Ảnh minh họa
Với mục tiêu giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển và hoạt động dịch vụ hàng hải, trong năm 2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ tập trung một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho 3 lĩnh vực này.
Đây cũng là cơ sở để Vinalines tiến tới tham gia liên minh vận tải biển quốc tế.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines chia sẻ, trong thời gian tới, Vinalines xác định tập trung nguồn lực vào 3 hoạt động mấu chốt có tính quyết định chiến lược đối với sự phát triển và tạo nên sự bứt phá của Tổng công ty.
Đó là tập trung phát triển năng lực cốt lõi - yếu tố quan trọng để Vinalines có được lợi thế cạnh tranh, cung cấp các giá trị vượt trội cho khách hàng; tạo ra lợi điểm bán hàng độc nhất từ việc tích hợp hoạt động cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải trong cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho các khách hàng; đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, đặc biệt trong quản lý khai thác cảng biển để cung cấp những giải pháp ưu việt nhất đối với người sử dụng dịch vụ cảng.
Cụ thể, đối với hoạt động vận tải và khai thác biển, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, Vinalines sẽ tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán, thanh lý những tàu cũ, không hiệu quả để cắt lỗ và tạo nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án đầu tư tàu khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.
“Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ thu gọn quy mô hoạt động vận tải biển, chỉ tăng quy mô ở một số phân khúc tàu chuyên dụng (tàu container, tàu vận tải than khối lượng lớn). Tiếp tục phát triển vận tải container tuyến nội Á và feeder (hoạt động kinh doanh đưa tàu biển chuyên dụng dùng để chở container từ một cảng khu vực đến một cảng nước sâu lớn),” ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.
Bà Đỗ Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm khai thác tàu container Vinalines cho hay, thực hiện chủ trương của Tổng công ty, thời gian qua Trung tâm đã kết nối với các hãng tàu quốc tế thuộc nhóm 20 hãng tàu container lớn nhất thế giới (ONE, HMM, GSL, HPL…) với các dịch vụ vận tải biển, cảng biển thuộc Vinalines.
Theo đó, Trung tâm đã hợp tác với Hãng tàu Huyndai (Hàn Quốc) triển khai dịch vụ vận tải container chung trên tuyến Hải Phòng-Yantian-Hongkong-Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm hợp tác với Hãng tàu Gold Star Lines/ZIM-Israel triển khai dịch vụ vận tải container chung trên tuyến Hải Phòng-Khâm Châu-Dachanbay-Hongkong-Cái Mép Thị Vải-Thành phố Hồ Chí Minh; ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Hãng tàu CMA-CGM, Hapag Lloyd, Cosco, Yangming, PIL… vận chuyển hàng hóa trên các tuyến feeder trong nước và quốc tế.
Quyền Tổng giám đốc Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh khẳng định: “Trong chiến lược phát triển vận tải biển sau cổ phần hóa, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng đầu tư, hợp tác với các hãng tàu vận chuyển container giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới thông qua các cảng trung chuyển, hệ thống các cảng nước sâu của Vinalines, tiến tới tham gia liên minh vận tải biển quốc tế nhằm khẳng định là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.”
Nói thêm về giải pháp thúc đẩy hoạt động vận tải và khai thác biển, Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, để thúc đẩy hai hoạt động này, Tổng công ty sẽ tập trung đánh giá và xem xét lựa chọn mô hình quản lý, tổ chức phù hợp cho từng đơn vị thành viên, qua đó giúp các đơn vị này hoạt động hiệu quả trong môi trường cạnh tranh.
Cùng với đó, Vinalines sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bốc xếp, lắp đặt các thiết bị, cải tiến quy trình bốc xếp, từ đó tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả công năng của cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cảng.
Về dịch vụ hàng hải, theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông Vinalines, thời gian qua mảng dịch vụ hàng hải là một trong những mảng cốt lõi mang về lợi nhuận cho Tổng công ty. Vì vậy, để phát triển mảng dịch vụ nòng cốt này, trong năm 2020, Vinalines sẽ đưa ra một loạt giải pháp.
Theo đó, Tổng công ty sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logisticss Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề khác nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong việc hoàn thiện hành lanh, khung pháp lý về quản lý hoạt động logistics tại Việt Nam; phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thành viên, các đối tác nước ngoài, từ đó tạo ra mạng lưới cung cấp dịch vụ vận chuyển toàn cầu.
Cùng đó, Vinalines tập trung phát triển thêm các dịch vụ gia tăng đối với khách hàng; phát triển khối dịch vụ loigistics theo hướng vận tải đa phương thức và mở rộng mạng lưới dịch vụ bằng việc xây dựng hệ thống đại lý rộng khắp trong và ngoài nước nhằm tăng sức cạnh tranh.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông Vinalines khẳng định, ngoài các giải pháp trên thì việc tìm kiếm thị trường mới cũng rất quan trọng.
Tổng công ty sẽ tham gia phát triển thị trường tại Myanmar, thị trường miền Trung và bám sát những khu kinh tế mới được công nhận như Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị….
“Tổng công ty cũng đầu tư các ICD (cảng cạn), các tổng kho phân phối ở những vị trí, địa điểm chiến lược trong định hướng tạo thành chuỗi dịch vụ cùng các cảng đầu mối mà Vinalines có lợi thế về kết nối, quá đó thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động và cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng,” ông Trần Tuấn Hải chia sẻ.
Đánh giá về dịch vụ hàng hải và logistics, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực logistics;, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải và logistics; khoảng 30 doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
“Các công ty logistics của Việt Nam với số lượng nhiều, nhưng chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ, chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics hoặc làm đại lý cho hãng tàu biển nước ngoài. Vì vậy, việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tập trung các giải pháp thúc đẩy dịch vụ hàng hải và logistics là hướng đi đúng” - đại diện Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.
Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trong năm 2019, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng do Vinalines quản lý ước đạt hơn 106 triệu tấn, bằng 106,3% kế hoạch.
Vận tải biển của Tổng công ty ước đạt 23 triệu tấn bằng 115,6% kế hoạch. Về kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2019, Vinalines đạt tổng doanh thu 12.464 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 669 tỷ đồng…
Theo đại diện Vinalines, kết quả trên có được là do sau tái cơ cấu, Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình, nâng cao hiệu suất xếp dỡ tại cảng để tàu vào làm hàng được giải phóng nhanh, tăng tần suất phục vụ.