35% tổng nguồn thu của Quỹ BTĐB T.Ư hàng năm được chuyển cho các Quỹ BTĐB địa phương
Thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông nông thôn
Thưa ông, vì sao Quỹ BTĐB T.Ư hàng năm lại dành tới 35% tổng nguồn tiền thu để hỗ trợ cho các Quỹ BTĐB địa phương?
Việc hỗ trợ của Quỹ BTĐB T.Ư cho các Quỹ địa phương thực hiện theo quy định tại Nghị định 18 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 65% tổng nguồn thu của Quỹ T.Ư hàng năm được Quỹ sử dụng chi cho bảo trì các tuyến quốc lộ, 35% được chuyển cho các Quỹ BTĐB địa phương để bảo trì hệ thống đường bộ từ cấp tỉnh trở xuống.
Vậy năm qua có bao nhiêu tiền đã được chuyển về các Quỹ địa phương?
Tổng kinh phí phân bổ về Quỹ BTĐB địa phương phụ thuộc vào nguồn thu hàng năm của Quỹ BTĐB T.Ư. Năm 2013 tổng nguồn thu là 5.600 tỷ đồng. Quỹ sẽ chuyển về địa phương 1.960 tỷ đồng. Quỹ BTĐB T.Ư đã thực hiện cấp 1.720 tỷ đồng, còn số dư 240 tỷ đồng sẽ cấp sang năm 2014 do còn một số Sở GTVT trong năm 2013 chưa thành lập Quỹ để tiếp nhận tiền hỗ trợ chuyển về. Ngoài ra, Hội đồng cũng quyết định hỗ trợ bổ sung 320,6 tỷ đồng cho công tác khắc phục các tuyến đường bị ảnh hưởng bão lũ tại một số địa phương.
Khoản tài chính hỗ trợ cho mỗi địa phương sẽ được cấp theo tiêu chí nào, thưa ông?
Theo Nghị định 18, phương án phân bổ 35% kinh phí Quỹ BTĐB T.Ư cho các Quỹ địa phương căn cứ vào chiều dài các tuyến đường, số lượng xe và hệ số đi lại khó khăn. Ngoài ra, cũng có tính tới cân đối các địa phương có điều kiện đi lại đặc biệt khó khăn, số lượng phương tiện thấp. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông bị phá hủy cũng được xem xét cấp bổ sung giúp xử lý tình huống khẩn cấp, đảm bảo ATGT.
Quan điểm của Hội đồng Quỹ và Chủ tịch Hội đồng - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng là không chỉ căn cứ theo km đường mà cần quan tâm hơn đến hệ số khó khăn, có tiêu chí rõ ràng về hệ số khó khăn để hỗ trợ được lớn hơn cho các địa phương hạn chế về nguồn thu, đường sá người dân đi lại còn nhiều khó khăn.
Với một tỉnh vùng sâu, vùng xa, mỗi năm ngân sách địa phương dành ra chưa tới 10-15 tỷ cho quản lý bảo trì đường sá, việc được phân bổ thêm 20-30 tỷ đồng là một khoản kinh phí lớn, có thể giúp cải thiện được nhiều tuyến giao thông, cải tạo được những điểm đen, hiệu quả tiền Quỹ thấy rõ.
Đồng thuận lớn từ các địa phương Vậy tiền cấp cho các Quỹ BTĐB địa phương được sử dụng cho những mục đích gì và được quản lý ra sao?
Mục đích lớn nhất của Quỹ BTĐB địa phương là để thực hiện quản lý bảo trì các tuyến đường bộ địa phương từ cấp tỉnh trở xuống gồm bảo trì thường xuyên và sửa chữa định kỳ. Các dự án cần cấp kinh phí sửa chữa hàng năm được địa phương xây dựng đề xuất lên và được xem xét trên thực tế đường sá trước khi cấp phát. Tài chính Quỹ BTĐB T.Ư cũng như địa phương được quản lý qua hệ thống kho bạc, như đối với sử dụng quản lý tiền ngân sách Nhà nước cấp. Ngoài Quỹ địa phương tự kiểm tra kiểm soát của mình, Quỹ BTĐB T.Ư cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc để đạt hiệu quả cao trong sử dụng tiền của dân đóng góp.
Theo ông, năm vừa qua tiền Quỹ BTĐB các địa phương nào được sử dụng hiệu quả nhất? Địa phương nào chưa đạt như mong muốn và tại sao?
Thực tế kiểm tra năm 2013 cho thấy tiền Quỹ đã được sử dụng có hiệu quả. Trung bình mỗi địa phương được Quỹ BTĐB T.Ư cấp 20-25 tỷ đồng/năm 2013, cải tạo được từ 3-7 công trình, quy mô tuy không lớn, song lại rất có hiệu quả với địa phương. Vì đây là những tuyến đường địa phương nhiều năm không có tiền bảo dưỡng sửa chữa, thì năm 2013 vừa qua đã có tiền để xử lý, khắc phục nên đã nhận được sự đồng thuận lớn của người dân địa phương.
Nhiều địa phương đã sử dụng tiền Quỹ BTĐB đạt hiệu quả như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Phước. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, Quỹ BTĐB phải được chính quyền và người dân quan tâm, Quỹ được thành lập sớm, bố trí được cán bộ tâm huyết có trình độ, ban hành được quy chế và kế hoạch chi tiêu khoa học, chuẩn bị kỹ dự án để khi có tiền chuyển về triển khai nhanh và hiệu quả.
Cảm ơn ông!