CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Chuyện những người mở đường của chiến dịch Điện Biên Phủ

2014/4/12 12:14 - Lê Hữu Quyết

Với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, những dân công và thanh niên xung phong tham gia mở đường, bảo đảm giao thông trên tuyến đường 13 ngày ấy đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”


Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch
 
"Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh"
 
Đã 60 năm trôi qua, nhưng những câu thơ trong bài ''Hoan hô Chiến sỹ Điện Biên'' của nhà thơ Tố Hữu nói về tinh thần kiên cường, anh dũng của những dân công và thanh niên xung phong tham gia đảm bảo giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng trong tâm thức bao thế hệ.
 
Trong những ngày cả nước đang hướng về mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp gặp lại những dân công và thanh niên xung phong đã từng trực tiếp tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, bảo đảm giao thông trên tuyến đường huyết mạch từ Yên Bái qua Sơn La đến Điện Biên.

Gian nan mở đèo Lũng Lô
 
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, để đảm bảo người và phương tiện cho chiến trường Điện Biên Phủ, Trung ương quyết định lấy thị xã Yên Bái là nơi tập kết mọi lực lượng và phương tiện cho mặt trận Điện Biên Phủ.
 
Tuyến đường 13 (nay là Quốc lộ 37) từ Yên Bái đến đèo Lũng Lô, qua phà Tạ Khoa, vượt đèo Chẹn rồi giao với đường 41 (nay là Quốc lộ 6) tại Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là con đường huyết mạch, độc đạo. Do đó, chủ trương của ta là quyết bảo vệ con đường này đến cùng; kết hợp bộ đội công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến canh giữ và luôn đảm bảo lưu thông trên con đường này.
 
Đèo Lũng Lô có chiều dài 15km, nằm ở ranh giới giữa hai huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) và Phù Yên (tỉnh Sơn La). Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Lũng Lô là một trong những đoạn đường huyết mạch để tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 
 
Theo quyết định của Đảng, tuyến đường lên Tây Bắc được củng cố nhằm phục vụ chuyển quân, lương thực và khí tài cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 
 
Để mở rộng và cải tạo đèo Lũng Lô, các đơn vị công binh và dân công của hai tỉnh Yên Bái và Sơn La đã tập trung sức lực mở đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn dân công thuộc các dân tộc, trong đó nhiều nhất là người Mường, người Tày đã tình nguyện đăng ký tham gia mở đường.
 
Từng tham gia mở đường trên đèo Lũng Lô, cụ Trần Văn Xẻ, dân tộc Mường, năm nay đã 94 tuổi ở bản Cơi (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) nhớ lại, ngày đó, dân công địa phương cùng thanh niên xung phong và lực lượng công binh dù chỉ có những dụng cụ thô sơ nhưng vẫn không quản ngại khó khăn để nhanh chóng thông đèo Lũng Lô.
 
Trên các cung đường, tiếng mìn phá đá và tiếng cuốc, xẻng rền vang suốt đêm ngày. Khi đường được mở tới đỉnh đèo thì gặp phải vách đá dựng đứng chắn ngang. Nhiều người lo lắng phải mất nhiều tháng mới thông được đèo. Nhưng sau đó, nhờ quyết tâm của quân và dân ta, sau gần hai tháng, tuyến đường đã được thông, nối liền hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. 
 
Làm đường trong đường kiện thiếu thốn lương thực, thực phẩm đã gian nan, nhưng nguy hiểm hơn cả là khi quân Pháp biết ta mở con đường chiến lược tiến vào Điện Biên Phủ, đã cho máy bay thường xuyên ném bom xuống công trường. Vì vậy, cứ khi nào nghe tiếng máy bay từ xa, mọi người lại chạy vào hầm hay vách núi để trú ẩn, đến khi máy bay đi, mọi người lại tiếp tục công việc bình thường như chưa có gì xảy ra. 
 
Vào những ngày máy bay Pháp tăng cường quần thảo ném bom, quân và dân ta chuyển sang làm vào buổi tối để đảm bảo an toàn. Gian khổ, nguy hiểm không làm nhụt chí những người tham gia mở đường.
 

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi làm đường đưa xe pháo tiến vào
áp sát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)
 
Làm đường vất vả nhưng khi dân công tải lương, tải đạn qua đèo còn vất vả hơn nhiều. Đường mở giữa rừng già nên khe nước, mạch nước rất nhiều, nền đường đá lởm chởm, người, phương tiện đi lại liên tục khiến con đường luôn lầy lội. 
 
Từ cuối năm 1953 đến khoảng đầu tháng 4/1954 là thời gian cao điểm của việc chi viện cho tiền tuyến. Lúc này, để tránh sự đánh phá của quân Pháp, lực lượng dân công, bộ đội ta thường phải đi vào ban đêm. 
 
Dù đi vào ban đêm nhưng để đảm bảo an toàn, dân công và thanh niên xung phong không được đốt đuốc mà phải lần theo bước chân của người đi trước. Cứ thế hàng đêm từng dòng người lại kìn kịt nối đuôi nhau qua đèo, đưa hàng ra mặt trận.

Kiên cường giữ phà Tạ Khoa
 
Nằm trên tuyến đường huyết mạch 13 đi qua huyện Bắc Yên, bến phà Tạ Khoa cũng được biết đến là một “điểm lửa” trong kháng chiến chống Pháp. 
 
Bến phà Tạ Khoa được xem là điểm xung yếu trên tuyến đường từ Yên Bái lên Điện Biên, bởi nếu bị đánh phá việc vận chuyển lương thực, vũ khí của quân ta ra chiến trường sẽ bị đình trệ do lúc này không có phương tiện nào khác để nối liền hai bờ của con sông Đà.
 
Năm nay đã 84 tuổi, nhưng cụ Hà Xuân Chiến, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Phù Yên vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ bồi hồi nhớ lại những ngày tuổi trẻ, vào đầu năm 1953 khi Đại đội Thanh niên xung phong C261 (Thuộc Tổng cục cung cấp, nay là Tổng cục Hậu cần) được thành lập, khi đó người thanh niên Hà Xuân Chiến và hơn 170 trai tráng ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Yên Châu (tỉnh Sơn La) đã tình nguyện tham gia và trực tiếp phụ trách công việc đảm bảo an toàn cho tuyến đường 13.
 
Thời gian đầu, lực lượng thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông ở đèo Chẹn (huyện Bắc Yên), rồi sau đó chuyển về làm tại bến phà Tạ Khoa. Ngày đó, phà còn thô sơ, chỉ được ghép bằng những tấm gỗ lớn và gắn thêm động cơ, mỗi lần vượt sông chỉ có thể chở được một chiếc xe ôtô. Con sông Đà lúc đó chưa bị ngăn dòng làm thủy điện như bây giờ nên vô cùng hung dữ, nhất là vào mùa mưa, dòng nước càng lớn và chảy xiết nên rất nguy hiểm. 
 
Đây là một điểm trọng yếu trên đường vận chuyển của quân ta, quân Pháp thường xuyên cho máy bay do thám và thả bom đánh phá. Vì vậy, để kẻ thù không phát hiện, lực lượng bảo vệ phải giấu phà xuống dưới lòng sông vào ban ngày và chỉ khi đêm đến mới cho phà nổi lên. 
 
Công việc hàng ngày của các thanh niên xung phong rất vất vả. Ban đêm, phà được dùng để đảm bảo giao thông qua sông nhưng khi trời bắt đầu rạng, mọi người phải dùng các sọt đá đặt lên phà cho phà chìm xuống sông. Đến khi trời nhá nhem tối, mọi người lại lặn xuống, lấy đá ra để phà nổi lên.
 
Gian khổ nhất là vào mùa Đông, thời tiết rất giá buốt nhưng những người có nhiệm vụ giữ phà vẫn phải ngâm mình trong dòng nước lạnh để đảm bảo an toàn cho những chuyến vượt sông.
 
Vì phà chỉ chạy vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa, khí tài nên việc vận hành phà cũng hết sức khó khăn đối với những người lái phà khi ấy, nhất là với khoảng cách giữa hai bờ hơn 200m trong dòng nước chảy xiết.
 
Nhờ sự kiên cường, dũng cảm của những thanh niên xung phong nên phà Tạ Khoa không bị trúng bom lần nào.
 
Cựu thanh niên xung phong Hà Xuân Chiến cho biết thêm, ngày đó gian khổ nhất là việc không đủ lương thực thực phẩm để ăn uống hàng ngày. Những khi bị tắc đường hàng tháng trời, lương thực không chuyển lên kịp, mọi người chỉ còn cách vào rừng đào củ mài về để ăn thay cơm. Những người khỏe mạnh thì ăn những củ xấu, còn những củ to, ngon để dành cho thương binh hay những người đang ốm nặng.
 
Sống giữa rừng, thiếu lương thực và thường xuyên bị vắt cắn, ruồi vàng đốt..., nhưng gian khổ không hề làm nản lòng những thanh niên xung phong. Tuy khó khăn, thiếu thốn đủ bề, sức khỏe không đảm bảo nhưng mọi người vẫn hăng hái lao động với sự quyết tâm cao nhất để đảm bảo cho những chuyến xe đưa hàng ra mặt trận không bị ách tắc.
 
Với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, những dân công và thanh niên xung phong tham gia mở đường, bảo đảm giao thông trên tuyến đường 13 ngày ấy đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
 

Giờ đây, họ đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những ký ức về một thời tuổi trẻ cống hiến hết mình vẫn không phai mờ trong tâm trí mỗi người. Tinh thần đó đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo và viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc bằng truyền thống kiên cường và bất khuất./.  



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH