Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa
Đề cập vấn đề nhân sự trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, sau khi đã bày tỏ không ít lo lắng về tình hình đất nước, bởi theo đại biểu Nghĩa, con người là yếu tố quyết định mọi giải pháp.
“Khác với ý kiến một số đại biểu là các chuyên gia kinh tế, tôi không tin là 2015 - 2016 sẽ có chuyển biến gì mạnh mẽ”, ông Nghĩa nhìn nhận.
Lý giải của vị đại biểu này là Việt Nam chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ. “Chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ về hướng cũ, làm sao nhìn thấy được chân trời mới”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, hai thập kỷ qua, cách phát triển kinh tế Việt Nam có 3 cái hao không khắc phục được. Một là rất hao vốn, hai là rất hao ngoại tệ và ba là rất hao tài nguyên môi trường.
Tham nhũng tràn lan ở các cấp độ, nợ công, nợ xấu chồng chất, đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát. Kinh tế nhà nước chiếm giữ nhiều tài sản lớn được ưu tiên phân bổ nguồn lực nhưng hiệu quả kém. Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông là những nhân tai dai dẳng làm thiệt hại sức người, sức của rất lớn, đại biểu Nghĩa khái quát.
Đó là chuyện cũ, còn nguy cơ mới từ 10 năm qua được ông Nghĩa nhìn nhận là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, "lệ thuộc" theo nghĩa là muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt không hay, nhưng vẫn phải tiếp tục.
Và sự lệ thuộc này, theo ông, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lệ thuộc về xuất nhập khẩu, nguyên phụ liệu, đấu thầu thi công, năng lượng, viễn thông, khai thác khoáng sản, trang thiết bị, công nghệ, nhân công và về hàng tiêu dùng.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém, mà còn có thế mạnh, vậy thì vì sao lại trở nên lệ thuộc?
Sau câu hỏi này, ông Nghĩa nói tiếp rằng “có những bài học từ nhân dân, từ tiền nhân đó là "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", "khôn thì sống mà mống thì chết". Không thách thức, khó khăn nào lớn hơn hai cuộc chiến tranh vừa qua. Chính chúng ta đã biến thành cơ hội, khó khăn thành thuận lợi, chuyển bại thành thắng, nhờ biết sử dụng và trọng dụng những cán bộ đủ tài và đủ đức”.
Tiếp mạch suy nghĩ dùng người, ông Nghĩa lập luận, nếu giao quyền và tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như là điều kiện để người ta phải làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước.
Một nước có tiềm năng lương thực lớn như Việt Nam mà lại phải nhập khẩu nông sản, nguyên liệu, thực phẩm từ Trung Quốc, kể cả rau, quả và trứng gà, đại biểu Nghĩa tỏ rõ sự ngạc nhiên.
Hàng loạt câu hỏi tại sao được đại biểu Nghĩa tiếp tục đặt ra, như chúng ta có toàn quyền tổ chức đấu thầu, chấm thầu tại sao lại lọt những nhà thầu Trung Quốc kém năng lực, có ngành lại chiếm đến 80 - 90% số lượng dự án?
Tại sao thương gia Trung Quốc có thể bằng visa du lịch đến tận miền tây Nam Bộ thu mua nông sản, lập kho chứa, lũng đoạn giá, phá thị trường? Tại sao buôn lậu hàng chất lượng kém, thực phẩm ô nhiễm vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch?
Rồi tại sao nhà máy của Samsung xuất khẩu 130 triệu điện thoại di động trị giá 23,9 tỷ USD sử dụng 45.000 lao động mà chỉ sử dụng có 70 người Hàn Quốc? Mà chúng ta lại để 23.000 lao động Trung Quốc, chủ yếu là phổ thông làm việc khắp nơi, từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Lâm Đồng, Tp.HCM, Bình Dương, Trà Vinh?
Hay, dự án Formosa có 4.268 lao động Trung Quốc trên tổng số 5.917 người, tại sao Formosa không được cho xây miếu thờ mà vẫn cứ xây, họ thờ ai và sau này có dẹp được không? Tại sao nạn buôn người sang Trung Quốc vẫn trầm trọng?
“Không nên đổ thừa cho âm mưu thủ đoạn gì ở đây, trước hết là do yếu kém của chúng ta”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Khẳng định con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp, đại biểu Nghĩa cho rằng Đại hội Đảng 12 phải là một cuộc cách mạng về nhân sự, chú trọng những cán bộ lãnh đạo có đủ các tiêu chí có tài, có đức, yêu nước, có tư duy và có khả năng đổi mới, dân chủ, hội nhập.
“Những người năng lực kém, đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao”, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần tăng cường hiệu lực của pháp luật và nhà nước pháp quyền, dân chủ hóa xã hội, phát huy các lợi thế của xã hội dân sự là một trong ba trụ cột của quốc gia là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.