Đây là đánh giá của Hội đồng khoa học Giải thưởng sách Hay Việt Nam năm 2013 về tác phẩm (thực chất là một công trình khoa học): “Cẩm nang thiết kế xây dựng đường thủy” – tác giả PGS., TS. Trần Minh Quang của Nhà xuất bản GTVT; tác phẩm được giải Vàng của Giải thưởng sách Hay năm 2013 của Hội Xuất bản Việt Nam.
Công trình lớn – thực hiện nghiêm túc công phu
Trong thiết kế xây dựng các loại công trình thủy nói chung và cảng công trình biển nói riêng, người thiết kế xây dựng cần có cái nhìn tổng quát về những vấn đề liên quan mà mình sẽ phải xem xét đến. Đó là những vấn đề liên quan đến các số liệu về điều kiện tự nhiên và các mặt khác cần phải có, qua thu thập và qua khảo sát đo đạc tại hiện trường. Đó là những nội dung cần phải xem xét trong việc lập các hồ sơ về quy hoạch, về thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết hay thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công).
Trong thiết kế hay xây dựng (thi công), vấn đề thiết kế và vấn đề thi công luôn được xem xét đến, mỗi lúc đang làm khâu này hay khâu kia, để bổ sung cho nhau, làm cho vấn đề được giải quyết một cách hợp lý nhất. Những vấn đề liên quan đến chất lượng ở từng khâu cũng cần được quán xuyến liên tục, trên cơ sở các yêu cầu của công tác nghiệm thu, cả trong giai đoạn sau khi thi công và đưa vào khai thác sử dụng, dựa trên các nguyên tắc về tính ổn định và độ bền theo yêu cầu.
Trên cơ sở những mục đích và yêu cầu nói trên, trong “Cẩm nang thiết kế xây dựng công trình thủy” (công trình phục vụ giao thông thủy, công trình biển và các công trình thủy khác), PGS., TS. Trần Minh Quang đã nêu lên một cách tổng quát các vấn đề liên quan thường gặp trong thiết kế thi công, có chọn lọc phân tích, dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới và trong nước cùng với kinh nghiệm bản thân tác giả sau nhiều năm giảng dạy và phục vụ sản xuất, đi từ khâu lý thuyết qua tài liệu sách vở đến khâu thực hiện qua các công trình cụ thể đã, đang và sẽ xây dựng.
Qua gần 1.200 trang sách, 17 chương, PGS., TS. Trần Minh Quang đã giới thiệu và hướng dẫn cách xác định và lựa chọn các số liệu đầu vào, phân tích những vấn đề quan trọng trong quá trình khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu, khai thác và duy tu các công trình thủy.
Ngoài phần lớn nội dung có tính chất lý thuyết hay quy trình quy phạm, “Cẩm nang thiết kế xây dựng công trình thủy” còn có một số nội dung có tính chất giúp mở rộng tầm nhìn khái quát toàn bộ các vấn đề đang xem xét có tính chất phác họa nhất định về các đối tượng cần nghiên cứu và thiết kế, về những triển vọng của đất nước nhất là trong lĩnh vực biển và công trình biển như khái quát về tình hình các tỉnh thành, các cảng biển trong nước, các sông ngòi, biển đảo, các vũng vịnh, hồ chứa nước, các bãi biển đẹp nổi tiếng của Việt Nam và một phần của thế giới... (dù số liệu sẽ còn có nhiều biến đổi).
PGS., TSKH. Nguyễn Ngọc Huệ, hiện là Chủ tịch Vinlines – một trong những chuyên gia hàng đầu về luồng lạch, cảng biển của Việt Nam nhận xét: “Quyển Cẩm nang thiết kế công trình đường thủy được thực hiện nghiêm túc, công phu và đầy tâm huyết của tác giả Trần Minh Quang. Sách đã đề cập đến công tác xử lý đầu vào để phục vụ cho việc thiết kế, lập quy hoạch công trình thủy”.
Vài nét về chân dung nhà khoa học công trình thủy
Trong hàng chục năm qua để phát triển kinh tế đường thủy, chúng ta đã tự thiết kế, thi công hàng loạt các công trình cảng phục vụ tàu hàng vạn tấn, các công trình thủy công trong các nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu biển, hệ thống đê, đập, kè bảo vệ bờ biển, sông và hải đảo, hệ thống các công trình phao tiêu báo hiệu phục vụ hàng hải trong nước và quốc tế, các công trình thủy lợi, thủy điện có hiệu quả cao.
Qua thực tế, đội ngũ các nhà khoa học - kỹ thuật xây dựng nói chung và xây dựng công trình thủy nói riêng cũng ngày càng trưởng thành. Trong đội ngũ ấy có PGS.TS Trần Minh Quang, nguyên Chủ nhiệm ngành Cảng đường thủy và Công trình biển, Chủ nhiệm Bộ môn Cảng - Công trình biển của Đại học Xây dựng. Ông là một trong những người đầu tiên được giao tổ chức Bộ môn và đào tạo chuyên ngành khoa học này tại miền Bắc và là người tổ chức đào tạo ngành đầu tiên tại miền Nam sau ngày giải phóng đất nước.
PGS., TS. Trần Minh Quang đã có nhiều công trình nghiên cứu; tiêu biểu phải kể đến các công trình: “Nghiên cứu xác định vị trí cảng dầu Việt Nam”; “Nghiên cứu diễn biến đoạn sông Đồng Nai khu vực Thành Tuy Hạ phục vụ Nhà máy lọc hóa dầu Thành Tuy Hạ” (1986) và “Nghiên cứu tác động của sóng gió và sóng tàu cùng dòng chảy đến diễn biến lòng sông khu vực Thiện Tân Nhà Bè phục vụ cho Nhà máy lọc hóa dầu Thành Tuy Hạ” (1988)…; công bố nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học; xuất bản nhiều tác phẩm và giáo trình giảng dạy chuyên ngành.
“Cẩm nang thiết kế thiết kế công trình thủy” - Tác phẩm mới nhất này của ông được trình bày một cách khoa học, logic với một tình cảm sâu nặng dành cho chuyên ngành khoa học mà ông dấn thân, cống hiến – TS. Nguyễn Văn Vi, người phản biện thuộc Tiểu ban sách Khoa học công nghệ Hội đồng Giải thưởng sách Việt Nam năm 2013 nhận xét.
Là một tác phẩm lớn nhưng khi viết PGS., TS. Trần Minh Quang chỉ tâm nguyện: “Tôi muốn gửi tặng tài liệu này cho ngành Cảng đường thủy Công trình biển” và hy vọng “Tài liệu này có thể sớm đến với các bạn đồng nghiệp và các em sinh viên dưới dạng một ấn phẩm để nghiên cứu và sử dụng, như một món quà nhỏ, một kỷ niệm của tôi đối với Ngành. Tôi sẽ rất vui khi tài liệu này có sự giúp ích nhất định cho các bạn đồng nghiệp, các bạn sinh viên đã được đào tạo từ ngành Cảng đường thủy Công trình biển trong công tác và học tập”.
Đó là tình cảm đáng trân trọng của nhà khoa học lão thành – PGS. TS. Trần Minh Quang.
Đóng góp tích cực của công trình
Bờ biển Việt Nam dài 3.260 km, bao bọc lãnh thổ Việt Nam ở cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, trung bình 100 ki-lô-mét vuông đất liền có 11 ki-lô-mét bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới). Có thể nói, biển, đảo Việt Nam là tiềm năng lớn, đa dạng; trong đó có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải. Dọc bờ biển đã hình thành những trung tâm đô thị lớn, và hiện có 44 cảng biển lớn nhỏ; gần 100 địa điểm khác có thể xây dựng cảng (kể cả cảng ở qui mô trung chuyển thế giới)…
Để biến tiềm năng đó thành hiện thực, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (hiện đang được Bộ GTVT nghiên cứu, điều chỉnh) không thể không phát triển công trình thủy trong đó có cảng công trình biển với tư cách là một chuyên ngành khoa học ứng dụng của khoa học công nghệ biển.
Thiết kế, xây dựng công trình thủy thực sự là ngành công nghiệp tổng hợp có tính quốc tế cao đòi hỏi có kiến thức khoa học công nghệ đa ngành, đảm nhận việc khảo sát thiết kế và thi công, khai thác và quản lý các công trình phục vụ trực tiếp cho ngành cảng biển, vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí, đóng tàu và sửa chữa tàu biển với các công trình khác nhau như: triền tàu, âu tàu, ụ tàu, bến cảng, đập, kè và các công trình bảo vệ bờ sông, biển và hải đảo, phao tiêu báo hiệu luồng lạch, các công trình biển cố định và di động...
Vì thế, việc công bố kịp thời tác phẩm ““Cẩm nang thiết kế thiết kế công trình thủy” của PGS., TS Trần Minh Quang đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế hàng hải vì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.