A. NHIỆM VỤ MỚI, CƠ CẤU TỔ CHỨC MỚI
Sau ngày hòa bình được lập lại, mạng giao thông miền Bắc bị thương tổn nặng nề. Nền đường bị đào xẻ, sạt lở, Cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn và miền núi, hết sức nghèo nàn, lạc hậu; vận chuyển, đi lại chủ yếu bằng sức người và những phương tiện thô sơ trên những nẻo đường quanh co, trồi sụt .
Trong thời kỳ này, do nhiệm vụ mới của đất nước là khôi phục phát triển kinh tế miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, Quốc hội đã nghị quyết tách Bộ Giao thông Công chính ra làm 2 bộ: Bộ Giao Thông – Bưu Điện và Bộ Thủy Lợi – Kiến Trúc.
Bộ Giao thông - Bưu điện do ông Nguyễn Văn Trân làm Bộ trưởng. Bộ phụ trách các ngành vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ và bưu điện.
Cơ cấu, bộ máy tổ chức của Bộ cũng được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ, chức năng cụ thể được Chính phủ giao. Cơ cấu của Bộ bao gồm: Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Bưu điện, Nha Giao thông; Ngành vận tải Đường thuỷ; Sở Vận tải, Ty Công chính phi trường và Trường Cao đẳng giao thông công chính.
Song đến năm 1961, Tổng cục Bưu điện được tách ra, bộ Giao thông vận tải được thành lập, do ông Phan Trọng Tuệ. Ủy viên trung ương Đảng, Thiếu tướng QĐND làm Bộ trưởng.
Cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ gồm có:
- Khối cơ quan Bộ gồm: Văn phòng, Ban Thanh tra và các vụ: Tổ chức và lao động, Kế hoạch, Thống kê, Tài vụ kế toán, Kinh tế vận tải,
- Khối sản xuất gồm:Tổng cục Đường sắt, Tổng cục Giao thông thủy bộ (sau đó tách ra thành cục vận tải đường bộ và cục vận tải đường thủy), Cục Cơ khí,
- Khối xây dựng và sửa chữa cầu đường gồm: Cục công trình 1, có nhiệm vụ phụ trách xây dựng các công trình cầu đường sắt, cầu đường bộ, bến cảng thuộc vùng khu 4 cũ. Ban chỉ đạo miền Tây, sau được đổi tên thành Cục công trình 2. Cục có nhiệm vụ phụ trách xây dựng, sửa chữa cầu đường bộ, đường sắt.
- Khối cung ứng vật tư GTVT là cục: Vật tư.
- Khối viện, trường gồm: Viện Kỹ thuật giao thông, Viện Thiết kế giao thông, Trường đại học Giao thông vận tải
- Khối giao thông địa phương: Thời điểm đó các địa phương trên miền Bắc đều triển khai thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành GTVT: Sở Giao thông vận tải, nếu là thành phố, hoặc Ty Giao thông vận tải, nếu là cấp tỉnh. Từ đó bộ máy quản lý đã hình thành cấp Phòng GTVT ở các huyện và có cán bộ chuyên trách ở cấp xã.
Cơ cấu tổ chức ngành GTVT từ đây là một thể thống nhất từ Trung ương đến địa phương tạo thành sự đồng bộ, có hệ thống chỉ đạo và quản lý ngành theo lãnh thổ.
Tháng 9 năm 1954 Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng nêu rõ: “ Khôi phục nhanh chóng đường xe lửa, ô tô, vận tải sông ngòi có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Đó là điều không thể thiếu được trong việc phát triển sản xuất, phồn vinh kinh tế, làm cho giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn hoạt động”. Mặc dù kinh tế khó khăn Chính phủ vẫn đầu tư vào giao thông, vận tải, bưu điện 54,4% trong tổng mức đầu tư của Nhà nước.
B. KHÔI PHỤC CẦU ĐƯỜNG, PHÁT TRIỂN VẬN TẢI PHỤC VỤ XÂY DỰNG MIỀN BẮC CNXH
Công việc khôi phục, sửa chữa đường bộ trong thời gian đầu phải dựa vào các địa phương là chính. Đường qua địa phương nào địa phương ấy tự huy động lực lượng lao động sửa chữa tạm để phương tiện vận tải đi lại được dễ dàng, thông suốt, không bị ách tắc.
Thời kỳ này hầu hết các công ty xây dựng công trình giao thông lớn ngày nay, được thành lập thời đó. Do có lực lượng chuyên nghiệp, các đơn vị này tập trung đầu tư sửa chữa và làm mới các đường trục chính. Đường bộ được từ 6 mét trước chiến tranh, được mở rộng thành 8m trở lên. Các địa phương lo đầu tư sửa chữa và làm mới các đường tỉnh, đường huyện và các đường liên thôn bản, liên xã..
Từ năm 1955 đến 1965, có khoảng 1000km làm mới và khoảng 707km đường bộ được khôi phục sửa chữa, gồm các tuyến chủ yếu sau: Sửa chữa, khôi phục gấp các trục quốc lộ chính như: 1A, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 11, 15, 18...
Làm mới được 11 tuyến quốc lộ điển hình là các tuyến:
Tuần Giáo – Điện Biên, đường Bản Lẻng - thị xã Lai Châu, đường 217A, nối Thanh Hóa với cửa khẩu Na Mèo, đường chiến lược 16 từThạch Bàn - Làng Ho - Cù Bai, đường Hạnh phúc lên vùng cao Hà Giang đường số 15 đoạn từ Vạn Mai đi Đồng Trầu - Thanh Hóa, Sau này đường 15 này được khôi phục và mở rộng tiếp các đoạn khác để hình thành tuyến đường chiến lược Trường Sơn Đông bắt đầu từ Bãi Sang (Hòa Bình ) đi dọc miền Tây các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, hòa vào hệ thống đường Trường Sơn.
Do vốn ngân sách eo hẹp, các tuyến đường bộ làm mới, nền đường chỉ đạt 5 - 7m, mặt rộng 3 - 3,5m, phần lớn là đường đất, chỉ có một số tuyến rải mặt đá hoặc cấp phối. Những năm 60 trở đi miền Bắc mới áp dụng kỹ thuật mặt đường nhựa dưới dạng thâm nhập, bán thâm nhập hoặc láng nhựa. Các tuyến đường bộ khôi phục, sửa chữa và làm mới ở thời kì này đều chưa được phân loại. Những năm sau này mới có quy định tiêu chuẩn kĩ thuật cho loại đường, cấp đường, theo đó để thiết kế, thi công. Theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải ban hành thì đường bộ hiện có ở thời kì ấy thuộc vào cấp 4, cấp 5 đường miền núi.
Nhìn chung tình trạng kĩ thuật các tuyến đường địa phương thời gian này là mới được cải thiện một bước những đoạn, tuyến quanh các thị xã, thị trấn, những nơi đông dân cư, lưu lượng phương tiện và người đi lại lớn. Nhưng tiêu chuẩn kĩ thuật nền mặt đường chưa được mở rộng và nâng cấp. Nền đường thường rộng 4 - 5m, mặt đường 3 - 5m, hầu hết làm bằng cấp phối hoặc đất.
Mạng giao thông đường bộ đến năm 1964, toàn miền Bắc đã có 10585km đường ô tô và 2700 chiếc cầu lớn, trong đó 5373km đường do TW quản lý và 5212 do địa phương quản lý. Đường giao thông trên miền Bắc nước ta có đặc điểm qua rất nhiều sông, suối từ phía tây chảy ra Biển Đông, khi mưa lũ đổ về dễ phá hoại cầu cống, các nền mặt đường. Ở các tuyến đường chạy dọc ven chân núi, mưa lũ đã gây sạt lở làm tắc đường.
Đến Năm 1964 ở miền Bắc đã có 1748 xe ôt ô hoạt động. Chỉ riêng phương tiện vận tải đường bộ quốc doanh, từ 30 đầu xe trong thời kỳ kháng chiến, đến năm 1964 đã có 763 xe. Xe công tư hợp doanh là 985xe. Lực lượng vận tải quốc doanh tạo điều kiện tốt cho việc điều tiết giá cước, đảm bảo chuyển vận hàng hóa trên các cung đường xa.
C. KHÔI PHỤC ĐƯỜNG SẮT
Tại miền Bắc năm 1954, Hệ thống đường sắt bị bóc dỡ hầu hết, gần như toàn bộ cầu cống, nhà ga bị phá sập. Trong 1152km đường sắt chỉ có 118km Hà Nội – Văn Điển và Hà Nội - Hải Phòng là có thể sử dụng được.
Những năm khôi phục đường sắt, ngoài củng cố tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngành GTVT đã khôi phục, lần lượt bốn tuyến đường sắt với tổng chiều dài 657km, 75 ga chính và ga xép, 168 cầu cống đã được phục hồi, nối Thủ đô với các miền đất nước .
Trong đó khôi phục được 3 tuyến gồm: Hà Nội – Mục Nam Quan, Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội – Vinh và 1 tuyến đường goòng Đức Thọ (Hà Tĩnh) - Đò Vàng (Quảng Bình) dài 100km. Làm mới 2 tuyến: Đông Anh – Thái Nguyên dài 54km và Pom Hán – Làng Giàng dài 4km.
Trong các tuyến đường sắt trên khó khăn nhất là khôi phục nhiều cây cầu lớn như: Hàm Rồng (Thanh Hóa), Yên Xuân, Rào (Nghệ An), Việt Trì (Phú Thọ) và Phủ Lạng Thương ( Bắc Giang)... Trong đó khó khăn nhất là xây dựng cầu Hàm Rồng. Tại đây lần đầu tiên thợ cầu Việt Nam, đã hạ cọc đường kính lớn bằng phương pháp chở nổi và đổ bê tông cốt thép trong lòng cọc, lắp hẫng dàn dầm thép.
Ngày 28/2/1955 ta đã nối thông được tuyến đường sắt Hà Nội – Bằng Tường (Trung Quốc) trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.
Tiếp đến ngày 1/8/1955 tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Bắc Kinh - Mát-xcơ-va –Beclinh được đưa vào sử dụng.
Ngày 31/8/1955 thông tàu hỏa đến Bắc cầu Hàm Rồng. Sau khi xây dựng xong cầu Hàm Rồng ngày 19/5/1964, tuyến đường sắt Hà Nôi – Vinh được khôi phuc. Trên đoạn đường sắt Vinh - Quảng Bình, do có nhiều cầu lớn khó khắc phục, ta chủ trương làm đường goòng, do vậy cùng với thông tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh, đoạn đường goòng Vinh –Quảng Bình cũng được khơi thông. Đồng thời nhánh đường sắt Cầu Giát – Thái Hòa dài 58km cũng được xây dựng.
Trong thời gian chưa đầy 10 năm, mạng lưới đường sắt miền Bắc được khôi phuc, phục vụ đắc lục chi công cuộc khôi phục kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương của người dân.
Trong khi đó ở miền Nam, giai đoạn này, hệ thống đường sắt bị hư hỏng nặng, có nhiều đoạn không thể khai thác được.... Đến năm 1964 mức độ khai thác đường sắt tụt giảm đáng kể.
D. TRÊN LĨNH VỰC KHÁC
Ngành đã nạo vét hơn 6 triệu mét khối sa bồi ở cửa sông, đưa hai cảng lớn Hải Phòng, Bến Thủy vào hoạt động. Hệ thống cảng biển được khai thác và vận tải đường biển được phát triển. Dọc các luồng sông Thao, sông Luộc, sông Thương... nhân dân đôi bờ dỡ thác, phá ghềnh, bỏ “kè kháng chiến”, tạo điều kiện cho thuyền bè xuôi ngược, nối kết miền núi với đồng bằng. Mạng lưới sông đã hình thành hòa nhập với hệ thống sông Hồng và Thái Bình, vận tải thủy được phát triển, các cơ sở cơ khí thủy được hình thành.
Thời gian này ở miền Bắc có 7 sân bay, nhưng chỉ có sân bay Gia Lâm hoạt động, còn các sân bay khác như Cát Bi, Bạch Mai, Vinh và Đồng Hới là sân bay quân sự, sân bay Điện Biên và Na Sản không hoạt động. Từ năm 1960, Bộ GTVT được giao xây dựng sân bay Nội Bài, hay còn gọi là Đa Phúc và được dùng là một sân bay quân sự. Những năm sau đó ta xây thêm các sân bay: Kép (Bắc Giang), Vinh (Nghệ An) Hòa Lạc (Hà Tây), Yên Bái và giao cho quân đội quản lý.
Nhìn chung, thời kỳ này Việt Nam đã hình thành một mạng lưới giao thông tuy không hiện đại nhưng bước đầu phục vụ tốt nhịêm vụ của thời kỳ mới, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
E. VÀI NÉT VỀ GTVT MIỀN NAM (1954 -1964)
- Vào năm 1954 -1964. miền Nam có 12.093km, trong đó đa phần là đường đất, đường tráng nhựa chỉ chiếm 22%. Đến năm 1965 đã xây dựng được 20.127km, chủ yếu là các trục đường chính và liên tỉnh tăng so với 1954 là 8000 km. Trong những năm 1960, miền Nam đã có trạm trộn bê tông nhựa nóng ( bê tông atphan). Có xưởng đúc dầm bê tông dự ứng lực, phục vụ cho công việc xây dựng đường, cầu.
Trục đường đôi dài rộng nhất Việt Nam tại thời điểm này là Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa dài trên 31km, rộng 21m, được đưa vào sử dụng vào tháng 4 năm 1961.
Về đường sắt, trong những năm trước 1954 chiều dài đường sắt bị giảm sút khá nhiều, từ 1058km đường năm 1951 đến năm 1954 chỉ còn có 930km. Trong đó có vào khoảng 1/3 km đường sắt ở miền Nam, bị hư hại vì chiến tranh, không sử dụng được. Chỉ còn lại là hai khúc từ Đông Hà - Đà Nẵng và từ Sài Gòn – Ninh Hòa. Việc tái thiết kéo dài 4 năm, cho đến năm 1959 mới thông được tuyến Sài Gòn ra Đông Hà, sau 12 năm gián đoạn. Sau đó khi Chính phủ cách mạng giải phóng miền Nam được thành lập, thì do tình hình an ninh là một cản trở. Từ năm 1970 trở đi, chỉ có 57% cây số đường sắt còn sử dụng được.
Đối với ngành hàng không từ năm 1950 trở đi, miền Nam vẫn duy trì 9 sân bay hàng không, với 10 chuyến đường bay quốc tế, 9 tuyến đường bay nội địa.