Theo kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số sai phạm trong việc lập dự toán và quản lý dự án đối với một số dự án giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên tuyến quốc lộ 1A do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý, đáng chú ý là hai dự án dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và BOT Hà Nội - Bắc Giang đều bị phát hiện khai khống tổng mức đầu tư, với mục đích kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn.
Cụ thể, dự án Nghi Sơn – Cầu Giáp đã bị khai khống tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Theo tính toán trong phương án tài chính của dự án lập ngày 10/3/2015, tổng vốn đầu tư dự án này là hơn 3.581 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính toán của đoàn thanh tra cho thấy, mức đầu tư chỉ là hơn 2.378 tỷ đồng, chênh lệch hơn 1.202 tỷ đồng.
Ngoài ra tại dự án Nghi Sơn – Cầu Giáp, đoàn thanh tra phát hiện dù dự án này được khởi công từ 26/3/2013 nhưng đến ngày 4/8/2014 mới có bản thiết kế thi công.
Trong khi đó với dự án Hà Nội – Bắc Giang, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án tính toán tài chính dự án bị đội lên 3.581 tỷ đồng trong khi theo tính toán của của đoàn thanh tra mức đầu tư chỉ 2.378 tỷ đồng.
Trạm thu phí Hoàng Mai trên tuyến đường dự án BOT Nghi Sơn-Cầu Giát - Ảnh: VnEconomy
Bên cạnh đó, dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang dù khởi công từ tháng 2/2014 tuy nhiên đến thời điểm thanh tra (tháng 1/2015) dự án vẫn chưa có thiết kế bản vẽ thi công, chưa được phê duyệt.
Bộ Giao thông vận tải phủ nhận
Trước kết luận Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hôm nay (ngày 9/9), Bộ Giao thông vận tải ra thông cáo báo chí cho biết: Thông tin phản ánh một số nội dung trong kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT có nội dung chưa chính xác.
Bộ Giao thông vận tải cho hay, ngay sau khi có dự thảo và kết luận thanh tra, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản giải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm làm rõ cách xác định Tổng mức đầu tư cũng như xác định giá trị quyết toán để điều chỉnh thời gian hoàn vốn dự án.
Công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư các dự án BOT được lập bởi các đơn vị tư vấn hàng đầu, có năng lực như TEDI, TEDIS, Tư vấn Trường Sơn.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Tổng mức đầu tư được duyệt chỉ mới là giá trị đàm phán, xác định thời gian hoàn vốn ban đầu với Nhà đầu tư; quá trình thực hiện đầu tư, nhằm chuẩn xác giá trị thực tế thực hiện dự án, công tác thẩm tra dự toán được giao cho các đơn vị có năng lực kinh nghiệm như Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng thực hiện.
Về kết luận xác định kinh phí đầu tư một số hạng mục trong tổng mức đầu tư chưa chính xác gây thiệt hại cho ngân sách của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, tổng mức đầu tư chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn; phục vụ đàm phán lựa chọn nhà đầu tư.
Theo quy định tại tất cả các Hợp đồng BOT đã ký kết thì giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư ký kết Hợp đồng điều chỉnh nhằm xác định thời gian hoàn vốn cho dự án.
Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí và càng không thể khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.
Trong quá trình kiểm toán một số dự án BOT, Kiểm toán nhà nước cũng đã ghi nhận nội dung này và không kết luận thất thoát hay gây thiệt hại cho ngân sách.
“Một số tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện dự án được Cơ quan Thanh tra kết luận, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện. Đồng thời, Bộ GTVT đã có văn bản số 12028/BGTVT-ĐTCT ngày 8/9/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng đối với một số nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Nếu khai khống vốn, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm
Trước thông tin sai phạm dự án BOT giao thông, đứng góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng: “Doanh nghiệp muốn khai khống để kéo dài thời gian thu phí là điều dễ hiểu”.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, hợp đồng BOT là hình thức đầu tư xây dựng chuyển giao. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình nhà nước đồng thời nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
“Nhà đầu tư khai thác công trình bao nhiêu năm dựa trên tổng mức đầu tư nhằm lấy thu bù chi, vì vậy nếu thời gian thu phí kéo dài, doanh nghiệp được hưởng lợi”, PGS.TS Bình cho hay.
Do đó, để tránh việc doanh nghiệp khai khống mức đầu tư, kéo dài thời gian thu phí, mỗi dự án BOT đều có dự tính tổng mức đầu tư dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật.
Dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, thanh tra có thể tính toán ra mức đầu tư dự án so sánh với mức đầu tư của nhà đầu tư đưa ra và phát hiện sự chênh lệch.
Nếu để xảy ra sai phạm, theo PGS.TS Bùi Quang Bình, trách nhiệm chung thuộc Bộ Giao thông vận tải trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ giá thành, chất lượng tiến độ dự án.
Trong khi đó trên phương diện kỹ thuật, theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội xây dựng TP.HCM cho biết: “Về nguyên tắc phải có các thiết kế bản vẽ thi công mới được khởi công, bởi những bản vẽ đã mới tính ra được khối lượng vật tư, nhân công và giá thành từ đó mới tính ra được số tiền đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình thi công có thể điều chỉnh lại”.
“Nếu khởi công được 1 năm mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công là sai lầm của chủ đầu tư”, ông Đức nói.
Doanh nghiệp khởi công dự án nhưng chưa có thiết kế bản vẽ thi công dễ dẫn đến dự án chậm tiến độ. Dự án chậm tiến độ theo ông Đực sẽ ảnh hưởng đến đới sống của nhân, ảnh hưởng đến kế hoạch thông xe, kế hoạch đưa dự án vào khai thác phục vụ mục tiêu kinh tế xã hội.
Lãng phí hơn dự án chậm tiến độ dễ dẫn đến đội giá thành thi công, đội giá nhân công cuối cùng ảnh tăng mức đầu tư so với dự toán ban đầu gây thiệt hại lãng phí ngân sách nhà nước.
Chênh lệch trong tổng mức đầu tư ban đầu so với chi phí thực tế theo ông Đực là điều dễ hiểu. “Bởi các các tính định mức, biểu giá hiện nay của nhà nước hiện không sát thực tế. Tuy nhiên thực tế, không ít trường hợp doanh nghiệp cố tình ăn gian nhằm tăng khối lượng nâng giá thành nguyên vật liệu. Mà nếu thanh tra kỹ hơn có thể con số chênh lệch còn lớn hơn”, ông Đực nói.