Các nhà đầu tư phát biểu tại cuộc họp
Như đã đưa tin, sáng 20/4 Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm việc với 7 nhà đầu tư xã hội hóa kết cấu hạ tầng đường sắt. Tại đây, các nhà đầu tư đã nêu ra những kiến nghị cũng như mong muốn để chủ trương sớm thành hiện thực.
Yên tâm khi thấy Bộ quyết liệt
Theo ông Nguyễn Sơn, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn – đơn vị khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với sản lượng container chiếm 50%. “Trong chiến lược của Tổng Công ty rất quan tâm đến phát triển Logistic đường sắt. Trước đây chúng tôi cũng đã quan tâm đến đường sắt nhưng vấp phải nhiều rào cản nên chưa được thông lắm. Nay thấy Bộ trưởng rất quyết liệt vấn đề đầu tư xã hội hóa đường sắt thì rất mừng, rất tự tin vào đường sắt” – ông Sơn nói.
Còn ông Trần Minh Sơn – Phó Chủ tịch Tập đoàn SunGroup cho biết đang rất muốn đầu tư vào những đoàn tàu chạy tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, Sài Gòn – Đà Nẵng, Hà Nội – Lào Cai. Qua các đơn vị lữ hành, lượng khách du lịch nước ngoài và Việt Nam có nhu cầu đi lại bằng đường sắt rất lớn. Tuy nhiên các đoàn tàu này phải đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Đặc biệt, theo vị đại diện Công ty CPTM&DV khách sạn Bạch Đằng khẳng định không có kinh nghiệm kinh doanh đường sắt, nhưng hôm nay ngồi nghe Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt như vậy, thấy rất an tâm và khẳng định rằng đang đi đúng hướng.
“Chúng tôi đang mong muốn được đầu tư vào tuyến đường sắt ga Đà Lạt - Trại Mát chỉ có 7km, không ảnh hưởng đến tuyến đường sắt Bắc – Nam. Nếu được đồng ý chúng tôi sẽ đầu tư nhanh nhất có thể. Ga Đà Lạt là di tích văn hóa lịch sử, chúng tôi cam kết ứng xử đúng với tinh thần đó.
Chúng tôi cũng đã khảo sát và thấy chỗ Trại Mát không phải là ga xép hay điểm dừng, chúng tôi cũng được biết tuyến đường Phan Rang – Tháp Chàm trước đây cũng bị tháo rời, qua đó đã làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam và thấy có ý tưởng phục hồi. Chúng tôi cũng xin được phép nghiên cứu nhưng ở giai đoạn sau. Do vậy tập trung xin khai thác 7km Đà Lạt – Trại Mát theo phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tối đa có thể.
Chúng tôi cũng nhắm tới lượng khách hàng đi du lịch, tàu chỉ cần tốc độ chậm có thể chạy vào ban đêm chỉ để phục vụ du lịch dọc đường xuống thăm các điểm đẹp. Và sẵn sàng hợp tác với các chuyên viên, lãnh đạo và ngành Đường sắt để khai thác an toàn nhất. Nếu khẩn trương có thể trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ khởi động ngay” – vị đại diện này khẳng định.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định hành trình chạy tàu trên nhiều tuyến sẽ được rút ngắn
Kiến nghị tháo gỡ cơ chế
Dù rất “máu lửa”, nhưng các nhà đầu tư cũng tỏ ra băn khoăn và muốn được Bộ GTVT giải đáp cũng như tháo gỡ về mặt cơ chế, thủ tục. Theo ông Trần Minh Sơn – Phó Chủ tịch Tập đoàn SunGroup, thời gian chạy tàu đang kéo dài, nếu ngành Đường sắt cải tiến hành trình tuyến Hà Nội – Lào Cai xuống 4 -5h thì rất tốt. “Chúng tôi đã nghiên cứu những toa xe tàu khách của nước ngoài rất phù hợp với tiêu chuẩn đường sắt châu Á. Nếu được chấp thuận, thời gian từ lúc được cấp giấy phép đến lúc có đoàn tàu chạy chỉ mất khoảng 10 tháng đến 1 năm. Đoàn tàu này sẽ đạt tiêu chuẩn Châu Âu” – ông Sơn khẳng định.
Đại diện Tập đoàn SunGroup cũng đề nghị có điều kiện để ưu tiên doanh nghiệp về thời gian chạy tàu, ưu tiên thời gian đỗ tránh các ga ít nhất và giá cả có thể đấu giá chung theo quy định. Nếu có được thời gian và lộ trình tốt thì đoàn tàu quay vòng sẽ nhanh hơn.
Còn theo ông Nguyễn Sơn, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cảng cũng kiến nghị phải làm rõ hơnvề tính chất pháp lý như đất, kho bãi thế nào. Vấn đề khả năng khai thác đầu kéo ra sao? Nếu sức kéo vẫn còn cơ chế độc quyền thì rất khó.
Ông Sơn cũng băn khoăn có được đầu tư vào toa xe hay không? Vấn đề tải trọng cũng rất quan tâm. Tải trọng trên đường sắt đang thấp hơn đường bộ. Nếu tạo sự cạnh tranh riêng cho đường sắt có thể tải trọng cao hơn. Công ty có thể chở cùng lúc hai container 20 feet trên một xe không? Hiện nay đường bộ chỉ chở được một container 20 feet có khi đã quá tải. Hơn nữa quản trị đường sắt ai sẽ đầu tư? Nhà đầu tư hay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)? Khả năng tàu thông qua hiện nay đang thấp do là đường đơn. Nếu phát triển kịch trần thì khả năng thông qua là bao nhiêu? Đề nghị VNR đưa ra phương án cụ thể hơn.
Ông Trần Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, thời gian qua công ty chủ yếu đầu tư vào toa xe chất lượng cao chuyển container và ô tô. Mỗi ngày 1 đôi tàu tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Thời gian qua chúng tôi chỉ đầu tư toa xe, còn lại phải thuê sức kéo của VNR để chạy tàu cho hiệu quả tốt.
Ông Hùng cho biết thêm, những năm trước toàn bộ dịch vụ phải thuê của VNR, từ khi có tổ chức mới phải thuê sức kéo của hai công ty vận tải. Mới đây giá thuê sức kéo cao lên nên chúng tôi khó cạnh tranh. Nếu với chủ trương xã hội hóa để thu hút nhiều thành phần kinh tế khác đầu tư vào đường sắt, trong đó đầu tư vào vận tải thì phải trông chờ các thành phần kinh tế khác. Còn nếu trông chờ vào nội tại của đường sắt rất khó. Các doanh nghiệp bỏ tiền mua đầu máy không phải khó, nhưng khó nhất là cơ sở để bảo trì và sửa chữa đầu máy. Chưa kể là trạm quay vòng đầu máy ở các ga.
Rất mong Bộ trưởng xem xét, trước mắt các dịch vụ để cho VNR cung cấp trong vài năm tới. Sau này các doanh nghiệp tự đầu tư dịch vụ. Khó nhất là cơ sở vật chất quay vòng đầu máy.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có tiềm năng đón khách du lịch rất lớn
Luật đã cho phép
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Theo Thứ trưởng, Cục Đường sắt VN đang tham mưu để thay thế Luật Đường sắt. Tuy nhiên ngay cả Luật Đường sắt cũ cũng đã rất mở, cho phép nhượng quyền khai thác từ những năm 2005. Cơ chế cũng rất rõ ràng chủ trương đầu tư theo hình thức nào. Cục Đường sắt VN và Ban PPP của Bộ đã rà soát và công bố công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
Cac dự án thuộc thẩm quyền, VNR hoàn toàn có thể chủ động liên kết với các đơn vị ngoài ngành đề đầu tư trong khuôn khổ pháp luật. Một số phần việc có thể làm ngay và cũng không cần nhiều thủ tục.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cũng cho biết đã rà soát toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến sao cho hợp lý nhất để đạt mục tiêu rút ngắn hành trình chạy tàu. Dự kiến tuyến Hà Nội – Lào Cai sẽ rút từ 7,5h xuống còn 5h. Tuyến từ Sài Gòn – Nha Trang đang chạy khoảng 4,5h xuống dưới 4h. Tuyến Đồng Đăng đang có hành trình 7h rút xuống 5h là khả thi. Khi tốc độ tàu và thời gian hành trình hợp lý thì sẽ tạo được nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cả hành khách.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn các nhà đầu tư xã hội hóa đã quan tâm các dự án đường sắt. Giờ đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa, luật cũng đã rất mở cho phép chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng đường sắt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, tập trung đánh giá Luật Đường sắt để đề xuất sửa đổi cho phù hợp... Nếu cần thiết thì đề xuất thí điểm, trên tinh thần theo Hiến pháp 2013, người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, không thể để một doanh nghiệp quản lý kinh doanh đường sắt. Phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải đường sắt cũng như giữa đường sắt với các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tập trung đến hết quý II thực hiện xã hội hóa một số dự án như: ga Yên Viên, ga Đồng Đăng, ga Sóng Thần phục vụ Logistic. "Ngoài ra, VNR phải nghiên cứu tuyến Đà Lạt – Trại Mát đang để không rất lãng phí. Mình mà làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, chứ không phải thuần túy chỉ cho giao thông. VNR nghiên cứu đưa ra các phương án khai thác đường sắt hiện có, tập trung kết nối cảng biển và đường sắt", Bộ trưởng nói.
Nguồn: baogiaothong