Ở bản Sam Lang (Điện Biên) khi biết chuyện cô và trò phải chui vào túi nylon để vượt suối thì đã có ngay lời hứa của Bộ trưởng GTVT: Sẽ xây ngay một cây cầu dân sinh trị giá 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện ở tỉnh này có tới gần 60 điểm chưa có cầu treo dân sinh hoặc xuống cấp nghiêm trọng, người dân và nhất là các cháu bé đang phải đối mặt với tử thần.
Từ sau vụ "túi nylon”, cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã tổ chức rà soát và phát hiện được
có tới 60 điểm "đen” như vậy trên toàn tỉnh
Bất ngờ có một cây cầu
Bản Sam Lang là bản khó khăn nhất của xã Na Hỳ, nằm cách trung tâm xã tới 17km, bị cách trở bởi con suối Nậm Pồ rộng tới 80m, ngày đêm nước chảy xiết, thuyền bè không qua lại được. Trường học ở bên kia con suối, vậy là ngày ngày người dân, học sinh, thày cô giáo phải vượt suối bằng... túi nylon.
Khi biết tin, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quyết định đầu tư 3,5 tỷ đồng từ nguồn của Bộ GTVT để làm ngay cây cầu treo dân sinh cho bà con. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký quyết định giao nhiệm vụ cho Sở GTVT Điện Biên làm chủ đầu tư, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung ứng vốn để xây dựng cầu.
Cô giáo Tòng Thị Minh là người vượt suối trong… túi nylon, Bà con dân bản Sam Lan coi cô là người "mang về” một cây cầu treo dân sinh, tránh được hiểm họa rình rập mùa nước lũ. Khi làm việc với Đại Đoàn Kết, ông Nghiêm Quang Thực - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cũng phải thốt lên: "Đúng là phải cảm ơn cô Minh. Nhờ cô mà người dân nơi đây có ngay một cây cầu trị giá 3,5 tỷ đồng...’.
Tuy nhiên, điều mà Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên còn băn khoăn là có cầu nhưng không có đường thì người dân và các cháu học sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều lo lắng của ông Thực là có cơ sở, bởi trên nguyên tắc thì các cầu treo dân sinh, các tuyến đường từ tỉnh lộ trở xuống đều thuộc trách nhiệm của tỉnh phải xây dựng, Bộ GTVT chỉ chịu trách nhiệm đường quốc lộ.
Cầu tạm bằng tre nứa của người dân bản Sam Lang,
xã Na Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên
Không có cầu vì khó khăn?
Trước sự quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Sở GTVT Điện Biên cũng không còn cách nào khác là xắn tay vào cuộc. Ngay trong ngày 18-3, Sở GTVT Điện Biên đã kiểm tra hiện trường và có Báo cáo số 790 gửi Bộ GTVT. Theo biên bản kiểm tra hiện trường của Sở GTVT Điện Biên, trong mùa cạn, nhân dân, thày cô và học sinh qua suối Nậm Pồ bằng cầu tre nứa và lội suối. Trong mùa mưa, cầu tạm này sẽ bị nước cuốn trôi, do đó giáo viên, học sinh tại bản Sam Lang phải đi qua suối bằng cách chui vào túi nylon, rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết, bản Sam Lang không phải là nơi duy nhất chưa có cầu treo dân sinh khiến người dân phải đối mặt với nguy hiểm, mà ở các huyện khác, ngay cả TP Điện Biên cũng còn rất nhiều điểm cần xây dựng cầu treo dân sinh phục vụ người dân. "Hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang là một vấn đề nan giải. Hiện còn rất nhiều điểm cần xây dựng cầu treo, trong khi kinh phí của tỉnh lại hạn hẹp...” - ông Thực cho biết.
Và để lý giải cho việc giáo viên và học sinh phải chui vào túi nylon vượt suối, ông Thực cho rằng, có rất nhiều điểm cần xây dựng cầu, biết xây dựng ở chỗ nào trước, chỗ nào sau? Hơn nữa, thực trạng giáo viên và học sinh bản Sam Lang phải chui vào túi nylon vượt suối cũng không thấy huyện Nậm Pồ báo cáo với UBND tỉnh và Sở GTVT để có kế hoạch ưu tiên đầu tư xây đựng cầu. "Theo khảo sát của chúng tôi thì hiện toàn tỉnh Điện Biên hiện có gần 60 điểm cần xây dựng gấp cầu treo dân sinh để phục vụ việc đi lại của người dân, tránh những hiểm họa đe dọa tính mạng và tài sản. Tuy nhiên, hàng năm tỉnh Điện Biên chỉ thu được khoảng 20 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ, trong khi để đầu tư 60 cây cầu treo dân sinh phải chi phí gần 290 tỷ đồng...” - Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên phân trần.
Từ sau vụ "túi nylon”, cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã tổ chức rà soát và phát hiện được có tới 60 điểm "đen” như vậy trên toàn tỉnh. Vậy nhưng cho tới thời điểm này, ngoài cây cầu treo dân sinh mà Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa xây dựng tại bản Sam Lang, thì có tới 60 điểm nữa vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Chỉ với lý do tỉnh còn nghèo, kinh phí hạn hẹp, người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi trong khi nguy hiểm rình rập. Vấn đề ở chỗ người dân còn phải chờ đến bao giờ, liệu trước khi các cây cầu treo dân sinh được xây dựng, có xảy ra những thảm cảnh đau lòng?
Liên quan đến việc giáo viên và học sinh tại bản Sam Lang, xã Na Hỳ, huyện Nậm Pồ phải chui vào túi nylon vượt suối, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Điện Biên, để nắm thêm thông tin. Tuy nhiên, một Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã thẳng thừng từ chối làm việc với lý do không được Giám đốc Sở ủy quyền. Chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT và Chánh Văn phòng Sở nhưng đều bị từ chối làm việc với lý do... đi họp.