CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Điện Biên: Quy hoạch giao thông tạo đột phá phát triển

2019/12/14 20:52 - Nguồn: Báo Điện Biên

Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hướng tới hiện đại về kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, những năm qua, Điện Biên đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch giao thông, góp phần ngày càng hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn.


 Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ 2 thi công cắt cua trên quốc lộ 12,

thuộc địa phận xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông). Ảnh: Văn Tâm
 
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 8.200km giao thông, 6 tuyến quốc lộ, 20 tuyến tỉnh lộ, 102 tuyến đường huyện và trên 5.000km đường xã, thôn, xóm, nội đồng; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Thời gian qua, nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, như: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279 (đèo Chiến Thắng - Minh Thắng); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12 đoạn Mường Chà - TP. Ðiện Biên Phủ; đường Si Pa Phìn - Mường Nhé (Km0 - Km100+200)...
 
Trên thực tế, để phát triển kinh tế thì giao thông luôn phải đi trước một bước. Xác định rõ điều đó và căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngày 4/2/2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định 44/QÐ-UBND phê duyệt Ðiều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030. Ðây là cơ sở để mạng lưới giao thông vận tải được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo liên kết hợp lý, hoàn chỉnh, đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tuyến đường huyết mạch, trọng yếu theo quy hoạch đã phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Mục tiêu của quy hoạch là nâng cấp đồng bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V. Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 80% đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại. Ðối với giao thông đô thị, phát triển mạng lưới giao thông phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo quỹ đất cho giao thông đạt từ 18% - 23% đất xây dựng đô thị. Những trục phố chính đạt quy mô 4 - 6 làn xe trở lên; những tuyến nhánh có quy mô ít nhất 2 làn xe, hệ thống công trình phụ trợ đảm bảo hiện đại, mỹ quan…
 
Theo quy hoạch và phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030, toàn tỉnh dự kiến có 31 dự án đầu tư, nâng cấp và cải tạo giao thông. Trong đó, hệ thống quốc lộ dự kiến nâng cấp, cải tạo 353km, bao gồm: Quốc lộ 6 với tổng chiều dài 115km, đoạn từ Tuần Giáo - TX. Mường Lay và đoạn từ đèo Pha Ðin - Tuần Giáo; quốc lộ 279 dự kiến nâng cấp, cải tạo toàn tuyến, thảm lại mặt đường bê tông nhựa với chiều dài 135km và nâng cấp, cải tạo quốc lộ 12 với chiều dài 103,5km. Ðối với quy hoạch và phân kỳ đầu tư đường tỉnh, dự kiến trong giai đoạn này sẽ đầu tư, nâng cấp và cải tạo 764km, bao gồm: Duy trì nâng cấp, cải tạo lại mặt đường đoạn Na Son (xã Na Son) - Trại Bò (xã Keo Lôm) huyện Ðiện Biên Ðông; nâng cấp, cải tạo mặt nhựa đối với đoạn Búng Lao (xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) - Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) với chiều dài 38km; nâng cấp, cải tạo, mặt nhựa đối với đoạn Chiềng Sinh - Mường Thín - Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) với chiều dài 26km...
 
Thách thức lớn nhất đối với phát triển hệ thống giao thông hiện nay vẫn là nguồn lực thực hiện. Theo dự kiến ban đầu sẽ cần đến hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo các dự án theo quy hoạch. Cụ thể, tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện quy hoạch giao thông là 51.696 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 là 8.584 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 14.629 tỷ đồng và giai đoạn 2020 - 2030 là 28.483 tỷ đồng. Ðể có nguồn lực thực hiện cần phát huy tốt nội lực, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương cho giao thông; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư từ nhiều nguồn vốn hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ðầu tư liên danh, liên kết, hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP). Ðẩy mạnh huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt là đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới; thực hiện xã hội hóa trong huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển giao thông nông thôn, nâng mức hỗ trợ của tỉnh cho đầu tư xây dựng và cứng hóa đường giao thông nông thôn. Có chính sách phù hợp nhằm thu hút các hoạt động kinh doanh vận tải như: Ưu đãi về vốn đầu tư phương tiện, thuế, cơ sở hạ tầng...
 
Bức tranh toàn cảnh về mạng lưới giao thông trên địa bàn Điện Biên trong những năm tới đã được phác thảo bằng những quy hoạch tương đối rõ ràng. Với sự quyết liệt của các cấp, ngành, kỳ vọng sẽ hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thông suốt và có tính kết nối cao trong tương lai, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH