CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ HỘI KHKT CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

2013/9/19 14:35

LTS: Ngày 13/8/2013, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ và Hội. Tạp chí Cầu đường Việt Nam đăng tải toàn văn nội dung Quy chế đã được Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam ký kết.


CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi phối hợp


Quy chế này quy định sự phối hợp công tác giữa Bộ GTVT (sau đây viết tắt là Bộ) và Hội KHKT Cầu đường Việt Nam (sau đây viết tắt là Hội) trong việc:

1. Tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội các nội dung có liên quan về chiến lược, quy hoạch, chủ trương, cơ chế, các dự án phát triển giao thông vận tải, quản lý và bảo trì công trình giao thông theo yêu cầu của Bộ hoặc do Hội đề xuất và được Bộ chấp thuận:

- Trực tiếp tham gia công tác phản biện, thẩm định, thẩm tra các dự án hoặc giao cho các tổ chức (đơn vị) trực thuộc Hội thực hiện với sự chỉ đạo và chịu trách nhiệm của Hội;
- Tham gia xây dựng hoặc phản biện các dự án Luật, Pháp lệnh, các đề án chiến lược, quy hoạch, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực cầu đường;
- Có ý kiến về các giải pháp giải quyết các vấn đề về xã hội nảy sinh trong quá trình xây dựng và quản lý, khai thác bảo trì công trình cầu đường. Tham gia các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tổ chức hội thành viên khi cần thiết.
- Bộ và Hội thống nhất chủ trương cùng phối hợp trong việc vận động đóng góp xây dựng một số công trình cầu ở các vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn.

2. Tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực cầu đường thuộc chức năng và nhiệm vụ của Bộ, cụ thể:

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác xây dựng và quản lý bảo trì cũng như sửa chữa, phục hồi, tăng cường, nâng cấp các công trình cầu đường (bao gồm cả việc kiểm tra, kiểm định, giám sát, quan trắc) trong khi xây dựng và khi công trình đã bàn giao đưa và khai thác sử dụng;
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng cường ATGT đường bộ.

3. Tăng cường hợp tác, thúc đẩy mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức nghề nghiệp cầu đường quốc tế:

- Hợp tác giữa ngành đường bộ với các ngành giao thông khác như đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và hàng không;
- Tổ chức các hội thảo khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHCN) trong nước và quốc tế về lĩnh vực cầu đường;
- Tổ chức gặp gỡ, giao lưu hàng năm với các đơn vị KHCN của các bên;
- Tổ chức các hình thức đào tạo nguồn nhân lực KHCN và chuyển giao công nghệ;
- Tham gia dự thảo các Công ước, Hiệp ước quốc tế về đường bộ;
- Tham gia xây dựng các Hiệp định, Nghị định về cầu đường trong phạm vi hợp tác quốc tế, tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế về cầu đường;
- Tham gia tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, ứng dụng tiến bộ KHCN trong lĩnh vực cầu đường, các Hiệp định, Công ước quốc tế về đường bộ, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN cầu đường.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Mỗi bên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, trên tinh thần chủ động đề xuất phối hợp theo các chương trình, kế hoạch;
2. Đảm bảo phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của mỗi bên, kịp thời trao đổi thông tin với tinh thần dân chủ, minh bạch vì hiệu quả công việc đồng thời đảm bảo chế độ bảo mật theo quy địnhcủa pháp luật.

CHƯƠNG II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Phối hợp tham gia ý kiến về chiến lược, quy hoạch, các dự án phát triển giao thông vận tải, quản lý và bảo trì công trình giao thông


1. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng đề án và đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, Bộ đề nghị Hội hỗ trợ tham gia ý kiến cùng với quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trước khi tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ. Trường hợp Hội tham gia với tư cách là Tư vấn thẩm tra sẽ được thực hiện theo quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực này;
2. Đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ tham mưu trực tiếp có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến của Hội và các cơ quan, đơn vị liên quan để trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Điều 4. Phối hợp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

1. Khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuỳ theo nội dung và tính chất của từng văn bản, Bộ mời đại diện của Hội tham gia tổ biên tập hoặc giao Hội làm nhiệm vụ tư vấn phản biện xã hội trong quá trình soạn thảo hoặc giao Hội chủ trì soạn thảo một số tiêu chuẩn, quy chuẩn khi Hội đề nghị;
2. Bộ tổng hợp các ý kiến của Hội để điều chỉnh dự thảo các văn bản và thông báo cho Hội biết những ý kiến của Hội không được tiếp thu điều chỉnh trong dự thảo;
3. Trong trường hợp cần thiết, Bộ gửi văn bản dự thảo cuối cùng cho Hội để có ý kiến tham gia trước khi Bộ ký, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước  có thẩm quyền.

Điều 5. Phối hợp trong việc ứng dụng các tiến bộ KHCN

1. Căn cứ các quy định hiện hành và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, Bộ đề nghị Hội tham gia dưới hình thức chuyên gia hoặc ký kết hợp đồng kinh tế trong việc nghiên cứu các đề tài KHCN và triển khai ứng dụng các tiến bộ KHCN vào công tác quản lý cầu đường, điều tra hiện trạng, cảnh báo nguy cơ xuống cấp, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cầu đường (ưu tiên quốc lộ, đường cao tốc), hầm và các công trình giao thông khác, trong đảm bảo ATGT đường bộ;
2. Bộ mời Hội tham gia vào quá trình chuẩn bị nội dung, tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học về ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực cầu đường;
3. Hội chủ động đề xuất với Bộ về ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới cho dự án, công trình cụ thể trong lĩnh vực cầu đường;
4. Trong các trường hợp cụ thể, Bộ mời Hội tham gia vào các công việc tư vấn giám sát và kiểm tra chất lượng thi công cũng như tư vấn thẩm định, nhiệm thu công trình. Với những dự án trọng điểm quan trọng của ngành GTVT, Bộ sẽ mời hoặc đề xuất mời Hội tham gia làm thành viên ban chỉ đạo;
5. Hội tham gia cùng với Bộ tổng kết các công nghệ mới đã ứng dụng thành công để phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước;
6. Bộ và Hội phối hợp trong việc lựa chọn, nghiên cứu đánh giá, giới thiệu và chuyển giao các công nghệ mới cần thiết cho công tác xây dựng và quản lý, khai thác bảo trì các công trình cầu đường cũng như cho sự phát triển bền vững của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
7. Bộ mời Hội làm thành viên Ban tổ chức bình chọn các công trình cầu đường tiêu biểu để Bộ khen thưởng, tôn vinh hoặc trình các cơ quan của Chính phủ xét khen thưởng, tôn vinh.

Điều 6. Phối hợp trong hợp tác quốc tế phát triển KHCN

1. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ trong các hoạt động đối ngoại về lĩnh vực cầu đường với tư cách đại diện Uỷ ban Việt Nam tại tổ chức Hiệp hội đường bộ toàn cầu (PIARC) mà hiện Tổng cục đường bộ VN được Bộ uỷ nhiệm là thành viên thứ nhất (quan sát viên) và tổ chức Liên đoàn đường bộ Thế giới (IRF) mà Hội là thành viên;
2. Tham gia ý kiến tư vấn với Bộ về năng lực, tư cách của các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia các dự án công trình giao thông đối với các doanh nghiệp từ các quốc gia mà Hội có ký kết hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp tương ứng.
3. Trong việc đàm phán ký kết, gia nhập và thực hiện các Điều ước quốc tế trong lĩnh vực KHCN cầu đường, Bộ mời đại diện của Hội tham gia tổ biên tập hoặc đóng góp ý kiến.
4. Bộ mời Hội tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực KHCN cầu đường;
5. Trong việc tham gia các tổ chức cầu đường bộ khu vực và quốc tế, Bộ mời Hội tham gia tư vấn lựa chọn loại hình tổ chức và hình thức tham gia vào các tổ chức này;
6. Hội tư vấn cho Bộ các hình thức, nội dung tham quan học tập kinh nghiệm quốc tế và dự thảo các thoả thuận/ hợp đồng chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài về lĩnh vực KHCN cầu đường.

Điều 7. Phối hợp đào tạo, thông tin tuyên truyền, phổ biến tiến bộ KHCN

1. Hội trao đổi với Bộ về các hình thức, lĩnh vực đào tạo đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia trong lĩnh  vực cầu đường, kể cả trong nước và quốc tế;
2. Bộ và Hội phối hợp thường kỳ cập nhật, thông tin tuyên truyền, phổ biến tiến bộ KHCN trong lĩnh vực cầu đường. Thường xuyên bổ xung tài liệu kỹ thuật, catalog trong thư viện KHKT của Bộ, đăng tải trên Tạp chí Cầu đường VN và các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của Bộ, mở các lớp tập huấn, hội nghị, các buổi chuyên đề giới thiệu tiến bộ KHCN, tiêu chuẩn mới;
3. Bộ và Hội phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động các đối tượng xã hội tham gia thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN cầu đường;
4. Bộ chuyển cho Hội các Nghị định, Thông tư, Quyết định về lĩnh vực cầu đường cũng như các kết luận, chủ trương lớn của Bộ về lĩnh vực này để Hội phối hợp tổ chức thực hiện hoặc tuyên truyển phổ biến theo hình thức phù hợp. Đồng thời, Bộ và Hội có trách nhiệm chia sẻ những thông tin có liên quan trong hoạt động KHCN, HTQT và mời đại diện Lãnh đạo mỗi bên tham dự các Hội nghị sơ kết, tổng kết.

Điều 8. Phối hợp theo chuyên đề

Để thực hiện các nội dung phối hợp được quy định tại các Điều 1, 3, 4, 5, 6 và 7 của Quy chế, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ và Hội, hai bên cụ thể thành các chuyên đề cần phối hợp và ký kết chương trình phối hợp để thực hiện theo từng năm và trong từng nhiệm kỳ hoạt động (5 năm).

CHƯƠNG III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Lãnh đạo Bộ và Ban thường vụ Hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và tổ chức thành viên phối hợp thực hiện Quy chế này;
2. Bộ thống nhất giới thiệu Lãnh đạo các Vụ và các đơn vị của Bộ: Tổ chức cán bộ, Khoa học công nghệ, Kế hoạch đầu tư, Hợp tác quốc tế, Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT tham gia ứng cử Ban chấp hành Trung ương Hội và các cơ quan của Trung ương Hội để việc phối hợp được cụ thể và chặt chẽ;
3. Giao Vụ Khoa học Công nghệ phối hợp với Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế và các cơ quan tham mưu của Bộ và ban KHCN, Ban Tư vấn, Ban HTQT của Hội có trách nhiệm tham mưu cho Bộ và Hội triển khai nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế và chương trình phối hợp báo cáo Bộ trưởng và Chủ tịch Hội;
4. Hội cử đại diện của Trung ương Hội là Phó chủ tịch phụ trách khoa học công nghệ làm thường trực đối tác, về phía Bộ phân công Vụ trưởng Vụ KHCN trực tiếp làm việc với Thường trực Trung ương Hội để thực hiện bản Quy chế này;
5. Giao cho Chánh văn phòng Bộ chủ trì thực hiện điểm 4 Điều 7 của Quy chế;
6. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ GTVT cùng Thứ trưởng phụ trách KHCN và các cơ quan hữu quan của Bộ làm việc với Thường trực Trung ương Hội để kiểm điểm việc thực hiện Quy chế và chương trình phối hợp trong năm và thống nhất nội dung chương trình phối hợp năm tiếp theo;
7. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị liên quan báo cáo về Bộ và Hội để xem xét, điều chỉnh



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH