Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam là dự án rất lớn, ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội đất nước. Dự án đã được nghiên cứu từ năm 2005, năm 2010 đã trình Quốc hội nhưng chưa được thông qua.
Sau đó, năm 2011-2013, Nhật Bản hỗ trợ nghiên cứu bổ sung, năm 2017, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu cập nhật dự án để báo cáo Chính phủ. Dự kiến, năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội, nếu được Quốc hội thông qua sẽ mất thêm 5-7 năm nghiên cứu triển khai. Nếu triển khai, sẽ thực hiện trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh (Nghệ An) và TPHCM - Nha Trang (Khánh Hòa), mục tiêu đưa vào sử dụng năm 2030; tới năm 2040 hoàn thành toàn tuyến.
Về công nghệ, theo ông Đông, hiện đơn vị tư vấn nghiêng về phương án chọn công nghệ của Nhật Bản, nhờ ưu thế thiết kế tàu nhỏ gọn hơn các nước khác, nên chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Toàn tuyến được thiết kế tốc độ khai thác 350km/h, nhưng ở giai đoạn đầu với 2 đoạn tuyến làm trước sẽ chỉ khai thác khoảng 200km/h, khi hoàn thành toàn tuyến Bắc - Nam mới khai thác tốc độ tối đa. Cùng với đó, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ được thiết kế riêng, chỉ chở hành khách, còn tuyến đường sắt hiện nay sẽ nâng cấp để chuyên chở hàng hóa. Ông Đông cũng nghiêng về lựa chọn công nghệ tàu tiếp xúc đường ray thay vì tàu điện từ. “Dù chúng ta tính toán cho tương lai, nhưng công nghệ điện từ hiện ít nước làm và vẫn trong thời kỳ thí điểm. Chi phí của tàu điện từ cũng lớn hơn rất nhiều các công nghệ khác. Do đó, chúng ta cũng phải tính toán”, ông Đông nói.
Theo đại diện Bộ GTVT, tính toán sơ bộ hiện nay chi phí đầu tư bình quân 1km đường sắt tốc độ cao từ 30 đến 35 triệu USD (riêng Trung Quốc khoảng 25-27 triệu USD); dự kiến 2 đoạn làm trước của Việt Nam khoảng 9-10 tỷ USD/đoạn. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 55-56 tỷ USD. Ngoài ra, để nâng cấp đường sắt hiệu hữu phục vụ vận tải hàng hóa, cần thêm khoảng 1,8 tỷ USD.
Đặc biệt, Bộ GTVT cũng không loại trừ mời gọi đầu tư tư nhân theo dạng BOT vào một số cấu phần của dự án như toa xe, một số nhà ga trung tâm... “Hiện cũng có một số nước làm BOT với đường sắt tốc độ cao, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm. Việc kêu gọi BOT vào công đoạn nào sẽ được đưa cụ thể trong báo cáo nghiên cứu dự án”, ông Đông nói. Ngoài ra, theo ông Đông, hiện cơ quan liên quan cũng đang nghiên cứu về các phương án huy động vốn, ảnh hưởng
nợ công...
Theo báo cáo của liên danh nhà đầu tư, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam dài 1.545 km, nội Hà Nội và TPHCM, đi qua 20 tỉnh thành, với 24 ga (mỗi tỉnh tối thiểu 1 ga), 5 depot, 40 trạm bảo dưỡng. Trong đó, 70% tuyến đường tàu đi trên cầu cạn và hầm. Khi đi vào khai thác, giá vé dự kiến bằng 75% giá vé máy bay trên cùng chặng.
Toàn tuyến được thiết kế tốc độ khai thác 350km/h, nhưng ở giai đoạn đầu với 2 đoạn tuyến làm trước sẽ chỉ khai thác khoảng 200km/h, khi hoàn thành toàn tuyến Bắc - Nam mới khai thác tốc độ tối đa.