Chiếu sáng đường cao tốc: càng ít ánh sáng, tầm nhìn càng xa
Đó là tiêu đề bài viết gần đây của tác giả Ralf Wiegand trên tờ Sueddeutsche Zeitung [1]. Trước đây, do quan niệm của từng quốc gia và các lập luận không thống nhất nên việc chiếu sáng trên đường ô tô cao tốc của từng nước cũng rất khác nhau. Các nước như Đức, Hoa Kỳ... qui định về nguyên tắc chỉ bố trí chiếu sáng vào ban đêm cho đường cao tốc đô thị, còn đường cao tốc ngoài đô thị thì chỉ bố trí ở những chỗ ra, vào và đường hầm. Ảnh dưới đây được chính người viết bài này chụp trên đường cao tốc liên bang số 5 của nước Mỹ ngay tại cửa ngõ của thành phố Los Angeles cho thấy hệ thống chiếu sáng ngay tại những vị trí như thế này cũng được bố trí rất ít (ảnh 1). Một số nước khác như Anh, Pháp... thì qui định thêm việc chiếu sáng cho tất cả các nút giao liên thông.
Cũng có một số nước như Bỉ, Lúc - xăm - bua, Tiểu Vương quốc Ả Rập hay Thổ Nhĩ Kỳ... thì hầu như tất cả đường ô tô cao tốc trước đây đều được chiếu sáng vào ban đêm. Tuy vậy, với xu thế tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí bảo trì và giảm hiệu ứng ánh sáng nhân tạo làm ô nhiễm môi trường tự nhiên còn được gọi là hiệu ứng ô nhiễm ánh sáng và nhất là qua kết quả nghiên cứu về tai nạn giao thông về ban đêm trên đường cao tốc, từ nhiều năm nay, những quốc gia này đã cắt bớt,dỡ bỏ hệ thống chiếu sáng này.
Nước Đức, một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng đường ô tô cao tốc từ thập kỷ thứ ba của thế kỷ 20 đã quy định rất chặt chẽ trong hệ thống Richtline (quy chuẩn) việc bố trí chiếu sáng cho loại hình công trình giao thông đặc thù này như trên đã đề cập. Tuy vậy, không phải lúc nào quy định này cũng được xã hội đồng thuận. Liên đoàn Bảo hiểm trách nhiệm dân sự, tai nạn giao thông và xe ô tô của CHLB Đức (HUK-Verband) đã nhiều lần yêu cầu phải chiếu sáng cho đường cao tốc và đưa ra các luận cứ nào là tai nạn gia tăng vào ban đêm do không bố trí chiếu sáng, nào là chi phí để lắp đặt hệ thống chiếu sáng chỉ chiếm 3% chi phí xây dựng đường, rằng theo luật giao thông chỉ được sử dụng đèn gầm có cự ly chiếu sáng 30 đến 35m thì tốc độ chạy xe cũng chỉ được 30 35km/h, như vậy thì xây dựng đường cao tốc tốn kém mà không phát huy được hiệu quả v.v. Sau một thời gian dài tranh luận, năm 1968, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải CHLB Đức Georg Leber đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này. Theo tính toán của ông, chi phí bảo trì cho chiếu sáng đường cao tốc một năm sẽ lên đến gần 100 triệu mác cho 4000 km đường cao tốc của nước Đức lúc bấy giờ. Thực tiễn vận hành khai thác đường cao tốc của Đức đã chứng tỏ quyết định của ông là đúng đắn. Hiện nay, mạng đường ô tô cao tốc của nước Đức có tổng chiều dài hơn 13000km và vẫn như 46 năm trước đây, chủ yếu không được bố trí chiếu sáng ban đêm. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, đã có những đoạn tuyến đi qua các khu đô thị, dân cư đông đúc hoặc tại các chỗ ra vào được cho là nguy hiểm được bố trí chiếu sáng. Tuy vậy, điều này đang được Bộ Giao thông CHLB Đức điều chỉnh theo hướng giảm tối đa việc bố trí chiếu sáng tại các vị trí này. Kết quả là hệ thống chiếu sáng đoạn tuyến nối 2 thành phố Bonn và Köln hiện nay đã ngừng hoạt động, còn ở bang Hessen chỉ còn duy nhất trên đoạn tuyến của đường cao tốc A3 đi sát sân bay Frankfurt là còn được chiếu sáng vào ban đêm và chi phí duy trì việc chiếu sáng này là do sân bay đảm nhận [1].
Nước Pháp bắt đầu thử nghiệm tắt đèn trên đường cao tốc A16 nối vùng Nord-pas-de-Calais với vương quốc Bỉ từ năm 2007. Được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, nhưng từ năm 2010, đường cao tốc vành đai của Paris cũng đã thử nghiệm tắt đèn vào ban đêm để tiết kiệm điện và giảm khí thải CO2. Và kết quả thật bất ngờ. Cục đường bộ vùng Île (DIRIF: Direction des routes Île-de-France, bao gồm Paris và các vùng phụ cận) cho biết, tắt đèn trên đường cao tốc vành đai này đã giảm được 30% số vụ tai nạn [2].
Vương quốc Bỉ đã bắt đầu kế hoạch dỡ bỏ, cắt giảm đèn chiếu sáng trên đường cao tốc từ năm 2011,. Đây là quốc gia có mạng đèn chiếu sáng đường cao tốc thuộc vào hàng hoành tráng nhất thế giới với ít nhất 335.000 bóng đèn cao áp được lắp trên 150.000 cột đèn chiếu sáng suốt đêm trên các tuyến cao tốc. Chỉ tính riêng cho vùng Wallonie nói tiếng Pháp của Bỉ với 860km đường cao tốc thì 750km được chiếu sáng và năm 2010 đã ngốn hết một khoản ngân sách lên đến 9,5 triệu Euro tiền điện cho hệ thống chiếu sáng này. Viện nghiên cứu về an toàn đường bộ của Bỉ (IBSR) còn công bố kết quả khảo sát cho thấy việc chiếu sáng đường cao tốc vào ban đêm không những gây tốn kém ngân quỹ, mà còn gây ra những ảo giác mất an toàn cho lái xe. Số liệu thống kê so sánh còn cho thấy chiếu sáng vào ban đêm trên đường cao tốc còn gây ra nhiều tai nạn hơn do lái xe cho rằng có đèn chiếu sáng sẽ an toàn nên ít tập trung quan sát hơn [1], [3].
Tiếp theo Bỉ là Hà Lan. Từ tháng 10 năm 2012, Hà Lan bắt đầu thử nghiệm không bật hệ thống chiếu sáng vào ban đêm trên đường cao tốc thuộc tỉnh Flevoland. Đến đầu tháng 1 năm 2013, bộ Giao thông Hà Lan đã quyết định tất cả các tuyến cao tốc nối liền các các thành phố sát nhau dày đặc dân cư thuộc các tỉnh từ Bắc xuống Nam như Limburg, Utrecht, Brabant.... đều không bật đèn vào ban đêm trừ các nút giao, đường hầm và các lối ra vào đường cao tốc được cho là nguy hiểm. Tính toán cho thấy, sau 5 năm triển khai quyết định này, Hà Lan sẽ tiết kiệm được 1,64 tỷ Euro. Các nhà hoạt động ở Hà Lan chống ô nhiễm ánh sáng, chống phá vỡ cân bằng của thiên nhiên do chiếu sáng đường cao tốc vào ban đêm đã nhiệt liệt hoan nghênh quyết định này[4].
Chiếu sáng đường cao tốc của Việt Nam theo quy định của các tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc của Việt Nam TCVN 5729 1997 trước đây và TCVN 5729 2012 hiện hành chỉ yêu cầu bố trí chiếu sáng cho đường cao tốc ngoài đô thị tại khu vực có trạm thu phí đường và trong hầm và khuyến cáo nên nên bố trí chiếu sáng trong phạm vi các chỗ giao nhau liên thông, ở các đoạn ra khỏi đường cao tốc gặp một đoạn đường có chiếu sáng được nối với đường cao tốc, hoặc đoạn qua một vùng có chiếu sáng (khu công nghiệp, sân bay...), ở bên phải các trạm phục vụ kỹ thuật và ở các biển báo chỉ dẫn quan trọng (khi không có điều kiện sử dụng các biển báo hộp có đèn tự chiếu sáng).
Đối với đường cao tốc đô thị, đường phố, quảng trường đô thị, TCXDVN 259 2001, mục 4.1, bảng 2 , phân cấp đường cao tốc đô thị thuộc cấp độ chiếu sáng loại A và định nghĩ cao tốc đô thị như sau liên hệ giữa các khu của đô thị loại I, giữa các đô thị và các điểm dân cư trong hệ thống chuỗi đô thị, tổ chức giao thông khác cao độ với tốc độ tính toán 120km/h.
Và trên một số tuyến cao tôc đã xây dựng ở nước ta
Mặc dầu các tiêu chuẩn thiết kế và chiếu sáng đường cao tốc của Việt Nam được biên soạn trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo các tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới, đã quy định chặt chẽ, hợp lý việc chiếu sáng cho đường cao tốc nhưng thực tế một số tuyến cao tốc được xây dựng trong thời gian vừa qua đã được bố trí chiếu sáng khá tốn kém. Người ta viện các lý do như nhiều đoạn là đường đi qua khu đông dân cư, khu đô thị, có tuyến là nối đô thị và các điểm dân cư trong hệ thống chuỗi đô thị, trên cầu, kể cả hàng chục cây số cầu cạn....
Chi phí cho hạng mục cây xanh và chiếu sáng cho đoạn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh Trung Lương, căn cứ vào các quy định TCVN 5729 97, ở bước nghiên cứu khả thi được phê duyệt chỉ khoảng 50 tỷ đồng, thế nhưng chi phí này chắc chắn phải gấp nhiều lần nếu nhìn vào hệ thống chiếu sáng đã được lắp đặt trên đoạn tuyến (ảnh 2). Đấy là chưa kể chi phí hàng năm cho việc bảo trì và vận hành khai thác hệ thống chiếu sáng này.
Tương tự là tuyến cao tốc Láng Hòa Lạc. Phải nói đây là một rừng đèn. Có thể người ta đã căn cứ vào TCXDVN 259 2001 để bố trí chiếu sáng cho tuyến cao tốc này. Quả thật là rất hoành tráng. Nhưng hiệu quả kinh tế kỹ thuật thì chắc chắn là rất thấp, thậm chí là phản tác dụng. Chiếu sáng của đèn đường sẽ tạo ra hiệu ứng tán xạ ánh sáng, dễ làm cho các lái xe loá mắt đẫn đến khó nhận biết được các biển báo giao thông, các vạch chỉ đường và chướng ngại vật trên đường. Là một người lái xe có hơn hai mươi năm kinh nghiệm, mỗi lần lái xe trên tuyến Láng Hòa Lạc người viết bài này thấy rất rõ khi đi qua những đoạn bị tắt bớt hoặc tắt hẳn các dãy đèn chiếu sáng, dưới ánh đèn trực tiếp của ô tô, vạch kẻ phân làn bằng sơn phản quang sáng hơn hẳn so với các đoạn được chiếu sáng và do đó, tầm nhìn cũng tốt hơn, cảm giác an toàn khi chạy xe cũng cao hơn.
Và còn nhiều ví dụ tương tự như đường nối sân bay Nội Bài Cầu Nhật Tân, đoạn tuyến cao tốc Giẽ - Ninh Bình, tuyến cao tốc Hà Nội Lào Cai, Long Thành Dầu Giây..... Tất cả các tuyến này đều được chiếu sáng rất hoành tráng trên các cây cầu, kể cả cầu cạn và các đoạn được cho là đi qua đô thị, thị tấn, thị tứ... mặc dầu chúng đều là cao tốc ngoài đô thị .
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu các ý kiến xung quanh vấn đề này. Trong phiên thảo luận tại hội trường vào ngày 01/11/2014, đại biểu Y Khút Niê (đoàn Đăk Lăk) đã chỉ rõ sự lãng phí được dư luận nhiều cử tri quan tâm là việc lắp đặt quá dày đặc hệ thống chiếu sáng trên một số tuyến đường tại trung tâm thành phố, thị xã, đường cao tốc
., ban đêm hệ thống đèn bật sáng còn hơn cả ban ngày. Có địa phương chơi sang hơn còn lắp đặt thêm hệ thống ánh sáng tầm thấp ở giữa dải phân cách mới đủ. Việc thiết kế như vậy là quá lãng phí cả về vốn đầu tư xây dựng cũng như điện năng tiêu thụ. Ông nhận xét: Nếu chúng ta biết cắt giảm đi một số trụ điện ở những khu vực này một cách hợp lý, cả nước có thể đủ số tiền để xây dựng hệ thống điện sinh hoạt cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi người dân đang khao khát chờ dòng điện từ nhà nước đầu tư. Ở nước ngoài họ rất tiết kiệm và thực tế, làm việc gì cũng tính toán đến hiệu quả thiết thực. Thiết nghĩ nếu chúng ta thực hành tiết kiệm chỉ đạt mức như ở nước ngoài thì các dự án đầu tư đã không dàn trải, tránh được lãng phí như thời gian qua [8].
Một số kiến nghị
Theo luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật [8] thì các tiêu chuẩn TCVN 5729 2012 và TCXDVN 259 2001 chỉ là văn bản kỹ thuật được công bố để tự nguyện hay khuyến khích áp dụng. Do vậy, một số dự án xây dựng đường cao tốc còn vận dụng cả những tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng cho đường ô tô thông thường, đường đô thị, hay sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài, thậm chí cả những khuyến nghị của Hiệp hội chiếu sáng quốc tế để thiết kế, bố trí chiếu sáng cho đường cao tốc. Do vậy, đã đến lúc cần phải cập nhật kinh nghiệm của thế giới và căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của nước ta để nghiên cứu, biên soạn và ban hành Quy chuẩn chiếu sáng đường ô tô cao tốc. Trước mắt, cần ban hành ngay quy định tạm thời về việc bố trí chiếu sáng cho đường cao tốc và công bố bắt buộc áp dụng.
Tài liệu đã dẫn
[1]. Straßenbeleuchtung an Autobahnen: Weniger Licht, mehr Sicht. Ralf Wiegand. ©SZ (sueddeutsche Zeitung) 13.05.2014
[2] Lights out on roads to save CO2 (www.connexionfrance.com. May 11, 2010)
[3] Belgien schafft teure Autobahn-Beleuchtung ab. Die Welt, 14.07.11
[4] Niederlande wollen Laternen an Autobahnen abschalten (www.derwesten.de 02.10.2012)
[5] TCVN 5729 - 1997: Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế
[6] TCVN 5729 - 2012: Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế
[7] TCXDVN 259 2001: Tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng nhân tạo đường, đường phố, quảng trường đô thị
[8]. Lãng phí đầu tư công từ hệ thống chiếu sáng công cộng, Nguyễn Quỳnh/VOV.VN 01/11/2014.
[9] Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật