CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Đề xuất nhiều cơ chế mới đầu tư cao tốc Bắc - Nam

2017/8/15 11:19

Bộ GTVT đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng nhiều cơ chế, chính sách mới có tính đặc thù trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.


Bộ GTVT kiến nghị tiến độ huy động vốn chủ sở hữu theo tiến độ triển khai

dự án cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Một đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Tạ Tôn

 

Góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án.

 

Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2017 xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án. Đáng chú ý, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đã xây dựng các nhóm cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo dự án đấu thầu cạnh tranh, minh bạch; quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành; khắc phục bất cập về thu phí…

 

Cụ thể, để thu hút được các nhà đầu tư tham gia triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp. Lý giải đề xuất này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải góp đủ vốn điều lệ đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, đối với các dự án giao thông, nguồn vốn chỉ giải ngân theo tiến độ tương ứng với khối lượng hoàn thành.

 

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.372km được chia thành 20 dự án thành phần. Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2025), ưu tiên đầu tư xây dựng trước 713km (2017 - 2020) với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng, gồm phần vốn Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng.

 

“Nếu huy động vốn theo quy định Luật Doanh nghiệp sẽ có một lượng vốn lớn có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng không được sử dụng ngay, dẫn tới việc sử dụng vốn không hiệu quả và chưa phù hợp với Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí”, ông Huy nói và cho biết, để kiểm soát việc góp vốn chủ sở hữu, đảm bảo nhà đầu tư có năng lực thực sự, Bộ GTVT đã tính toán mức vốn chủ sở hữu (20-25%) cao hơn so với quy định tại Nghị định 15/2015 của Chính phủ (10-15%).

 

Theo Bộ GTVT, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư rất lớn, nếu để toàn tuyến là một dự án sẽ không khả thi trong việc huy động vốn và lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi, Luật Xây dựng cho phép dự án quan trọng quốc gia có thể chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép tách dự án cao tốc Bắc - Nam thành 20 dự án thành phần và áp dụng nhiều hình thức hợp đồng trong cùng dự án.

 

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như: Trong bước nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi; cho phép Chính phủ giao Bộ GTVT quyết định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án…

 

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là thành phần trong dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn

 

Sớm gỡ nút thắt nguồn vốn tín dụng trong nước Đề cập đến nguồn vốn vay trong nước để đầu tư dự án, ông Huy phân tích, hiện nay, dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn.

 

“Thực tế vừa qua, dù một số dự án khả thi về tài chính, nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối”, ông Huy nói và cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam; đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư vay vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.

 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết kế GTVT (TEDI - đơn vị tư vấn lập dự án) cho biết thêm, để các dự án khả thi và thu hút nhà đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chấp thuận xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm và nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, đưa vào khai thác.

 

“Đồng thời, Chính phủ cần cho phép Bộ GTVT sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn. Các cơ quan Nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Sơn nói và cho biết, công tác GPMB của dự án cần phải được tách thành các tiểu dự án, giao cho địa phương thực hiện.

 

“Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ cần cho phép triển khai cắm cọc GPMB và triển khai công tác kiểm đếm, hoàn thiện phương án bồi thường GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi”, ông Sơn nói.

 

Liên quan đến công tác tổ chức thực hiện, Bộ GTVT cho biết, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, một số đoạn cấp bách, có nhu cầu vận tải lớn đã có đầy đủ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và đoạn Dầu Giây - Phan Thiết) cần được ưu tiên triển khai trước. Trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn TPCP thực hiện GPMB các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (khoảng 13.028 tỷ đồng/713km), phần còn lại khoảng 41.972 tỷ đồng giao Chính phủ xây dựng phương án đầu tư theo hai hướng: Đầu tư trước một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách theo hình thức đầu tư công, sau khi đầu tư xong, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền vận hành, khai thác và nguồn vốn thu được sẽ tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo; giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần.

 

Theo Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH