CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Giá khởi điểm đi cao tốc Bắc - Nam 1.500đ/km là khả thi

2017/11/1 10:21

Theo đề xuất của Chính phủ để Quốc hội thông qua, giá khởi điểm lưu thông trên cao tốc Bắc - Nam khi đưa vào khai thác là 1.500đồng/km.


Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện đang thu 1.500 đồng/pcu/km và được nhiều doanh nghiệp vận tải chọn để di chuyển - Ảnh: Tạ Tôn

Mức giá này đảm bảo hấp dẫn các doanh nghiệp vận tải và người dân vì theo tính toán, lưu thông trên cao tốc dù trả phí cao hơn vẫn có lợi hơn đi QL1.

Tính giá dịch vụ dựa trên tăng trưởng GDP

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở quy định của Luật Giá, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 2.500 đồng/xe con tiêu chuẩn (PCU)/km tương ứng với thời gian kinh doanh khoảng 24 năm và phần vốn góp Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 55.000 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, mức giá này tại thời điểm bắt đầu khai thác là khá cao, vượt quá sức chi trả của người dân, không thu hút các phương tiện nên không hiệu quả. Trường hợp áp dụng mức giá cố định khoảng 1.500 đồng/PCU/km sẽ phù hợp với sức chi trả của người dân thời điểm bắt đầu khai thác, nhưng phần vốn góp của Nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 25.380 tỷ đồng”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/PCU/km) và mức giá cụ thể cho từng thời kỳ trong vòng đời dự án làm cơ sở tính toán phần vốn góp của Nhà nước và xác định giá gói thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, khung giá dịch vụ trong thời gian kinh doanh khai thác (khoảng 24 năm) đề xuất được áp dụng như sau: Giai đoạn 2021-2023 (1.500 đồng/PCU/km), giai đoạn 2024-2026 (1.700 đồng/PCU/km), giai đoạn 2027-2029 (1.900 đồng/PCU/km), giai đoạn 2030-2032 (2.100 đồng/PCU/km), giai đoạn 2033-2035 (2.400 đồng/PCU/km), giai đoạn 2036-2038 (2.700 đồng/PCU/km), giai đoạn 2039-2041 (3.000 đồng/PCU/km), giai đoạn 2042-2044 (3.400 đồng/PCU/km).

Ông Huy cho biết, mức giá từng thời kỳ phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người được Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ KH&ĐT dự báo tại tài liệu nghiên cứu “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” xuất bản năm 2016 (GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam ở mức 5.370 USD; Năm 2035 khoảng 18.000 USD với tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm và 15.000 USD với tốc độ tăng trưởng GDP 5%/năm).

Về mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ, Ban Kinh tế T.Ư cũng đã đồng tình với đề xuất kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án nhằm xác định mức giá ban đầu hợp lý, phù hợp với sức chi trả của người dân, tăng sức hấp dẫn của dự án, làm cơ sở để đấu thầu cạnh tranh lựa chọn nhà đầu tư.

Không lo ế phương tiện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, với mức giá khởi điểm 1.500 đồng/PCU/km, chắc chắn các dự án của đường cao tốc Bắc - Nam sẽ thu hút được lượng lớn phương tiện tham gia lưu thông, bởi tính thuận tiện, an toàn vượt trội của đường cao tốc.

Hiện nay, trên tuyến QL1 đã có nhiều trạm thu phí BOT, nếu so sánh mức giá trên cùng quãng đường, đi trên cao tốc có thể phải trả cao hơn, nhưng lại tiết kiệm thời gian di chuyển, năng lực vận tải được nâng lên, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí xăng dầu, hao mòn máy móc so với QL1, chắc chắn các phương tiện vẫn lựa chọn cao tốc để lưu thông.

“Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện đang thu 1.500 đồng/PCU/km, lúc đầu nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại đi cao tốc mất phí và lựa chọn QL70 để được miễn phí. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn dự án Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác, hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên tuyến này đều chuyển sang cao tốc để di chuyển”, ông Thanh nói.

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện nay, các dự án do VEC đầu tư, quản lý, khai thác gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) đang tiến hành thu mức giá trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/PCU/km. “Những tuyến cao tốc hiện nay không phải là những tuyến đường độc đạo, bởi đều có các tuyến đường song hành khai thác từ trước, đảm bảo cho người dân có quyền lựa chọn. Các chủ phương tiện cũng chưa có ý kiến gì về giá vé trên các tuyến cao tốc, qua đó thể hiện mức giá đối với những dự án cao tốc hiện nay là hợp lý”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Mai Tuấn Anh, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam được đầu tư xây dựng mới bên cạnh QL1. Mức giá thu của các dự án được đưa ra trên cơ sở thực tế đã có và phương án tài chính. “Người tham gia giao thông được quyền lựa chọn, nếu muốn đi cao tốc, đường tốt hơn, đi nhanh hơn, an toàn hơn thì chấp nhận phải trả phí cao hơn so với QL1. Quyền quyết định và lựa chọn thế nào hoàn toàn thuộc về người tham gia giao thông, đây là điều hợp lý”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

“Đối với các dự án của VEC, lúc đầu, nhiều chủ phương tiện cũng e ngại đi cao tốc phải trả phí nhưng sau khi thấy được hiệu quả rõ rệt khi lưu thông trên các tuyến cao tốc, đa phần các chủ phương tiện đều lựa chọn cao tốc để di chuyển. Đến nay, lưu lượng phương tiện trên cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đều tăng trưởng bình quân trên 20%/năm”, ông Mai Tuấn Anh chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - đơn vị lập dự án đầu tư) cho biết, quá trình nghiên cứu, TEDI đã chạy mô hình dự báo ứng với các mức giá dịch vụ ban đầu từ 1.000 - 2.500 đồng/PCU/km cho thấy, mức giá dịch vụ phù hợp mức chi trả của người dân, đảm bảo thu hút phương tiện lưu thông trên đường cao tốc và tương đương mức giá dịch vụ trên các tuyến cao tốc đang thu phí hiện nay.

Theo ông Sơn, cơ sở tính toán chi tiết cho thấy, khi lưu thông trên cao tốc Bắc - Nam, xe con đi với vận tốc 90-100km/h mức tiêu hao nhiên liệu giảm 0,08 lít/km so với QL1. Trên quãng đường 100km, xe con tiết giảm được khoảng 3 lít xăng, xe tải lớn tiết giảm khoảng 11 lít so với QL1.

“Ngoài việc tiết giảm chi phí nhiên liệu, các phương tiện khi lưu thông trên cao tốc còn tiết kiệm được thời gian, chi phí duy tu bảo dưỡng phương tiện, giảm thiểu TNGT”, ông Sơn nói và cho biết, mức giá dịch vụ 1.500 đồng/PCU/km được tính trung bình cho toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam và mức giá dịch vụ cho mỗi dự án thành phần sẽ được xác định trong các bước nghiên cứu chi tiết tiếp theo trên cơ sở suất đầu tư, tiết kiệm nhiên liệu, so sánh với các nước để cân đối cho phù hợp.

Phải dự báo được mức giá thu dịch vụ trong vòng 24 năm

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận khung giá dịch vụ đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam là rất hợp lý. Bởi, khi tổ chức đấu thầu thì phải xác định được giá trị gói thầu và mức giá sử dụng dịch vụ. Vòng đời của các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam trung bình khoảng 24 năm, chúng ta phải dự báo được mức giá thu dịch vụ trong vòng 24 năm đó.

Mức giá của các dự án phải tính làm sao nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong 24 năm, chứ không hoàn vốn được thì chẳng ai vào đầu tư. Tuy nhiên, việc xác định giá ổn định trong 24 năm là rất khó vì chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Hiện nay, Chính phủ đưa ra khung giá trong vòng 24 năm, bắt đầu từ năm 2021 - 2045 với mức khởi điểm là 1.500 đồng/pcu/km và 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 4% là có cơ sở.

Hoài Thu (Ghi)

Theo Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH