Ngày 17/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, sản xuất và lắp ráp ôtô về dự thảo thông tư quy định kích thước giới hạn thùng chở hàng của ôtô. Theo đó, kích thước được quy định dựa theo số trục của xe để tính chi tiết chiều dài, rộng và chiều cao của từng loại ôtô tải nhằm tránh việc chở hàng quá tải. Thông tư dự kiến có hiệu lực từ ngày 31/7.
Góp ý cho dự thảo, PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách Khoa TP HCM) cho biết, các thông số mà Cục Đăng kiểm sử dụng để xây dựng thông tư đã quá cũ và đề nghị Bộ GTVT cần xem lại cho phù hợp với quy định quốc tế.
"Nếu áp dụng theo thông tư mới khi nhập xe về các doanh nghiệp lại phải làm lại theo tiêu chuẩn của Việt Nam, như vậy đã làm thay đổi kết cấu của nhà sản xuất", ông Mai nói và đề nghị không nên thay đổi thông tư 32/2012 quy định về kích thước giới hạn thùng đối với ôtô tải mà chỉ nên sửa đổi bổ sung thêm cho hợp lý.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai đường lún chưa hẳn do xe quá tải mà có thể
do chất lượng thi công đường kém. Ảnh: Hữu Công
Bên cạnh đó vị PGS.TS ngành Kỹ thuật giao thông cho biết, theo hiệp định với các nước ASEAN, bắt đầu năm 2018, xe các nước sẽ lưu thông tự do vào Việt Nam có thể bị cản trở bởi quy định này. Đồng thời, Bộ GTVT không nên áp dụng quy định kỹ thuật đối với xe từ 8 tấn trở xuống vì đa phần các loại xe này dùng để chở hàng hóa ở nông thôn và không đến mức gây hại cho cầu đường như loại xe trên 10 tấn.
Về nguyên nhân khiến mặt đường bị lún được kết luận do xe quá tải, ông Mai cho rằng cần phải xem xét tổng thể hơn về chất lượng thi công các tuyến đường. "Tại sao xa lộ Đại Hàn hay đường đi Biên Hòa, Mỹ làm cách đây 30 đến 40 năm xe quá tải đi vẫn không lún mà một số tuyến đường như đại lộ Đông - Tây mới đưa vào sử dụng vài năm đã lún?", ông Mai đặt câu hỏi.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô bày tỏ lo lắng trước thông tin áp dụng thông tư sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bà Lã Thị Thanh Phương, Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần kỹ thuật và ôtô Trường Long kiến nghị, việc thay đổi các thông tư và quy định cần có lộ trình thực hiện để không ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như công ty bà hiện tồn đọng rất nhiều đơn hàng chưa sản xuất. Một số xe có thùng đã hoàn thiện theo giấy chứng nhận chất lượng cũ có khả năng không nghiệm thu được để giao cho khách hàng nếu áp dụng ngay quy định mới.
"Áp dụng ngay theo tiêu chuẩn mới sẽ khiến doanh nghiệp chậm bàn giao cho khách hàng và có thể phải bồi thường hợp đồng vì hiện nay các công ty vận tải đang thiếu xe, cần giao gấp để phục vụ cho việc vận chuyển", bà Phương nói và kiến nghị lùi thời gian có hiệu lực của thông tư mới đến cuối năm để doanh nghiệp có thời gian giải quyết các hợp đồng tồn đọng và chuẩn bị cho thiết kế và sản xuất theo quy định mới.
Trước ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay nhiều nhà sản xuất, lắp ráp xe đã chiều lòng khách hàng nên lắp đặt các thùng hàng quá tải. Qua kiểm tra hàng trăm loại xe tải thì chỉ có 15 kiểu đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Chính vì vậy việc quy định về kích thước giới hạn thùng ôtô chở hàng là cần thiết.
Theo vị Cục trưởng, những sản phẩm nào doanh nghiệp đã thiết kế và đang sản xuất theo thông tư cũ thì vẫn tiến hành sản xuất cho đến khi thông tư mới được ban hành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý đến lộ trình thực hiện của thông tư mới để sau này không phải chuyển đổi theo quy định mới.
Về kiến nghị không áp dụng tiêu chuẩn kích thước đối với xe tải dưới 10 tấn, ông Hình cho rằng, trong thực tế nhiều xe dưới 10 tấn lại lợi dụng để chở quá tải gây ra sự bức xúc và cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp nên bắt buộc phải quy định cả kích thước thùng hàng đối với loại xe này.
"Sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp Bộ GTVT sẽ chỉnh sửa những điều bất cập trước khi ban hành", ông Hình nói.