Bộ trưởng đánh giá cao Doanh nghiệp dự án, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban QLDA và Tư vấn
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình (Doanh nghiệp dự án) cho biết, đến nay tỉnh Hòa Bình đã bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư 8km/19,32km. Hiện tại, toàn bộ diện tích mặt bằng mà chính quyền địa phương bàn giao từ Dự án BT trước đây cho Nhà đầu tư (gồm các Gói thầu 09XL, 10XL, 11XL, 12XL) với tổng chiều dài 5,9km đều đã được các Nhà thầu thi công triển khai thi công.
“Hiện nay, Doanh nghiệp dự án đang hoàn thiện các thủ tục để chuyển toàn bộ Công ty lên Hòa Bình trước 30/8/2015. Nếu cuối 8/2015 mà địa phương bàn giao tương đối mặt bằng thì Nhà đầu tư cam kết sẽ cơ bản hoàn thành công tác đào đắp nền, mố, trụ cầu đến 1/2016; cơ bản hoàn thành rải móng cấp phối đá dăm đến 3/2016 và hoàn thành thảm bê tông nhựa đến 6/2016” - ông Bùi Quang Bát cam kết.
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban QLDA 2 cho rằng, theo tiến độ hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và Nhà đầu tư, Dự án sẽ kết thúc vào 30/8/2016, tuy nhiên theo tiến độ GPMB của các địa phương, công tác GPMB đã chậm so với hợp đồng gần 2 tháng.
“Về cơ bản, Nhà đầu tư đã tổ chức, chỉ đạo các Nhà thầu thi công đồng loạt trên tất cả các công địa đã có mặt bằng, tuy nhiên tiến độ thi công trên công trường chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là công tác thi công cầu, cống thoát nước và xử lý nền đất yếu. Sản lượng thi công đạt được của Nhà thầu khoảng 7,2% giá trị, trong khi thời gian đã được 37,5%. Tiến độ đã chậm khoảng 1,5 tháng theo hợp đồng” - ông Phạm Hồng Sơn cho biết.
Mặt bằng một số đoạn cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đã được bàn giao để thi công
Lý giải về nguyên nhân GPMB chậm, ảnh hướng đến tiến độ Dự án, ông Bùi Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc chỉ đạo thiếu tích cực trong công tác GPMB; nguồn gốc đất đai phải dành thời gian để kiểm tra, xác định; việc thay đổi tuyến, thiết kế… đã ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
“Chúng tôi sẽ cố gắng bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2015, phần thay đổi trong tháng 9/2015 bàn giao tuyến vào tháng 10-11/2015. Hiện địa phương đang rất thiếu kinh phí bồi thường GPMB... Tuy nhiên, chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình với tinh thần chỉ đạo sát sao, hiện Tỉnh đã phân cấp cho huyện, việc phê duyệt phương án bồi thường GPMB là do huyện, ở góc độ Tỉnh, chúng tôi sẽ kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo sâu sát hơn để đạt tiến độ đề ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cam kết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là dự án quan trọng trong hệ thống đường bộ Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trong khu vực. Với ý nghĩa quan trọng đó, tất cả các cơ quan của Bộ GTVT, địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan đều mong muốn làm nhanh và làm tốt, nhưng hiện nay tiến độ vẫn chậm.
Bộ trưởng cũng khẳng định, nguyên nhân đầu tiên là do Ban QLDA yếu kém, chưa sâu sát với công việc, Tư vấn quá kém, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa tốt… Để chấn chỉnh tình trạng này và đẩy nhanh được tiến độ Dự án, Bộ trưởng yêu cầu Chủ đầu tư hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, đặc biệt là khẩn trương góp đủ vốn chủ sở hữu, ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng…
“Doanh nghiệp dự án xem xét lại Tư vấn thiết kế, nếu không đạt yêu cầu thì lựa chọn Tư vấn thiết kế khác. Sau khi lựa chọn Tư vấn thiết kế phải khẩn trương rà soát lại kết quả khảo sát thiết kế trước đây và phải bổ sung khối lượng” - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tập trung công tác GPMB, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu thi công; bên cạnh đó, Tỉnh phối hợp với Nhà đầu tư, các đơn vị thi công để xử lý công việc; đồng thời Tỉnh phải ứng vốn ra để đẩy nhanh tiến độ GPMB, tái định cư.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng phụ trách Dự án cùng với Nhà đầu tư, địa phương làm việc với Bộ Quốc phòng để thống nhất chuyển giao đất quốc phòng mà Dự án đi qua để tiến hành các bước tiếp theo.