy đừng nhìn nó như một phương tiện chiến tranh, hay đô hộ của người Pháp thực dân" khi từ hơn thế kỷ nay, cầu gắn bó với tất cả chúng ta, người thành thị phía Hà Nội, kẻ chợ và nông dân phía Gia Lâm... Những ai, một hai lần đã đi qua cây cầu này, nếu tinh tế quan sát sẽ thấy nhịp sống con người hai bờ sông từ tinh mơ tới nửa đêm... ngày nối ngày, đêm và đêm… để từ ngày có nó - cây Cầu Long Biên, nó là một cơ thể sống, thành nhịp thở của Hà Nội phập phồng trên sông Hồng.
Những năm hòa bình đầu tiên, tôi được nghe kể và tìm đọc lại sách sử rằng, các chiến sĩ trong Trung đoàn Thủ đô đã thoát hiểm trong gang tấc, rút quân khỏi Hà Nội theo đường qua gầm cầu, khỏi các gọng kìm bao vây của quân viễn chinh Pháp. Những đứa trẻ đánh giầy Bờ Hồ, lang thang chợ Đồng Xuân, cùng các tự vệ, lứa cha anh từng thề Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Khi đi qua gầm cầu, có nhiều người đứng lại đã thề quay trở về với thủ đô và, tinh thần Hà Nội ấy, được phản ánh rất rõ trong các trang sách của Nguyễn Huy Tưởng, trong thơ Nguyễn Đình Thi, cả với các câu chuyện của Hoàng Cầm, của nhà soạn kịch Phan Tại cho lứa hậu sinh tụi tôi... để như gió như mưa, ngấm vào da thịt, cho tụi trẻ chúng tôi thêm yêu thương nơi đất ở và đất sống. Lòng yêu nhỏ nhoi ấy, cùng 36 phố phường, cả cây và hoa Hà Nội, cả những viên gạch vỡ còn ngan ngát thời gian tại Cột Cờ, Ô Quan Trưởng... thành một tình yêu rất sâu sắc và bền vững. Những lý do ấy, bên những công trình như Nhà Hát Lớn, chợ Đồng Xuân, quần thể kiến trúc Bờ Hồ... cầu Long Biên cùng xếp hàng thành dãy biểu tượng, gắn liền với Hà Nội, Thăng Long, Đông Đô.
Năm 1965, chúng tôi, lứa học sinh cấp Ba, bỗng thấy trên cầu Long Biên xuất hiện những khẩu súng máy 12 li 7. Chiến tranh bấy giờ đùng đoàng xa xa, Hải Phòng, Quảng Ninh và phía Nam là từ Phủ Lý trở vào. Rất nhiều học sinh như tôi mới 17 tuổi, thấy mùi cuộc chiến, bom đạn rơi quanh, cận kề Thủ đô, đã xung phong vào bộ đội, thuộc trung đoàn cao xạ 220, bảo vệ Đông Nam Hà Nội.
Cuối năm 1965, khi tập huấn trinh sát, tôi học đo xa ở trận địa 57, nơi sau Nhà Hát Lớn đi qua bờ đê. Ngày ngày, tụi tôi ra bờ sông, đặt máy đo xa, đo lên cầu Long Biên, đo lên những nhịp cầu đứng lặng, dưới nó là dòng sông Hồng vẫn cuồn cuộn phù xa ánh đỏ. Chúng tôi phải giúp các cấp chỉ huy tính toán, nếu địch đánh cầu, chúng sẽ bổ nhào từ độ cao nào, hay bay thế nào, nhằm đưa ra những phép tính bắn lại máy bay Mỹ, trong đó có các số toán lắp lên máy tính cơ cho pháo 37 và máy toán điện tử cho súng 57 để tiêu diệt máy bay địch nếu chúng đánh vào Hà Nội, với mục tiêu bảo vệ là cây cầu Long Biên. Tại lớp học đấy, tôi mới biết và quen những người lính thuộc đơn vị 12.7 trên nóc cầu. Từng tiểu đội phải sống trên những ô vuông thép, nằm trên các đỉnh ngang cầu. Ở bãi giữa sông Hồng, bên trái và phải, có hai đơn vị 37 và có khi là 57 nữa cũng thuộc E.220 mà lính Hà Nội chiếm từ 30% tới 50% quân số.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán hôm nay nguyên là lính thuộc Đại đội phòng không 57, đơn vị đóng ở khoảng đất Hồ Trúc Bạch, bây giờ là nhà hàng, từ khu bán bánh Tôm nhìn sang; còn một trận địa pháo 37 nữa nằm trên các bè giữa Tây Hồ, do ghép bè phao sắt liên kết nổi trên mặt Tây Hồ. Sau khi học, tôi trở về C559, pháo 37 li, đóng đón lõng máy bay ngay từ Văn Điển, sát làng Quỳnh Lôi.
Tất cả chúng tôi, những đứa con của Hà Nội, cùng anh em nông dân quanh Hà Nội trong các đơn vị E.220, tạo thành một lưới lửa phòng không bảo vệ Hà Nội mà một điểm quan trọng nhất là cây cầu Long Biên.
Tháng 9/1965, lần đầu tiên máy bay Mỹ rơi tại chỗ ở Hà Nội, đó là chiếc trinh sát không người lái rơi ở ngay chùa Bộc. Bấy giờ, tôi theo đại úy Trần Văn Bôn, Chủ nhiệm trinh sát trung đoàn 220 tới tận nơi. Mùa xuân 1966, lần đầu tiên 4 chiếc F105 D, xâm phạm trời thiêng Thăng Long. Trung đoàn 220 nhiều đơn vị đã nổ súng, mà C.559 là đơn vị đầu tiên bắn vào 4 chiếc F105 này. Chiến tranh bắt đầu, không còn ở quanh Hà Nội nữa…Vài tháng sau kho xăng Văn Giang trúng bom cháy, khói đen cao ngất trùm lên bầu trời ngoại thành Thủ đô.
Chúng tôi, những đứa trẻ khu Hai Bà, khu Hoàn Kiếm… lại sống chết với thủ đô. Và, cầu Long Biên vẫn trơ trơ, dưới sự bảo vệ các loại hỏa lực cao xạ gần và xa, phải hứng hàng trăm trận bom, trong hai năm 1966 và 1967.
Chiến tranh ác liệt, đại đội 37 của chúng tôi, 50% là lính Hà Nội, được sang bảo vệ trung đoàn tên lửa E 267 vừa từ Nga về. Năm 1967 khi rút đi từ khu Cao - Xà – Lá sang Gia Lâm phải qua cầu Long Biên. Ngồi trên pháo tự hành 37, lính Hà Nội ngẩng lên để những nhịp cầu vun vút trôi qua đầu. Những nhịp cầu run lên trong mưa, sấm chớp nhì nhằng. Năm ấy mưa rất lớn. Đơn vị 37 tụi tôi đánh vài trận rồi xuống ở Văn Giang, đón lõng máy bay khi chúng từ cửa sông Ba Lạt dọc sông Hồng trườn vào. Mùa hè mưa tầm tã, sau vài ngày địch đánh rát, lần đầu tiên chúng đánh sập hai nhịp cầu. Tên lửa Shrike đã hất hai nhịp cầu rơi xuống sông. Những người lính Hà Nội truyền tin qua nhau: Long Biên mất hai nhịp rồi! -Thế còn Nhà hát lớn? Nhà máy nước, Bờ Hồ?..
Những người lính Hà Nội bàng hoàng câm lặng ngồi trên pháo, có vài ngày không cả ăn trưa thiếu ngủ và, tôi không biết đồng đội tôi, trên những dàn thanh ngang đỉnh cầu với súng 12.7 li, họ ai còn, ai mất! Mãi sau này, năm 1988 sang Đức, nhớ lại, tôi viết truyện ngắn Người Hà Nội, kể về những người lính nông dân đã hy sinh trên cây cầu cùng với lính Hà Nội, mà năm ấy anh em kể lại máu chảy nhễu xuống đen đặc, rớt xuống sông Hồng. Có nhiều chiến sĩ đã bị bom đánh bật ra khỏi cầu và xác họ mãi mãi nằm dưới các lớp cát trong lòng sông mẹ hay ngay dưới lòng cầu.
Năm 1976, sau 11 năm, ngày tôi từ miền Nam trở về, sau khi đánh vào Sài Gòn, tôi lên con đê từ sân vận động Long Biên nhìn ra. Cầu Long Biên sau bao năm chúng tôi xa cách đã bị thương, nhưng như nhịp sống con người Hà Nội, vẫn kiên gan cùng với thời gian ngày đêm phập phồng thở. Đồng đội tôi, những kẻ may mắn sống sót qua cuộc chiến vẫn từ Đông Anh, từ Gia Lâm gò lưng đẩy xe xu hào cải bắp, rau củ sang Hà Nội vào mỗi sớm tinh mơ qua cầu và, chính tôi lại sang bên Gia Lâm khi chuyển ngành về Công ty hải sản Phú Viên, lẽo đẽo xe đạp qua Long Biên ngày ngày.
Người Đức đã xử lý thế nào với nhà thờ cụt ở Tây Berlin? Tại phần Tây Berlin, cạnh khu ga lớn ngay Sở
thú trong địa phận người Mỹ quản lý, có nhà thờ niên đại rất cổ. Đại chiến II không quân Mỹ đã đánh bom và bom đánh cưa cụt mái nhà thờ cực đẹp này. Phần khu lễ thánh đường tan không còn một viên gạch lành. Đại chiến kết thúc, đây là khu hoang tàn.
Nhưng người Đức đã không phá bỏ nhà thờ dù nó chỉ còn lại ngọn tháp gẫy nửa, mà với sự xử lý tài ba của các kiến trúc sư Đức, nhà thờ này được bảo tồn giữ nguyên những phần còn lại của ngọn tháp chính, ngọn tháp bị bom Mỹ chém xéo như vệt dao được giữ nguyên và cạnh đó người ta làm một nhà nguyện toàn bằng kính, hình bát giác để con người tới đây cầu nguyện hòa bình cho nhân loại. Nó là một chứng tích có tên trên bản đồ du lịch thế giới: Kaiser-wihelm-Gedächtnis-Kische Berlin. Nó tự mặc định tố cáo sự tàn nhẫn của Đại chiến lần thứ II. Nơi đây, mỗi năm đón hàng chục triệu du khách và nước Đức con cháu họ đã hiểu rõ, người ta cần làm gì để nhìn lại quá khứ mà không hận thù người Mỹ, để người ngoại quốc tới đây, ít nhiều sau lúc rời đi, buộc phải suy nghĩ về trách nhiệm gìn giữ hay sự quý giá của hòa bình.
Cầu Long Biên không phải là một khu vài hecta để dễ dàng tu bổ trở thành một thắng cảnh. Khu tưởng niệm như mảnh đất tôi nói trên, nhất là với nguồn tài nhân và tiền bạc hôm nay của đất nước, thì việc giữ gìn và bảo tồn nó đúng là khó khăn, nhất là khi nó quá dài, lại trĩu nặng bao vấn đề trong quá khứ.
Sự thật này, với dăm thử nghiệm của thành phố Hà Nội, đã tiến hành được hai lần lễ hội trên cầu, cả hai lần đều không thuyết phục được người dân sở tại, thì nói chi đến sự quyến rũ du khách ngoại quốc đến với cây cầu lịch sử đã chứa đựng trong nó những điều cần phải nói về lịch sử văn hóa, lịch sử chiến tranh giữ nước của con người Hà Nội.
Tất nhiên ở đây, chúng ta phải học thế giới nhắc lại quá khứ để yêu thêm những ngày hòa bình, như sở cầu và sở nguyện của tiền nhân: “Thăng Long phi chiến địa". Hiện tại, không được đụng chạm tới cây cầu.
Cả ba phương án của Bộ Giao thông Vận tải đều đụng chạm tới những vấn đề làm hỏng đi toàn bộ giá trị của cây cầu, khi đòi hỏi nó nguyên dạng với thực tại mà vẫn trở thành một giá trị nhằm khai thác tầng sâu của văn hóa Hà Nội, phục vụ khai thác du lịch cho thành phố. Cây cầu, ngày mỗi ngày, lở loét và mục nát, thậm chí bẩn thỉu. Cho nên trong hiện tại, để tiết kiệm tiền bạc cho nhân dân, khi không mang lại hiệu quả kinh tế ở việc khai thác du lịch, nhà nước cần đầu tư sơn sửa, giữ nguyên hiện trạng như chúng ta đã từng bảo quản cây cầu khi nó chưa vỡ nhịp trước 1965.
Hai phương án còn lại cắt nhịp hay di chuyển nó tức là phá dỡ cây cầu nguyên thủy, tức là chôn vùi một cơ thể sống đang ngắc ngoải, cũng tức là về mặt kiến trúc nó phá vỡ nhịp điệu từ Hà Nội 36 phố phường vươn sang bờ sông bên kia. Điều này rất quan trọng bởi vì người Pháp đã tính toán rất kỹ. Kể cả chúng ta đặt trên cây cầu cũ một cây cầu hiện đại, cao hơn và lớn hơn, nhằm thỏa mãn về giá trị sử dụng của đường sắt, đường bộ hiện đại mà lờ đi một giá trị thuộc về văn hóa của tổng thể Hà Nội. Mà một giá trị thuộc về Hà Nội, tức là thuộc về nhân dân cả nước ta.
Các phương án của Bộ giao thông vận tải đưa ra đều tiêu tốn rất nhiều tiền của nhân dân không cần thiết trong giai đoạn còn khó khăn này. Nên thay vì việc phải dỡ bỏ cầu Long Biên thay thế đường sắt thì các nhà kiến trúc xây dựng đường sắt nên tham khảo các nhà nghiên cứu văn hóa khác, tính toán sao cho con đường sắt khác, đường bộ khác mà ý kiến cá nhân tôi là nên phá bỏ cầu Chương Dương để làm một cây cầu Chương Dương khác trên tim cũ của nó, thỏa mãn nhu cầu đường sắt và đường bộ này bằng hệ thống cầu vượt, mà bắt đầu từ bắt đầu từ nhà ga Hàng Cỏ vươn tới đầu cầu Chương Dương bên này sông Hồng. Phải tính toán rất kỹ kể cả thuê các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là người Pháp và người Đức để khảo sát việc làm này.
Cây cầu cũ vẫn làm nhiệm vụ của nó khai thác ngay đường sắt cũ với các toa xe đóng mới chạy chậm đưa người và du khách qua Gia Lâm. Phục chế lại những ụ súng 12.7 li trên nóc cầu bằng mô hình như nhiều nước từng làm ở Eiffel...
Như chúng tôi sinh ra cây cầu đã có, nó và bao lớp người đã gắn bó với nhau, cả xác và hồn cho Người Hà Nội là hơn 100 năm, lứa chúng tôi gần 70 năm nay, một đời cầu già cũ hơn đời người, trĩu nặng kỷ niệm mà một hai thế hệ theo nhau giữ gìn là giữ những vẻ đẹp Người Hà Thành, lòng tự hào không bao giờ mờ phai. Cầu Long Biên trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, của tinh thần Việt bất tử. Tôi nhiều lần trầm lặng đứng trên con cầu han rỉ, lở loét và thương tích, bên các cháu thế hệ trẻ hôm nay, khi chúng dẫn nhau lên cây cầu chụp ảnh kỷ niệm... Đừng nghĩ rằng, lớp lứa ấy không hiểu biết gì, khi họ chính là con em những con người Hà Nội đã thương yêu, đã hy sinh, từng sống chết với một cây cầu. Ai chạm vào cây cầu hẳn nay mai sẽ mang tội với lịch sử, với tiền nhân...
Tính toán sai lầm của hiện tại hôm nay để thay đổi, dỡ bỏ, cắt nhịp, di dời hay làm mới đều là xóa bỏ cả một quá khứ đáng tự hào, đáng nói không chỉ là một cây cầu như cây cầu bình thường. Mất nó khác chi Huế không có Tràng Tiền, chợ Đông Ba, mất nó khác chi Sài Gòn không còn chợ Lớn và Bến Thành... Chúng, những biểu tượng của từng địa phương khu biệt ấy, đã lâu rồi mang cả tâm hồn của một mảnh đất có con người ta sinh sôi ở đó, kế tục nhau gìn giữ và thương yêu đất nước, đâu chỉ còn đơn thuần là nơi đất ở.