Nhắc đến Tổng công ty Xây dựng Thăng Long là nói đến một thương hiệu đã được khẳng định trong ngành GTVT. Không chỉ có thế mạnh về cầu vượt sông, thời gian gần đây, đơn vị này còn rất có duyên với các cây cầu vượt cạn.
Cầu vượt nhẹ Tây Sơn - Chùa Bộc
Nhiều giải thưởng qua các công trình lớn
Hơn 40 năm qua, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã đặt dấu ấn của mình ở hầu hết các dự án xây dựng cầu, cảng trọng điểm trên địa bàn cả nước, với vai trò là nhà thầu chủ lực. Từ các dự án trên trên tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Pá Uôn, Kiền… đến các công trình mới đây như: Đường Vành đai 3 Hà Nội, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, TP HCM - Trung Lương, Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Theo các chuyên gia trong ngành GTVT, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long là một trong những đơn vị xây lắp có nguồn lực tài chính và thi công thuộc loại chắc chắn, nhiều kinh nghiệm nhất trong ngành GTVT. Hầu hết các công trình do Tổng công ty thi công đều đảm bảo tiến độ, được đánh giá cao về chất lượng và mỹ thuật. Thời gian qua, Tổng công ty đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hàng chục công trình giao thông lớn, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước. Nhiều công trình được Nhà nước và các đối tác đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng có uy tín như: Giải thưởng Thành tựu kỹ thuật xuất sắc năm 2000 của Hiệp hội Xây dựng các nước Asean, Giải thưởng của Hiệp hội Bê tông dự ứng lực Nhật Bản cho công trình cầu Kiền, Huy chương Vàng cho các công trình tiêu biểu cầu Kiền, cầu Pá Uôn...
Có duyên với cầu vượt cạn
Thời gian gần đây, hàng loạt các cầu vượt thép đã được triển khai đầu tư xây dựng tại các đô thị lớn. Tại các nút giao Láng Hạ - Thái Hà, Tây Sơn - Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh - Láng, những cây cầu vượt đầu tiên đưa vào khai thác đã góp phần giảm đáng kể ùn tắc. Tiên phong triển khai xây dựng các cây cầu này là TCT Xây dựng Thăng Long.
Tiếp sau các cây cầu vượt tại Hà Nội, Thăng Long lại tiên phong “Nam tiến” và xây dựng hai cầu vượt trọng điểm đầu tiên tại ngã tư Thủ Đức và nút giao Hàng Xanh của TP Hồ Chí Minh. Trong đó, cầu vượt Thủ Đức được thiết kế với tải trọng không giới hạn. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 605m. Còn cầu Hàng Xanh có chiều dài cả phần cầu và đường dẫn khoảng 476m, chiều ngang 12m, tải trọng thiết kế là 1/2HL93 với kết cấu là dầm thép nhịp giản đơn. Cả hai cây cầu này đều được thi công với thời gian kỷ lục. Tổng thời gian thi công cầu vượt Thủ Đức chỉ gói gọn trong vòng hơn 5 tháng. Với cầu vượt Hàng Xanh thậm chí còn ngắn hơn với vỏn vẹn hơn 3 tháng. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác sớm các cây cầu vượt này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là những khu vực có mật độ phương tiện tham gia giao thông thuộc loại đông nhất thành phố và luôn thường trực cảnh ùn tắc giao thông kéo dài.
Ngày 1/10 tới, TCT lại có cơ hội ghi thêm dấu ấn của mình khi tiếp tục vinh dự được chọn là nhà thầu triển khai xây dựng cầu vượt tại khu vực đường sắt thuộc địa phận huyện Nghi Sơn và thành phố Vinh, Nghệ An. Cây cầu này do Ban QLDA ATGT làm đại diện chủ đầu tư. Điểm đầu dự án tại Km 456+000 và điểm cuối tại Km 457+100 QL1.
Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép dài 324m, rộng 20,5m, gồm 8 nhịp dầm SuperT, khẩu độ 40m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đúc sẵn. Móng cọc được khoan nhồi sâu 50m , đường kính D1,2m. Tổng mức đầu tư công trình là 373 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 12 tháng. Mục đích chính của dự án là nâng cao an toàn chạy tàu và ATGT cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông qua đường sắt.