Tham gia Đoàn còn có các ông Trịnh Xuân Hùng – nguyên Giám đốc Sở GTVT Sơn La, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam; các ông, bà nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ hiện là lãnh đạo Văn phòng hội tại Cần Thơ; lãnh đạo Văn phòng Hội tại TP.HCM và Viện Công nghệ xây dựng Cầu đường phía Nam.
Tại Tuyên Quang, Đoàn đã tham quan Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Tân Trào gồm cụm di tích Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào và Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức dâng hương (ảnh trên) và Đoàn công tác của Hội tại Di tích lán Nà Lừa
Dâng hương tại lán Nà Nưa, Đoàn công tác đã bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn công lao to lớn của Bác, vị thiên tài của Đảng ta, nhân dân ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tại căn lán Nà Nưa đơn sơ, Bác đã ở, làm việc, lãnh đạo cuộc Cách mạnh Tháng Tám thành công.
Đoàn công tác cũng đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các vị tiền bối cách mạng - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Đoàn công tác của Hội trước Nhà tưởng niệm 14 vị tiền bối cách mạng
Tại Hà Giang, Đoàn đã thăm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên ở xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên). Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sỹ và một mộ tập thể các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Nơi đây có một bia đá khắc 9 chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức ghi lưu bút truyền thống tại Nhà tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên
Nơi đây là địa chỉ đỏ, sự tri ân, ghi nhớ công ơn đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn". Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên thực sự trở thành "ngôi nhà chung" của các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra.
Chiến tranh đã đi qua, nhân dân đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi khi tại mặt trận Vị Xuyên hiện còn hơn 1.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, chưa thể cất bốc và quy tập trở về với quê hương, gia đình và đồng đội.
Đoàn Công tác thực hiện Nghi thức tưởng niệm tại Nghĩa trang Vị Xuyên
Với Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên trước đây có tên là Đài hương tưởng niệm 468 (cao điểm 468), được xây dựng trên diện tích hơn 1.100 m2, thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Đền thờ này bao gồm: nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác.
Nhà Tưởng niệm nằm nghiêm trang bên vách núi đá dựng, đây còn có tên gọi khác là cao điểm 468. Ngày nay, hàng năm vào ngày "giỗ trận" 12/7 và ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Đền thờ lại thu hút đông đảo thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh tìm về dâng hương tưởng nhớ.
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức thỉnh chuông trước khi làm lễ tưởng niệm ở Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên
Đoàn dâng hương tại Đền thờ
Theo thống kê, từ các đầu mối tham gia chiến đấu tại Hà Giang, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989 có trên 4.100 chiến sĩ hy sinh tại đây. Tuy nhiên, máu của các chiến sĩ đã tô thắm lá cờ truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, hòa vào lòng đất mẹ để Tổ quốc mãi mãi bình yên và trường tồn như hôm nay. Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, Đền thờ đã trở thành nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước đối với các thế hệ trẻ.
Đoàn nghe thuyết minh về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở Mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979 đến năm 1989
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức và Đoàn công tác đã được các Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị xuyên tổ chức lễ tưởng niệm trang nghiêm, thành kính. Thay mặt Đoàn, Chủ tịch Ngô Thịnh Đức đã bày tỏ tri ân, ghi nhớ công ơn đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là hoạt động được lãnh đạo Hội KHKT Cầu đường Việt Nam luôn quan tâm, thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Tại Hà Giang, Đoàn công tác của Hội cũng đã đến thăm, tặng quà Đồn Biên phòng Lũng Cú tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, địa điểm cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Trung tá Kim Xuân Giang và các cán bộ, chiến sỹ đã tiếp Đoàn.
Trung tá Kim Xuân Giang cho biết, từ khi thành lập đến nay, trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đồn Biên phòng Lũng Cú
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức và Đoàn Công tác thực hiện nghi thức chào cờ ở Cột cờ Lũng Cú.
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức cám ơn Đồn, chúc cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phát huy truyền thống của một đơn vị có bề dày lịch sử, bảo vệ tuyệt đối chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Tại Lũng Cú, Đoàn cũng đã được tham quan Cột cờ quốc gia Lũng Cú và thực hiện nghị lễ chào cờ Tổ quốc.
Lên đến đỉnh cột cờ Lũng Cú, ngắm nhìn lá cờ đang tung bay trong gió và toàn bộ cảnh Hà Giang bên dưới các thành viên trong Đoàn công tác đều thấy thêm tự hào dân tộc và tình yêu đối với quê hương đất nước.
Đoàn công tác của Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cũng đã tham quan nhiều địa chỉ, công trình văn hóa như hồ Na Hang (Tuyên Quang), Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Dinh thự vua Mèo ở Đồng Văn (Hà Giang)...
Chuyến công tác, tham quan, trao đổi kinh nghiệm của Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của hai sở GTVT Tuyên Quang và Hà Giang
Trong thời gian tham quan, học tập ở Tuyên Quang, Hà Giang, Đoàn đã được lãnh đạo Sở GTVT hai tỉnh đón tiếp chu đáo, cử các bộ tham gia hành trình, liên hệ với các cơ sở , tạo điều kiện tốt nhất cho Đoàn công tác của Hội.
Chuyến tham quan và trao đổi kinh nghiệm tại Hà Giang, Tuyên Quang của Trung ương Hội KHKT Cầu đường và các đơn vị thuộc Hội đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn, tăng thêm hiệu quả kết nối giữa Hội và các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải ở địa phương./.