Tỉnh có có 8 huyện và 1 thành phố; 164 xã phường và thị trấn; khoảng 1,35 triệu dân; với diện tích tự nhiên 229.000ha. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp.
Hệ thống giao thông đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt là 10 năm gần đây. Bến Tre, qua phong trào nhà nước nhân dân cùng làm, nhân dân làm nhà nước hỗ trợ và được các mạnh thường quân hỗ trợ. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2012, đã xây được trên 4.900km lộ và 4.200 cây cầu (chủ yếu là cầu lộ bê tông) nằm khắp các xã ấp trong tỉnh được nhân dân quản lý sử dụng phục vụ cho sự đi lại an toàn và tác động nhiều mặt cho phát triển kinh tế xã hội giảm nghèo, sinh hoạt nông thôn sống động hơn. Trong đó, Hội KHKT Cầu đường Bến Tre cũng đã góp một phần đáng kể, vận động xây dựng đưa vào sử dụng 1.580 cầy cầu và 210 km lộ nông thôn.
Các công trình đưa vào sử dụng hàng chục năm nay đã xuống cấp mặt lộ bê tông bị răn nứt, bong tróc nhiều ổ gà, ổ voi, lề lộ bị xoáy lỡ, nhiều đoạn bị lún sụp. Cầu bị phương tiện xe, ghe tàu va quẹt bể trụ, gãy lan can… phải được chủ động có kế hoạch bảo trì duy tu sửa chữa. Nhân dân đã góp công sức xây cầu, lộ nông thôn và hiện nay thực hiện bảo trì giao thông nông thôn cũng là nhân dân lo tức là cộng đồng dân cư ở xóm ấp tiếp tục đóng góp công sức để bảo trì giao thông nông thôn phục vụ cho xóm ấp mình;
Để phát huy phong trào nhân dân thực hiện bảo trì giao thông nông thôn, được sự cho phép của ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 3585/uBND-LĐ ngày 19/08/2011, Hội KHKT Cầu Đường Bến Tre phối hợp với Ban nghiên cứu hành động chính sách nâng cao hiệu quả Thị trường cho người nghèo (Paru) và Trung tâm Môi trường và Phát triển giao thông vận tải (CETD) có kế hoạch khảo sát thực địa lập dự án nghiên cứu chính sách bảo trì đường giao thông nông thôn ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam và xã Tiên Long, huyện Châu Thành. Quá trình khảo sát, Hội KHKT Cầu đường phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị nêu trên tổ chức hội thảo “Chính sách bảo trì giao thông nông thôn” (vào ngày 11/03/2012); được nhiều ý kiến tham luận hoan nghênh nhận thấy bảo trì giao thông nông thôn dựa vào cộng đồng dân cư ở ấp là việc làm rất thiết thực.
Hai xã được chọn thí điểm là: xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam với 3 ấp (Tân Quới I, an Khánh II và ấp An Trường); xã Tiên Long, huyện Châu Thành chọn 2 ấp (Tiên Phú I và ấp Tiên Đông). Chọn ấp để phát huy cộng đồng dân cư lo bảo trì giao thông xóm ấp là thiết thực. Mỗi ấp đều có chi bộ đảng, chính quyền, tổ nhân dân tự quản, có hệ thống tổ chức mặt trân đoàn thể… rất thuận lợi. Cần thiết cho việc bảo trì, mỗi ấp có một Tổ do cộng đồng dân cư bầu chọn, gọi là “Tổ nòng cốt” bảo trì giao thông ở ấp (từ 7 đến 15 người) và được uBND xã ra quyết định công nhận. Tổ này sẽ quản lý cầu lộ trong ấp, có kế hoạch xây mới hoặc duy tu sửa chữa duy trì tác dụng của cầu lộ phục vụ lâu dài.
Các Tổ nòng cốt bảo trì giao thông nông thôn được trao đổi kinh nghiệm trong vận động cộng đồng, tập huấn xây dựng kế hoạch bảo trì. Qua đó, các Tổ đã biết cách lập kế hoạch một cách cụ thể, khái quát được thực trạng giao thông của ấp, vẽ sơ đồ đường giao thông trong ấp, lên kế hoạch công việc, dự trù kinh phí, nhân lực…
Hội KHKT Cầu đường giao cho Trung tâm Tư vấn Cầu đường Bến Tre tập huấn về mặt kỹ thuật bảo trì theo “Sổ tay bảo dưỡng đường GTNT của Bộ Giao thông Vận tải”. Trước đây khi duy tu, sửa chữa người dân chỉ biết trám, trét, dặm vá đơn giản nên chỉ trong thời gian ngắn lại tiếp tục hư hỏng, vừa mất vẻ mỹ quan lẫn công sức, tiền của. Sau khi được tập huấn, họ rất vui mừng vì đã hiểu thêm về kỹ thuật bảo trì, nâng cao nhận thức để thực hiện tốt hơn, đảm bảo những tuyến đường sau khi duy tu sẽ vừa bền vừa đẹp.
Với kết quả bước đầu, Hội KHKT Cầu đường đã nhân rộng, chọn thêm 2 ấp thuộc xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm; 1 ấp ở xã Phú Vang và 1 ấp ở xã Lộc Thuận thuộc huyện Bình Đại. Nâng tổng số là 9 ấp điểm của 5 xã thuộc 4 huyện: Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Bình Đại và Giồng Trôm.
Những kết quả ban đầu của thí điểm bảo trì đường GTNT dựa vào cộng đồng tại tỉnh Bến Tre:
- Tự lập được kế hoạch bảo trì rõ ràng, chi tiết, cụ thể từng hạng mục, từng đoạn lộ cũng như chi tiết về kế hoạch kinh phí. Triển khai họp ra nhân dân để thống nhất các tuyến đường cần bảo trì ngay
- Từ kế hoạch nêu trên, nhân dân tham gia bảo trì (người già, thanh niên, phụ nữ…) được phân công công việc phù hợp, trôi chảy, không bị đọng, ai cũng có công việc để làm. Mọi người tham gia rất sôi nổi, hồ hởi vì biết đây là làm cho chính mình, mình là người hưởng lợi.
- Áp dụng những kỹ thuật được tập huấn, Tổ bảo trì đã thực hiện việc sửa chữa, dặm vá các đoạn lộ được mỹ quan, chất lượng cao.
- Chủ động trong việc huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài một cách hiệu quả hơn.
- Đánh giá được những thuận lợi, khó khăn để từ đó rút ra kinh nghiệm cho những đợt bảo trì tiếp theo.
Công tác bảo trì giao thông nông thôn ở 9 ấp thí điểm tiếp tục phát huy tốt và nhân rộng ra các xã an Định, an Thạnh (Mỏ Cày Nam), xã Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc), xã Tân Thiềng (Chợ Lách), xã Sơn Hòa (Châu Thành)… Đến tháng 10/2014 đã bảo trì được trên 30km đường, dặm vá hàng trăm ổ gà, phát quang hàng ngàn mét đường và sửa chữa, nâng cấp mở rộng gần 30 cầu nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện bảo trì khoảng 2 tỷ đồng, trong đó Hội vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 400 triệu đồng (gọi là vốn mồi), còn lại là đóng góp tiền, vật tư, công lao động của dân.
Công tác bảo trì GTNT rất có ý nghĩa và thiết thực, Hội KHKT Cầu đường tỉnh và các chi hội có kế hoạch phối hợp với huyện, xã để thực hiện công tác này; sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ “vốn mồi”, đồng thời phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn thành lập các Tổ nòng cốt và hướng dẫn kỹ thuật bảo trì.