Thoáng đấy mà đã hơn 10 năm. Mỗi lần đi trên những con đường, bắt gặp hình ảnh những chị công nhân duy tu bảo dưỡng mặc bộ quần áo lao động khô cứng, mặt mũi bịt kín như Ninja chỉ còn chừa đôi mắt, hay qua những cây cầu, thấy những anh công nhân treo mình trên cao sơn những thanh dầm sắt, tôi lại bồi hồi xúc động nhớ kỷ niệm về cuộc thi Con đường đẹp Việt Nam.
Đường ven biển Vũng Tàu
Sau cuộc thi viết về ngành GTVT do Báo Giao thông vận tải phát động, tôi đã được trao giải Nhì với bài viết “Ngược dòng Lô tìm hoa hậu”. Ý tứ của bài viết ví các con đường đẹp như những dải lụa đào khoác trên mình những cô gái đẹp. Cụ thể hơn, quốc lộ chạy qua tỉnh Tuyên Quang, địa phương có nhiều cô gái đẹp đoạt giải cao trong các kì thi hoa hậu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống đương đại mà dân gian đã có câu “Chè Thái, gái Tuyên” chuẩn không cần chỉnh. Từ sự nhân cách hóa đó dẫn đến ý tưởng tổ chức cuộc thi bình chọn “Con đường đẹp Việt Nam“ là hoàn toàn logic.
Tôi nhớ khi trình bày chủ trương tổ chức cuộc thi này với lãnh đạo Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam lúc đó, họ đã bị thuyết phục ngay. Rất đơn giản, tôi nói đại ý: Những người công nhân duy tu bảo dưỡng đường bộ mà trước đây gọi là “phu lục lộ” là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Lương thấp mà nhiều khi chậm trả. Đi làm xa, con cái thất học, nhiều chị em còn không có điều kiện lập gia đình khi quá lứa nhỡ thì, sống trong các lán trại, vật chất thiếu thốn, cuộc sống tinh thần hầu như không có gì.
Quả thật, tôi đã đánh trúng vào lòng trắc ẩn của những người quản lý ngành Đường bộ, đánh trúng vào sự nghèo túng ý tưởng trong chỉ đạo thi đua của các vị lãnh đạo công đoàn, nên các anh đều nhất trí cao. Nhưng cuộc bình chọn này không chỉ đơn thuần là mấy cái giấy khen cho đơn vị đoạt giải. Chúng tôi - những người lao động - cần tiền thưởng tương xứng với từng giọt mồ hôi đổ xuống con đường khi trời nắng đổ lửa cũng như khi trời mưa xối xả.
Cung đường Tây Nguyên
Về khoản này thì các anh bên Công đoàn cũng như Cục Đường bộ không tìm ra cách gỡ. Cuộc thi không thể kêu gọi các nhà mạnh thường quân, các đại gia tài trợ như cuộc thi hoa hậu khoe sắc đẹp, khoe body hấp dẫn cho toàn dân thiên hạ vỗ tay tán thưởng. Cuộc thi âm thầm lặng lẽ, không trống giong cờ mở nhưng phải có tiền, thậm chí nhiều tiền. Tôi mang tâm tư này thuyết phục các vị lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia.
Trước ý tưởng nhân văn của cuộc thi, các anh suy nghĩ rất lung trước khi sử dụng ngân sách Nhà nước sau rồi cũng nhất trí cấp tiền. Và thế là cuộc thi được phát động và được các đơn vị, các cơ sở giao thông trên cả nước hưởng ứng nhiệt thành.
Là tác giả của cuộc thi, tôi được tham gia Ban tổ chức, Ban giám khảo. Tuy chỉ là cấp phó nhưng vì ý tưởng là của mình nên trong cuộc họp nào, ở địa phương nào tôi cũng được các anh cấp trưởng giao cho nhiệm vụ thuyết trình và thuyết phục mọi thành viên đồng tâm hiệp lực.
Tiếp theo là những ngày rong ruổi trên các nẻo đường của Tổ quốc, từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, từ dằng dặc khúc ruột miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long, chiếc xe Toyota của Báo Bạn Đường lăn bánh đưa tôi đến mọi miền đất nước, gặp gỡ động viên bao nhiêu bạn bè mới, những “phu lục lộ” thời kỳ đổi mới.
Đường Trần Duy Hưng, Hà Nội
Đã có nhiều con đường từ quốc lộ đến tỉnh lộ, đến đường thành phố được mang trên mình tấm biển danh giá “Con đường đẹp Việt Nam”.
Quốc lộ số 8 nối thị xã Hồng Lĩnh với cửa khẩu Cầu Treo lần đầu tiên được tặng giải Nhất quốc lộ đẹp toàn quốc. Hôm tổ chức trao giải, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh xúc động nói: “Hà Tĩnh cảm ơn Trung ương, Bộ GTVT đã quan tâm động viên anh chị em lao động trong ngành GTVT của tỉnh Hà Tĩnh còn rất nghèo của chúng tôi “. Tôi nghĩ trong bụng: Ông nói sai rồi, tất cả chúng ta phải cảm ơn những người lao động đã giữ gìn con đường cho chúng ta đi lại êm thuận như ngày hôm nay mới đúng.
Giờ đây, ngồi viết những dòng này, tôi như thấy hiện ra trước mắt mình những người bạn thân quen hồi nào từ Điện Biên Phủ đến Tây Nguyên, từ Bắc Kạn, con đường vào Na Rì quê hương cách mạng đến các con đường của tỉnh Bắc Giang, Hà Tây, từ đường Liễu Giai (Hà Nội) đến con đường ven biển Vũng Tàu, đồng giải Nhất đường đẹp thành phố. Tất cả các anh nay đã nghỉ hưu cả rồi. Một lớp trẻ kế cận đang viết tiếp lịch sử các con đường, đang mở rộng, làm mới các con đường mà nếu hôm nay có tổ chức cuộc thi thì rất khó có thể so bì nhất nhì. Nếu có, ấy là tôi giả dụ thì tiêu chí số một để xét tặng là con đường nào giữ hành lang bảo vệ đường bộ, không để cho dân lấn chiếm trái phép.
Đường lên Tây Bắc
Hôm trao danh hiệu cho đường Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng giải Nhất con đường đẹp thành phố, anh Phạm Quốc Trường - nguyên Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho cấp dưới làm một tấm biển để gắn trên đường. Anh bảo anh em phải mang thiết kế tấm biển đưa anh An Thanh Lương duyệt. “Anh Lương duyệt thì tôi cũng duyệt”. Hả cái lòng, mát cái dạ quá. Nay thì một trong hai cái biển vinh danh này đã được bốc đi dành chỗ làm cầu vượt ở ngã tư Daewoo rồi.
Còn tại thành phố biển Vũng Tàu, nơi tổng kết cuộc thi, anh em làm duy tu bảo dưỡng cầu đường Nam - Bắc có dịp gặp nhau tay bắt mặt mừng, vừa nhận phần thưởng của Ban tổ chức vừa trao đổi kinh nghiệm. Nếu không có cuộc thi này sẽ chẳng bao giờ có dịp đi đến mảnh đất phương Nam xa xôi, nhất là với những “phu lục lộ” lam lũ.
Tôi nhớ, đã đến giờ mà còn thiếu đại biểu Bắc Giang. Gọi điện mãi mới biết anh Tập - Giám đốc Công ty Bảo dưỡng đường bộ Bắc Giang trên đường đi gần đến Biên Hòa thì bị tai nạn, cả lái xe và sếp đều bị thương phải cấp cứu trong bệnh viện. Xong việc tôi vội vào bệnh viên thăm anh. May mà chỉ bị gãy chân.
Anh Tập cũng đã về hưu. Hôm nay ngồi ôn lại những kỷ niệm của một thời chưa xa, xin gửi tới các anh, các chị những tình cảm của một nhà báo, người tham gia tổ chức cuộc thi “Con đường đẹp VN” mà nhờ nó chúng ta mới có dịp quen biết nhau và cũng nhờ nó người lao động được vinh danh, người đi đường được hưởng những thành quả tốt đẹp từ những đôi chân, những bàn tay đội nắng đội mưa, một nghề vất vả nhất trong những nghề vất vả.