Tính chung cho 27 nước thuộc EU và Mỹ, tổng số tấn hàng hóa trao đổi qua đường biển, đường hàng không tiếp tục dưới mức trao đổi trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2008 nổ ra. Cụ thể, giao dịch hàng hóa qua đường biển và hàng không của 27 nước thuộc EU tính đến hết tháng 12/2013 lần lượt giảm 2% và 5% so với thời điểm tháng 6/2008. Con số này đối với Mỹ là 7% và 3%. Tổng cầu ở các nước phát triển ở mức thấp. Đơn cử như ở Mỹ, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ giảm trong năm 2013 (so với năm 2012) và giảm 27% so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Trái ngược với bức tranh vận tải tại Mỹ và EU, châu Á lại có những bước tiến đáng kể trong bản đồ vận tải thế giới. Xuất khẩu từ EU và Mỹ sang châu Á lần lượt tăng 53% và 30% so với thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra.
Ở khu vực Nam Mỹ, Brazil nổi lên như là một điểm sáng. Tổng khối lượng hàng hóa trao đổi qua đường biển tại Brazil tăng 23% so với trước khủng hoảng thế giới. Trong đó, đặc biệt phải kể tới khối lượng hàng hóa nhập khẩu vào Brazil. Để chuẩn bị cho kỳ World Cup 2014 sắp tới, Brazil đã tiến hành nhập khẩu khá nhiều hàng hóa về xây dựng và cơ sở hạ tầng vì vậy, khiến tổng khối lượng hàng hóa trao đổi tại Brazil tăng mạnh trong năm vừa qua. Tuy vậy, tổng khối lượng hàng hóa trao đổi qua đường hàng không tại Brazil giảm đi 7% so với trước khủng hoảng.
Về vận tải qua đường tàu hỏa, Nga tiếp tục thống trị thị trường vận tải đường tàu hỏa với tổng khối lượng hàng hóa trao đổi với Trung Quốc tăng mạnh trong năm vừa qua. Trong khi đó, vận tải bằng đường tàu hỏa có xu hướng giảm mạnh tại EU trong năm 2013.
Tại Việt Nam, sau thời gian tăng trưởng mạnh, số lượng tàu tăng lên nhanh chóng đã làm mất cân đối giữa cung và cầu tàu biển khiến sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Giá cước vận tải duy trì ở mức thấp và kéo dài dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển ở cả trong nước và quốc tế kinh doanh thua lỗ, phải bán tàu. Thậm chí một số đơn vị bị phá sản, số lượng tàu bị bắt giữ để siết nợ ngày càng tăng, nhiều tàu phải ngừng hoạt động do không có kinh phí duy trì bảo hiểm, nhiên liệu, lương thuyền viên.