Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; các Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Nhật; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; Lãnh đạo các cơ quan tham mưu và liên quan của Bộ GTVT.
Vụ trưởng - Trưởng ban PPP Nguyễn Danh Huy báo cáo về Đề án tại cuộc họp
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các đối tác công tư (PPP) cho biết, việc xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020 để đánh giá toàn diện, khách quan kết quả thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển KCHTGT trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp tổng thể với đầy đủ các căn cứ khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực KCHTGT do Bộ GTVT quản lý trình Chính phủ phê duyệt là rất cần thiết và cấp bách.
Trong những năm vừa qua, Bộ GTVT đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến lớn (trong giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được 370.283 tỷ đồng, trong đó huy động theo hình thức BOT, PPP... là 121.833 tỷ đồng). Mạng lưới hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt.
Về kế hoạch thực hiện XHH đầu tư KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến huy động khoảng 288 nghìn tỷ đồng đầu tư KCHTGT (trong đó đường bộ 164 nghìn tỷ, hàng hải 44 nghìn tỷ, hàng không 55 nghìn tỷ, đường thủy nội địa 11 nghìn tỷ và đường sắt 14 nghìn tỷ đồng). Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ưu tiên nguồn lực kêu gọi đầu tư trước một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, tuyến nối Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.500 km đường cao tốc.
Trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa và đường sắt, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Tập trung vào hệ thống cảng chuyên dùng và một số tuyến luồng đường thủy trọng yếu; áp dụng hình thức doanh nghiệp tự đầu tư đối với cảng, bến thủy nội địa; hình thức PPP đối với luồng đường thủy nội địa. Huy động vốn đầu tư Sân bay Long Thành và một số nhà ga, một số sân bay, cảng hàng không. Đầu tư xây dựng các nhà ga, kho bãi, bãi hàng, khu dịch vụ và một số đoạn tuyến đường sắt…
Về giải pháp đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư KCHTGT do Bộ GTVT quản lý, sẽ tập trung 5 giải pháp chính, trong đó về giải pháp nguồn vốn, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành gói Trái phiếu Chính phủ chỉ sử dụng cho phần đóng góp của Nhà nước trong các dự án PPP; nghiên cứu để có thể hình thành Quỹ phát triển KCHTGT vào thời điểm thích hợp; bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng với quy mô 100 nghìn tỷ đồng cho đầy tư phát triển hạ tầng.
Huy động khoảng 288 nghìn tỷ đồng xã hội hóa đầu tư KCHTGT từ 2016 - 2020
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là rất cần thiết để đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển hệ thống KCHTGT.
“Việc xây dựng Đề án có cái nhìn tổng quan về kết quả thực hiện các dự án PPP, trong 5 năm qua (từ 2011 - 2015) và kế hoạch 5 năm tiếp theo (từ 2016 - 2020), để đánh giá một cách tổng thể, chung nhất trong việc án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu không có hình thức xã hội hóa thì không thể có KCHTGT như hiện nay” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu Ban PPP tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng hoàn chỉnh Đề án. Bộ trưởng lưu ý đây là đề án hết sức quan trọng để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hơn nữa.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải có văn bản góp ý trực tiếp đối với các nội dung của Đề án; đồng thời các đồng chí Thứ trưởng phải chỉ đạo quyết liệt những đơn vị được phân công theo dõi thực hiện nghiêm túc công tác này để sớm hoàn thiện Đề án báo cáo Chính phủ.