Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ thăm một đơn vị nữ TNXP trên đường 20
Mở đường, bảo vệ và sửa chữa cầu đường
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về chi viện chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định mở đường, bảo vệ đường là vấn đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện nhiệm vụ vận chuyển người và hàng. Vì vậy, việc hình thành, phát triển tuyến chi viện chiến lược gắn với quá trình mở đường liên tục của lực lượng thanh niên xung phong là nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình giữ vững những con đường chiến lược, thanh niên xung phong luôn phải đối phó với hai trở lực chủ yếu là sự ngăn chặn quyết liệt của địch, nhiều khi mang tính hủy diệt của không quân Mỹ và mưa lũ hằng năm phá hoại nghiêm trọng các tuyến đường đã xây dựng.
Để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn, việc xây dựng mạng đường thành hệ thống liên hoàn ngày càng vươn sâu, vươn xa vào chiến trường miền Nam và các nước bạn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Trong điều kiện ấy, thanh niên xung phong vừa phải mở đường,
vừa chiến đấu bảo vệ đường và bảo vệ lực lượng. Khi địch tăng cường chiến tranh ngăn chặn, việc mở đường đã khó, nhưng việc giữ đường, bảo đảm giao thông thông suốt còn khó hơn. Đối với tuyến vận tải
559, do điều kiện địa lý tự nhiên, các trục giao thông phải cắt ngang dải Trường Sơn, từ phía Đông sang phía Tây. Các đoàn vận tải cơ giới phải tổ chức hành quân qua các vùng đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Đặc biệt, trên các trục vượt khẩu, địch tập trung oanh tạc hủy diệt vào những địa hình hiểm yếu, như các cửa khẩu, các bến vượt, những đoạn đường đèo, đường độc đạo. Ở đó, địch không chỉ đánh phá ban ngày mà cả ban đêm, với các thủ đoạn đánh nhồi, đánh bồi, đánh hỗn hợp các loại bom, mìn, cản trở ta khắc phục hậu quả. Thanh niên xung phong đối phó với địch bằng nhiều biện pháp sáng tạo, như mở đường vòng, đường tránh, ngụy trang nghi binh, đào công sự, hầm trú ẩn để người và xe qua trọng điểm an toàn.
Trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra quyết liệt trên cả hai miền Nam Bắc, công tác mở đường cơ bản được đẩy nhanh với tốc độ thần kỳ qua các địa hình phức tạp, đường mở tới đâu, đưa vào sử dụng tới đó. Riêng năm 1971, thanh niên xung phong tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ chiến dịch vận tải VT5 do Bộ Giao thông vận tải phát động. Trong những ngày diễn ra chiến dịch, hàng vạn thanh niên xung phong khẩn trương lao động, không kể đêm, ngày, tranh thủ thời gian sửa chữa cầu đường, nâng cấp chất lượng đường, tăng trọng tải… Trên khắp các tuyến đường 7, 12, 15a, 15b, 21, 22 đều có lực lượng thanh niên xung phong gấp rút sửa chữa, nâng cấp với tốc độ khẩn trương. Riêng Đường số 10, thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ nâng cấp nhựa hóa mặt đường và bêtông hóa cầu, cống trong thời gian ngắn nhất để phục vụ kịp thời chiến dịch Đường 9 Khe Sanh.
Từ năm 1972 đến hết năm 1974, nhiệm vụ vận chuyển diễn ra liên tục. Vì vậy, việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp mặt đường luôn được đặt ra song song với việc mở mới. Để có thể bảo đảm được chất lượng đường phục vụ cuộc kháng chiến, hơn 10 vạn thanh niên xung phong miền Bắc đã có mặt trên các tuyến đường huyết mạch. Thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, chịu đựng gian lao, vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để bám tuyến đường, cầu, làm nhiệm vụ chiến đấu, mở đường, phá bom, đào hầm trú ẩn, bảo đảm cho người và xe qua lại an toàn.
Trong suốt cuộc kháng chiến, thanh niên xung phong đã phối hợp với các lực lượng bảo đảm khác xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng 67.700km đường dã chiến các loại; 6.800km đường trục dọc Bắc Nam; 5.000km đường trục ngang; hàng trăm đường vòng, đường tránh, qua sông, qua suối, qua cầu, qua trọng điểm.
Có thể nói, đường vận tải từ Bắc vào Nam giống như mạng nhện chằng chịt, đan xen nhau. Địch đánh hỏng đường này ta lại đi đường khác, địch đánh hỏng điểm này ta đi điểm kia, thậm chí địch đánh hỏng nhiều điểm một lúc cũng không thể cắt đứt cả tuyến vận tải Bắc Nam của chúng ta. Bởi vậy, các tuyến đường không ngừng được mở rộng, vươn dài từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Vận chuyển hàng quân sự, bảo đảm giao thông luôn thông suốt
Cùng với nhiệm vụ mở đường và sửa chữa cầu đường, thanh niên xung phong còn hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự. Trong những năm 1965 1968, hơn 2.000 thanh niên xung phong làm nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự trên đoạn đường Trường Sơn đã khẩn trương thực hiện vận chuyển hàng ngay sau khi máy bay địch bắn phá, kịp thời tạo chân hàng sớm nhất cho các đoàn xe của ta chở hàng nối nhau ra mặt trận. Hơn 1.000 thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ tại Cục Công trình I (Bộ Giao thông vận tải) và Binh trạm 14 (Bộ Quốc phòng) thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình bị máy bay địch bắn phá dữ dội, đã vận chuyển hàng bằng cơ giới, sang dùng gùi thồ lương thực, vũ khí, đạn dược dưới lòng sông vào ban đêm để tránh máy bay địch.
Trên các tuyến đường sắt, lực lượng thanh niên xung phong cùng với công nhân ngành giao thông vận tải kiên cường trụ vững ở những nhà ga mà máy bay Mỹ quần đảo, đánh đi đánh lại nhiều lần trong ngày. Tuyến đường sắt Hà Nội Vinh và tuyến đường goòng Đức Thọ, Đò Vàng là nơi địch bắn phá liên tục, dài ngày nhất. Chỉ tính riêng năm 1967, trên các tuyến đường sắt có tới 9.000 thanh niên xung phong tham gia, gồm 11 đội làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa và bảo đảm giao thông. Các ga Phủ Lý, Gôi, Gềnh, Ninh Bình, Thanh Hóa,… nhiều lần bị máy bay địch bắn phá hệ thống nhà kho. Không quản hiểm nguy, thanh niên xung phong là lực lượng xung kích, sau khi ngớt tiếng bom đã lao vào dập tắt đám cháy để cứu kho hàng. Đặc biệt, tại các nhà ga, bến tàu vào thời điểm địch đánh phá dữ dội nhất, mỗi ngày có trên 20.000
tấn hàng tồn tại các ga. Trong điều kiện ấy, việc bốc xếp hàng hóa được đưa lên hàng đầu, góp phần quan trọng vào việc giải tỏa nhanh hàng hóa, phân chia thành hàng ngàn điểm được bảo vệ an toàn, kịp thời
cung cấp cho chiến trường miền Nam.
Ngoài việc gây chiến tranh để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đế quốc Mỹ còn đánh phá hòng ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Tại đây đã xảy ra cuộc đấu trí, đấu
lực quyết liệt giữa thanh niên xung phong, bộ đội công binh, công nhân ngành giao thông vận tải với kẻ thù, giữa con người với thiên nhiên khắc nghiệt, với sự hy sinh to lớn của nhiều cán bộ, đội viên thanh niên xung phong từ ngày này sang ngày khác.
Những đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong trong quá trình vận chuyển hàng, cứu hàng, cứu kho được Trung ương Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Tại cuộc họp giải quyết các vấn đề tồn đọng trong chiến tranh cho thanh niên xung phong được tổ chức ngày 1061997, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Chính phủ ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong về các mặt, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển hàng hóa, cứu hàng, cứu kho, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”(1).
Hoàn thành tốt nhiệm vụ ở những ngành nghề có yêu cầu kỹ thuật cao và nguy hiểm
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, đòi hỏi thanh niên xung phong tham gia vào những công việc có chuyên môn sâu. Trước tình hình đó, các bộ, ngành sử dụng thanh niên xung phong liên tiếp mở các lớp đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, song do cán bộ kỹ thuật thiếu, nhu cầu chiến trường tăng cao, thanh niên xung phong phải tự học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Mặc dù còn hạn chế về trình độ học vấn, nhưng bằng sự cố gắng vượt bậc, trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, thanh niên xung phong tích cực nghiên cứu, cải tiến, chế tạo các loại công cụ, phương tiện vận tải phù hợp với đặc điểm chiến trường và yêu cầu nhiệm vụ. Đội 236 thanh niên xung phong trực thuộc Cục Vận tải đường sông làm nhiệm vụ vận chuyển hàng, đã dùng thuyền hỗ trợ bộ đội vớt nhiều tấn hàng bị địch bắn chìm xuống sông trong 7 ngày, đêm liên tục. Để bảo đảm cho tàu chở hàng qua sông Mã (Thanh Hóa), 7
đội viên thanh niên xung phong đã thức suốt đêm trực chiến và anh dũng hy sinh khi đang bốc xếp hàng…
Thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, thủy lôi không chỉ đòi hỏi tinh thần dũng cảm, sự hy sinh có thể đến mà còn phải am hiểu tính năng kỹ thuật, cơ chế hoạt động của các loại vũ khí này. Thanh niên xung phong miền Bắc đã kiên cường bám trụ tại các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, phát huy trí thông minh, sáng tạo, tìm tòi tháo gỡ, phá bom nổ chậm để bảo đảm giao thông thông suốt. Không quân Mỹ không chỉ đánh phá ác liệt các trục đường vượt khẩu phía Bắc mà còn đánh sâu vào nhiều trọng điểm trên các tuyến đường phía Nam. Tại đây, chúng áp dụng thủ đoạn đánh phá bằng các loại bom hỗn hợp, gồm bom từ trường, mìn vướng, bom bi nổ chậm, nổ ngay gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Nhờ có kinh nghiệm đã được nghiên cứu, học tập, thanh niên xung phong nhanh chóng có mặt tại hiện trường kịp thời phá bom theo đúng nguyên tắc, bảo đảm an toàn.
Lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tiếp tế đạn tại các trận địa pháo, các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đã góp phần vào chiến thắng, đánh bại không lực Hoa Kỳ trong cuộc
chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 31966, đế quốc Mỹ ném 157 quả bom, 10 quả trúng mặt đường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Đại đội 759 Thanh niên xung phong quyết tâm san lấp hố bom, lên kế hoạch phá bom nổ chậm, thông đường trong lúc bom đạn địch liên tục bắn phá ác liệt. Để các đội viên yên tâm phá bom, đồng chí Phan Xuân Mai (Đại đội trưởng) và đồng chí Nguyễn Thị Thành (Đại đội phó) đã đứng lên quả bom nổ chậm và nói: các đồng chí cứ làm việc đi, chúng tôi đứng đây gác bom cho. Hành động dũng cảm của đồng chí Đại đội trưởng và Đại đội phó có sức thuyết phục, động viên toàn đại đội yên tâm tháo gỡ, phá bom an toàn.
Có thể thấy, nhiệm vụ rà phá bom mìn, thủy lôi của địch vô cùng nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nhưng thanh niên xung phong đã tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, chính xác; huấn luyện chu đáo, tỉ mỉ; có kỷ luật cực kỳ nghiêm khắc, tuân thủ mọi quy định, mọi bước thao tác. Mặt
khác, luôn chủ động, linh hoạt trong khi vận dụng các phương thức, phương tiện rà phá nhằm phát huy tinh thần cách mạng tiến công, trí thông minh sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Thành công nổi bật của thanh niên xung phong trong hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là phát huy được thế mạnh về năng lực sản xuất và nghiên cứu khoa học, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị công binh, công nhân ngành giao thông vận tải tìm hiểu vũ khí kỹ thuật hiện đại của địch, nghiên cứu chế tạo, cải tiến, nâng cao hiệu quả rà phá của ta, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn và vũ khí ngày càng hiện đại của địch.
Trong quá trình bảo đảm giao thông vận tải, thanh niên xung phong căn cứ vào nhiệm vụ vận chuyển, đặc điểm địa hình, tình hình của toàn tuyến trên địa bàn; đồng thời, nắm vững quy luật hoạt động, thủ đoạn đánh phá của địch để xây dựng thế trận bảo đảm giao thông vận tải. Từ chỗ nhận thức rõ yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các mặt công tác nói trên, thường xuyên coi trọng và rút kinh nghiệm, tăng cường sức mạnh lãnh đạo của các cấp ủy, đến việc nâng cao trình độ tổ chức thực hiện và phối hợp hành động của
các cấp, các ngành, các lực lượng ở từng khu vực. Nhờ đó, đã hạn chế được tổn thất, bảo đảm cho các hoạt động giao thông vận tải liên tục.
Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 1975), hơn 10 vạn thanh niên xung phong đã có mặt tại trên 2.000 trọng điểm địch đánh phá ác liệt từ miền Bắc vào đến chiến trường miền Nam, đã làm nên những chiến công huyền thoại, đặc biệt là công tác bảo đảm giao thông vận tải, góp phần cùng quân, dân miền Bắc đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ./.
(1) Truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2004, tr.145.