Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi Họp báo
Thông báo tới đông đảo đại diện các cơ quan truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong 9 tháng năm 2018, Bộ GTVT đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành GTVT với các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ; đến nay, hầu hết các mặt công tác của Bộ GTVT đều hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Về công tác xây dựng văn bản QPPL, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12 văn bản QPPL, đạt 100% kế hoạch. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ KH&ĐT tập trung hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến Luật Quy hoạch trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. Bộ trưởng đã ban hành theo thẩm quyền 51 thông tư và phê duyệt 03 đề án.
Công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Đã tổ chức thành công hội nghị toàn quốc về logistics lĩnh vực GTVT, tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông và đang tích cực triển khai kế hoạch thực hiện của Bộ; ban hành kế hoạch phát triển logistics trong lĩnh vực GTVT khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về công tác đầu tư, phát triển KCHTGT: Đã hoàn thành 13 công trình, dự án để đưa vào khai thác, trong đó có các dự án trọng điểm như cầu Cao Lãnh, đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...; hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công 15 công trình, dự án. Các dự án trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, đầu tư, xây dựng CHKQT Long Thành, thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng... được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bám sát tiến độ, kế hoạch đề ra. Kết quả giải ngân các dự án ước đạt 21.326 tỷ đồng, đạt 60,21% kế hoạch năm 2018. Đã lập, trình quyết toán 28 dự án vốn NSNN, đạt 80% kế hoạch và 06 dự án BOT; đã phê duyệt quyết toán 53 dự án vốn NSNN, đạt 115% kế hoạch và hoàn thành thẩm tra 05 dự án BOT.
Đã kịp thời ban hành và triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (đã trình Chính phủ 09 dự thảo Nghị định liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT); ban hành kế hoạch và triển khai công tác rà soát, cắt giảm danh mục sản phẩm hàng hóa, TTHC về kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT (đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT và Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 để triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Đã phê duyệt Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT, theo đó, số thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa là 201 TTHC/Tổng số 486 TTHC của Bộ đạt 41,3% (cắt giảm 35 TTHC, đơn giản hóa 166 TTHC)…
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thông tin tới các nhà báo, các cơ quan truyền thông về nhiệm vụ trọng tâm Quý IV của Ngành GTVT. Theo Thứ trưởng, Bộ GTVT sẽ tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục bám sát Chương trình hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết số 01, 19, 35, 36a... của Chính phủ, toàn ngành tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Quý IV và cả năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực với một số nhiều giải pháp đồng bộ.
Tại buổi Họp báo Quý III/2018 do Bộ GTVT tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo đại diện cho các cơ quan truyền thông quan tâm đến nhiều lĩnh vực của Ngành GTVT.
Trả lời về phương án thu phí tại Cai Lậy của Báo Pháp luật TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, sau khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo. Bộ GTVT sau đó cũng đã làm việc nhiều lần với các cơ quan của Tiền Giang và các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến về phương án xử lý.
“Nhà nước chắc chắn không có kinh phí để mua lại. 2 phương án còn lại là giữ nguyên trạng, giảm thu phí và đặt trạm ở 2 tuyến và thu phí độc lập trên cơ sở đầu tư của từng tuyến là khả thi hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin đồng thời cho biết Bộ GTVT đang tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ VN hoàn thiện phương án để quyết định trong thời gian tới.
Liên quan đến đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm tại dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016 và Nghị định 30/2013 liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, Bộ đã giao Cục Hàng không VN nghiên cứu cũng như tham vấn ý kiến của chuyên gia và nhận thấy tuổi tàu bay bay hành khách và hàng hoá của Việt Nam ngay cả khi ngay cả khi đã “nới” cũng chưa bằng trung bình của thế giới để dừng khai thác.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cũng cho biết, cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chưa có điều kiện về năng lực, trình độ và cơ sở hạ tầng kiểm tra, giám sát tình trạng đủ điều kiện bay của đội tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam và nên hạn chế tuổi tàu ở mức 20 năm khi kết thúc hợp đồng thuê.
Hiện, năng lực kiểm tra, giám sát an toàn được nâng lên do có sự hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các tổ chức giám sát an toàn như Cục Hàng không liên bang Mỹ FAA, Hiệp hội IASA của Châu Âu... Ngoài ra công nghệ cũng giúp đảm bảo thời gian hoạt động tuổi thọ của tàu bay lớn hơn.
Cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng trả lời các vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm như việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long; Kết quả xử lý “quỹ đen” của Cục Đường thuỷ nội địa; việc nhiều hãng taxi hoạt động theo hình thức hợp đồng điện tử có ứng dụng công nghệ cao; Sửa chữa cầu Vàm Cống…