CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Đường hằn lún trước 4 năm, nhà thầu phải đền

2015/3/25 9:46

Chất lượng các dự án mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang được Bộ GTVT kiểm soát rất chặt chẽ, đồng bộ. Trước đây, thời hạn bảo hành công trình chỉ hai năm, nay được nâng lên bốn năm.


Tại dự án Nam cầu Bến Thủy II - Tuyến tránh Hà Tĩnh, chủ đầu tư Cienco 4 đã khắc phục

các vết hằn lún xong ngay trong năm 2014 - Ảnh: Ngọc Ngân

Chủ đầu tư BOT chịu mọi chi phí khắc phục

Liên quan đến thông tin đoạn tuyến QL1 Thanh Hóa-Hà Tĩnh vừa đưa vào khai thác hơn hai tháng đã xuất hiện hằn lún, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Triệu Khắc Dũng khẳng định là không chính xác. Thực tế đoạn đường hằn lún này là đoạn Nam cầu Bến Thủy 2 - tránh Hà Tĩnh đã khánh thành từ giữa tháng 1/2014.

Theo ông Dũng, cuối năm 2013, tình trạng hằn lún mặt đường xảy ra ở nhiều tuyến đường trên cả nước, lãnh đạo Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác định nguyên nhân, tìm các giải pháp khắc phục. Riêng các đoạn hằn lún sâu trên truyến Nam cầu Bến Thủy-tránh TP Hà Tĩnh, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) xử lý xong ngay cuối năm 2014.

"Tâm lý chung của các chủ đầu tư, nhà thầu tại các dự án, công trình giao thông hiện nay là cố gắng hết sức làm sao để bảo đảm chất lượng, nếu không sẽ bị mất tiền để khắc phục, không còn chuyện làm cho xong như trước. Trang thiết bị để thi công các công trình chưa bao giờ hiện đại như bây giờ, rất nhiều thiết bị mới được đưa vào công trường”.

Ông Hoàng Hà Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ

Chủ đầu tư đã tiến hành cào bóc phần mặt đường bị lún sâu trên 2,5cm và thảm lại bằng nhựa polymer. Đối với những đoạn mặt đường bị lún trong mức cho phép, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục quan sát, theo dõi để đưa ra các biện pháp xử lý.

Trước thông tin một số tờ báo phản ánh, đoạn phía Bắc cầu Bến Thủy đến đường phía Nam cầu Bến Thủy 2 xuất hiện nhiều điểm hằn lún vệt bánh xe với chiều sâu từ 1-2cm, ông Dũng khẳng định, về mặt kỹ thuật, đây là mức lún nằm trong giới hạn cho phép và những khu vực này đang được chủ đầu tư và các đơn vị thi công theo dõi, quan sát. Cục sẽ cho kiểm tra ngay các vị trí hằn lún sâu hơn 2,5 cm như báo chí phản ánh, nếu có phải xử lý ngay để đảm bảo êm thuận cho phương tiện qua lại.

“Đây là dự án BOT nên nếu đường hư hỏng, sau thời gian bảo hành, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí khắc phục sửa chữa trong suốt thời gian thu phí dự án”, ông Dũng cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, thực tế vài năm trước, các biện pháp thi công chưa thích hợp nên đã xảy ra hằn lún trên một số đoạn. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời. Các đơn vị đã chấp hành và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Giải pháp mà Bộ đưa ra là thay đổi bằng kết cấu mới, vật liệu mới phù hợp hơn. Thực tế, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT để khắc phục tình trạng hằn lún, hơn một năm qua, rất nhiều tuyến đường được làm mới không còn xảy ra tình trạng này.

Xe quá tải chạy trên tuyến Nam Bến Thủy - Tuyến tránh Hà Tĩnh cũng là một tác nhân gây hằn lún

- Ảnh: Ngọc Ngân

Bong tróc mặt đường đoạn qua Quỳnh Lưu không phải do thi công

Liên quan đến thông tin mặt đường bị bong tróc, hư hỏng trên QL1 đoạn qua xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu, Nghệ An), trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Duy Khánh, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 85 cho biết, nguyên nhân của sự việc là do dầu diesel của một xe tải gặp tai nạn gây ra.

Cụ thể, vào hồi 2h sáng 24/12/2014 tại Km406 + 280 đoạn đường thuộc xã Quỳnh Giang, xe tải BKS 37C-126.65 chạy hướng Hà Nội -Vinh đã đâm vào dải phân cách giữa và lật ngang đường. Mặc dù vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ dầu diesel trong động cơ của xe đã chảy ra mặt đường bê tông nhựa.

“Việc dầu diesel đổ ra mặt đường bê tông nhựa mới thi công là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa trong quá trình khai thác. Trong quá trình theo dõi, đến đầu tháng 3/2015, chúng tôi phát hiện thấy mặt đường khu vực dầu diesel loang đọng xuất hiện tình trạng bong tróc một số vị trí. Đến ngày 17/3, các vị trí bong tróc trở thành các vệt lõm có nguy cơ ảnh hưởng đến ATGT với các phương tiện lưu thông qua khu vực này”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, để xử lý tình trạng này, Ban QLDA85 đã chỉ đạo các nhà thầu cắt bỏ hết phần mặt bê tông nhựa bị bong tróc từ Km406+284-Km 406+315 với diện tích 52,5m2. Đồng thời tiến hành thi công lại lớp bê tông nhựa theo đúng hồ sơ thiết kế, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Vụ tai nạn của xe tải 37C-126.65 làm tràn dầu ra đường - Ảnh: Văn Thanh

Nâng thời gian bảo hành dự án từ 2 lên 4 năm

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, chất lượng các dự án mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) đang được Bộ GTVT kiểm soát rất chặt chẽ, đồng bộ. Máy móc, thiết bị, vật liệu đầu vào thi công đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Chẳng hạn, máy móc, thiết bị quá 7 năm không được đưa vào công trường. Nguồn vật liệu phải qua thí nghiệm mới đưa vào thi công. Chủ đầu tư, nhà thầu nào để xảy ra hiện tượng chất lượng kém đều phải chịu trách nhiệm và bị thay thế ngay. Trước đây, thời hạn bảo hành công trình chỉ 2 năm, nay được nâng lên 4 năm.

Theo ông Hoàng Hà, công tác kiểm soát chất lượng xây dựng các công trình giao thông thời gian qua được nâng lên rất nhiều. Để kiểm soát triệt để, Bộ GTVT đã thành lập các Tổ giám sát đặc biệt, vào tận các mỏ đá, trạm trộn để kiểm tra. Thực tế cho thấy, đến nay ý thức của hầu hết các nhà đầu tư, Ban QLDA, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đã được nâng lên rõ rệt.

Ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo chất lượng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đơn vị đã thành lập “đội 141”. Thành viên của đội là các chuyên gia và cán bộ có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế về vật liệu và bê tông nhựa của Việt Nam và Cuba để kiểm tra, giám sát chéo công tác giám sát chất lượng của nhà thầu, TVGS, thậm chí của cả cán bộ điều hành Ban QLDA.

“Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các đơn vị sai sót, “đội 141” có quyền yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát dừng thi công và báo cáo trực tiếp lãnh đạo Ban để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Vì vậy, chất lượng các dự án ngày càng được nâng cao, đến nay chưa xuất hiện hư hỏng lớn, đặc biệt là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe”, ông Hoàng cho hay.

Nguồn: Báo Giao thông



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH