CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Quy hoạch vị trí ga Hà Nội đã được nghiên cứu kỹ

2017/8/16 10:55

Liên quan đến một số ý kiến đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, vị trí ga HN và tổ chức giao thông tại đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.


Ga Hà Nội có vị trí, vai trò, tầm quan trọng, phù hợp với quy hoạch

trước mắt và tương lai - Ảnh: Văn Bá

 

Ga Hà Nội được xác định là ga trung tâm, các tuyến khác sẽ kết nối vào đây để giải tỏa khách hoặc cung cấp khách.

 

Ga Hà Nội là vị trí trung tâm

 

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tổ chức giao thông phải căn cứ điều kiện cụ thể tại không gian phát triển của vùng, miền đó để đưa ra các hoạch định chiến lược, quy hoạch. Quan trọng hơn là giao thông phải theo tuyến và có kết nối, đó là nguyên tắc. Còn về vị trí ga Hà Nội và tổ chức giao thông tại đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đã được phê duyệt.

 

Đối với đường sắt khu vực Hà Nội, hiện đã có nhiều quy hoạch như: Chiến lược phát triển đường sắt quốc gia, Quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, Quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội, Quy hoạch mạng lưới giao thông của vùng Đồng bằng Bắc bộ, Quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội… Các quy hoạch này là kết quả nghiên cứu nhiều năm, có cả tư vấn trong và ngoài nước. Riêng tư vấn Nhật Bản đã nghiên cứu xây dựng quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội, có 8 tuyến tàu điện ngầm, trong đó tuyến đường sắt đô thị số 1 kết hợp đường sắt nội đô với đường sắt quốc gia.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, tàu đi vào thành phố chỉ vận tải khách, tàu hàng sẽ đi theo tuyến vành đai. Hiện đã có tuyến đường sắt vành đai phía Tây, từ Ngọc Hồi đi Hà Đông rồi qua cầu Thăng Long sang Đông Anh. Sau này sẽ có tuyến vành đai phía Đông từ Ngọc Hồi qua cầu xây mới qua sông Hồng, đến ga Cổ Bi, vòng lên Yên Viên. Tàu hàng từ phía Nam ra sẽ đi theo tuyến phía Đông về ga Yên Viên, từ đó đi tiếp lên các tỉnh phía Tây như Yên Bái, Lào Cai. Công năng đoạn Ngọc Hồi - ga Hà Nội tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi chỉ vận tải khách, trùng với đường sắt quốc gia. Dự kiến, tuyến số 1 khoảng năm 2023-2024 sẽ xây dựng xong. Thứ tự triển khai là sẽ xây dựng tổ hợp chạy tàu, chỉnh bị, bổ trợ vận tải… tại khu vực Ngọc Hồi trước để di dời cơ sở của ga Hà Nội hiện nay đến, tổ chức chạy tàu từ ga Ngọc Hồi. Về sau ga Hà Nội là trung tâm trung chuyển, không có chức năng ga lập tàu như hiện nay.

 

“Các quy hoạch đều xác định sẽ có tuyến đường sắt vành đai, có tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm (Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội - đi vào phía Nam). Với các tuyến này, có thể kết nối tàu khách liên vận quốc tế từ Đồng Đăng về tận ga Hà Nội. Hơn nữa, tàu tốc độ cao sau này cũng vào trung tâm ga Hà Nội, giống như tàu TGV của Pháp vào ga trung tâm Paris, như tàu Shinkansen vào Tokyo”, Thứ trưởng Đông nói.

 

Về tổ chức giao thông, đối với tuyến xuyên tâm, chức năng chủ yếu là vận tải khách. Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể đã kết hợp đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị trên trục này. Từ ga Hà Nội có thể đi tất cả các hướng phía Bắc và phía Nam, thậm chí cả kết nối vận tải liên vận quốc tế.

 

“Ga Hà Nội được xác định là ga trung tâm, các tuyến khác sẽ kết nối vào đây để giải tỏa khách hoặc cung cấp khách. Như tuyến số 3 đường sắt đô thị Hà Nội từ Nhổn về Trần Hưng Đạo cũng đi qua ga Hà Nội. Các phương thức giao thông khác như xe buýt cũng kết nối tại đây; các tuyến đường sắt đô thị sẽ đi qua hoặc kết nối về ga Hà Nội, hình thành các bến tàu điện từ đó đi các hướng”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết thêm, vị trí, vai trò ga Hà Nội đã có cả quá trình phân tích số liệu dự báo, điều tra xã hội, đánh giá khảo sát về tình hình phát triển KT-XH, phát triển không gian đô thị, tổ chức giao thông để đưa ra các phương án tổ chức giao thông, luồng tuyến.

 

“Vị trí ga Hà Nội hiện nay với quy hoạch như vậy phù hợp với cả trước mắt và tương lai lâu dài. Tương lai, tàu đi trên cao hoặc đi ngầm nên tàu vào trung tâm ga Hà Nội là chuyện rất bình thường. Như vậy, việc tổ chức giao thông mới không bị rối. Rời ga Hà Nội với vai trò là trung tâm kết nối, tất cả các tuyến, nhánh khác phải thay đổi hướng tuyến để đến đó, làm mạng lưới sẽ rối lên. Còn nếu đưa ga Hà Nội ra khỏi nội đô, ví dụ tại Ngọc Hồi hay Yên Viên, việc tổ chức chạy tàu, tổ chức vận tải rất khó khăn, phải đi vòng bao nhiêu cây số và quan trọng hơn là đầu mối đón khách lẻ tẻ thế ai đi”, Thứ trưởng Đông nói thêm.

 

Ùn tắc do không thực hiện đúng quy hoạch

 

Chia sẻ thêm với Báo Giao thông xung quanh việc tổ chức giao thông, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, xảy ra ách tắc giao thông tại các giao cắt đồng mức đường bộ - đường sắt hiện nay là do chúng ta chưa thực hiện đúng quy hoạch.

 

“Những khó khăn của giao thông đô thị hiện nay hầu hết đều do chưa thực hiện đúng quy hoạch GTVT nói chung, quy hoạch giao thông đường sắt nói riêng”, ông Hoạch nói và cho biết, ngành Đường sắt đã xây dựng giờ tàu đi và đến tránh vào các giờ cao điểm. Đa số các chuyến tàu xuất phát tại ga Hà Nội vào sáng sớm, trước 6h và vào buổi tối. Tàu về ga Hà Nội cũng vào ban đêm, sáng sớm. Chỉ trừ một số ít mác tàu khách Thống Nhất là đi, đến vào ban ngày nhưng cũng không vào giờ cao điểm.

 

Cũng theo ông Hoạch, đường sắt cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như: Làm đường gom để giảm thiểu đường dân sinh qua đường sắt, giảm giao cắt; Đầu tư các thiết bị công nghệ như lắp đặt cần chắn tự động tại đường ngang cảnh báo tự động, lắp dàn chắn điện tại các đường ngang có gác để đường ngang nhanh thanh thoát. Tại các giao cắt có lưu lượng giao thông cao, đường sắt đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, trong đó có đường bộ, thực hiện kết nối tín hiệu đường bộ với tín hiệu đường sắt để tổ chức giao thông, phân luồng phương tiện đường bộ, tránh ùn tắc tại các giao cắt mỗi khi có tàu qua. Khu vực Hà Nội có hơn 10 điểm đã khảo sát, cần phải kết nối, tuy nhiên địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện.

 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, xảy ra tình trạng ùn tắc hiện nay là do đường sắt hiện hữu chạy trên mặt đất. Sau này, khi đoạn ga Hà Nội - Ngọc Hồi của tuyến số 1 là đường đôi, đi trên cao hoàn thành, đường sắt quốc gia hiện hữu trên đoạn này không sử dụng nữa sẽ không có tàu đi qua các giao cắt cùng mức giữa đường bộ - đường sắt như hiện nay nên không ảnh hưởng ùn tắc.

 

Theo Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH