Một ngày giáp Tết, chúng tôi tới xã Minh Thanh với ước nguyện tìm gặp được các chứng nhân lịch sử – những người đã góp công sức để sân bay hoàn thiện chỉ trong… 2 ngày, những người đã dành trọn tâm huyết, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám. Chúng tôi đứng giữa khoảng mênh mông, nơi còn lại tấm bia lịch sử vốn là sân bay ngày ấy, cảm giác bâng khuâng xen lẫn tự hào chợt ùa về…
Giờ đây, mỗi khi đến di tích Nha Công an Trung ương (TW), khách tham quan vẫn được nhìn thấy tấm bia lưu niệm cùng một chiếc máy bay phủ màu thời gian của không lực Mỹ được trưng bày tại khu vực bãi cỏ khá rộng, phẳng, sau lưng là những quả đồi cùng núi non bao bọc, phía trước mặt là cánh đồng lúa trải dài của bà con xã Minh Thanh.
Đây là chứng tích lịch sử của sân bay Lũng Cò - sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam tại xóm Cò, thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nằm trong quần thể Khu di tích Nha Công an TW.
Trung úy Nguyễn Như Trang, Đội phó phụ trách Đội hướng dẫn tuyên truyền, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Nha Công an TW, nói về di tích sân bay Lũng Cò đầy tự hào: “Đây là sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam, sân bay được làm chỉ trong 2 ngày”.
Chiếc máy bay của không lực Mỹ trưng bày tại khu di tích Nha Công an TW.
Đầu tháng 5/1945, do diễn biến của tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi lớn có lợi cho ta, thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, Bác Hồ đã rời căn cứ Pác Bó, Cao Bằng, về Tân Trào, Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Tháng 6/1945, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Giản và đồng chí Đàm Quang Trung chọn địa điểm để xây dựng một sân bay dã chiến có thể đón nhận viện trợ của quân Đồng minh.
Vị trí được chọn là Lũng Cò thuộc xóm Cò, thôn Đồng Đon với những ưu thế đặc biệt: nằm giữa khe núi với bề rộng 4ha, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay lên xuống thuận tiện.
Lũng Cò cách căn cứ Tân Trào không xa. Khi xây dựng sân bay, những đồng chí được giao nhiệm vụ đã vận động khoảng 200 người dân địa phương tại các xã xung quanh như xã Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị bộ đội.
Ban đầu, mọi người dự định phải mất khoảng một tuần thì công việc mới hoàn tất được, nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức cố gắng hết mình, chỉ sau hai ngày phát dọn, san gạt, đầm, một sân bay dã chiến đã hình thành.
Sân bay xây dựng xong có chiều dài 400m và rộng 20m, đường băng của sân bay trải dài theo hướng Nam - Bắc, đầu hướng Nam là nơi máy bay hạ cánh, phía cuối đường bay ở phía Bắc có cây cối um tùm là nơi cất giấu máy bay.
Các cán bộ ở đây đã cắm những lá cờ trắng ở hai bên làm hoa tiêu, loại máy bay L5 của Mỹ có thể hạ và cất cánh an toàn.
Trong suốt thời gian quân Đồng minh làm việc tại Tân Trào, nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay Lũng Cò với nhiệm vụ chủ yếu là đưa đón quân Đồng minh, cũng như vận chuyển cho ta thuốc men, vũ khí từ Côn Minh sang.
Cuối tháng 7/1945, Bác Hồ đã đến Lũng Cò và ở nhà ông Ma Văn Yến khoảng 10 ngày để chỉ đạo việc tiếp đón, phục vụ các chuyến bay của quân Đồng minh. Cùng ở với Bác trong căn nhà này còn có 8 người lính Đồng minh.
Mặc dù được xây dựng và sử dụng chỉ trong thời gian gần 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/1945, nhưng sân bay Lũng Cò đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc ta.
Chúng tôi cùng Thượng sỹ Vũ Xuân Trường, thuộc tổ Cảnh sát bảo vệ di tích Nha Công an TW đến thôn Đồng Đon vào một buổi chiều mưa xuân lất phất bay. Trên các sườn đồi, quả cọ tím ngắt đậu thành chùm lộ ra dưới những tán lá xanh biếc.
Bà con đang vào mùa thu hoạch sắn. Nhà nào cũng phơi đầy sắn trước sân cùng với lò sấy, máy bóc vỏ hoạt động rầm rì cả ngày. Những người đã tham gia xây dựng sân bay Lũng Cò ngày ấy giờ này không còn nhiều.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình ông Ma Văn Yến – nơi vinh dự được đón Bác Hồ về ở trong những ngày chỉ đạo đón phái đoàn Đồng minh tại sân bay Lũng Cò.
Tiếc rằng, ngôi nhà Bác Hồ ở đã không còn theo thời gian, chỉ còn tấm bia ghi danh “nhà ông Ma Văn Yến” được đặt ở lưng chừng đồi, trên nền của ngôi nhà cũ.
Ông Ma Văn Yến (còn được gọi là cụ Chuột) nuôi 4 người con của em ruột đã mất, trong đó có ông Ma Văn Khanh. Ông Khanh lúc đó 17 tuổi, đã được sống cùng ngôi nhà với Bác Hồ, được Bác Hồ căn dặn nhiều điều để đảm bảo an toàn cho cách mạng.
Ông Ma Văn Khanh đã mất cách đây nửa năm. Còn lại trong ngôi nhà của ông là tấm bảng xếp hạng di tích ngôi nhà mang tên người bác ruột và những giấy tờ chứng nhận.
Người cao tuổi còn lưu lại những ký ức về sân bay Lũng Cò trong thôn giờ là bà cụ Ma Thị Luyện (còn gọi theo tên con là bà Nhâm) và bà Ma Thị Thơ (còn gọi là bà Nga).
Năm 1945, bà Nhâm mới 14 tuổi, cũng theo cha mẹ và bà con trong thôn làm sân bay Lũng Cò và chứng kiến những chiếc máy bay xuất hiện trên đỉnh những đồi cọ và cánh đồng lúa xanh mướt.
“Lúc máy bay Mỹ xuống, nó bay là là qua cánh đồng Đon rồi mới về cánh đồng Cò”, bà cụ nhớ lại. “Cánh đồng Đon và cánh đồng Cò cách nhau con suối Lê, lúc đó đúng mùa con nước to. Nghe tiếng máy bay, bố tôi chèo mảng chở người dân trong làng ra xem”.
Rồi bà chợt trầm ngâm: “Nhưng mà một thời gian sau mình bị máy bay ném bom… tí chết. Địch thả bom 2 quả đồi bên kia, lửa cháy ngùn ngụt, trọc hết. Dân làng chạy đi sơ tán, lúc ở lán nọ, lúc lại lán kia không thì chết hết”.
Kể đến đây, bà Nhâm nhắc đến tên bà Nga: “Bà Nga mới là người biết nhiều chuyện. Ngày xưa bà ấy đẹp lắm, suýt lấy cả ông Tây đáp máy bay xuống đấy”.
Ngôi nhà sàn nhỏ xinh của con gái bà Nga nằm ở cuối thôn, dưới những tán cọ xanh thẫm duyên dáng như những thiếu nữ đang múa điệu xòe quạt.
Thời điểm làm sân bay Lũng Cò, bà Nga đang ở tuổi 18, đúng thì đẹp nhất của người con gái. Bà kể: “Gọi là sân bay chứ đấy trước đều là nương ngô. Ngày đấy cả làng cùng nhau san đất, san thật bằng. Nói là cả làng nhưng khi đó chỉ có 11 hộ thôi. Lúc làm sân bay, con nước ở suối to lắm, mọi người dắt díu nhau qua suối cũng khổ và sợ, cứ nắm chặt tay nhau mà đi”.
Bà Ma Thị Thơ (thứ 2 từ trái sang) nhớ lại những ngày cùng dân làng làm sân bay Lũng Cò.
Đôi mắt bà Nga ánh lên niềm vui thật chân chất, giản dị: “Bọn tôi còn được nhờ du (đẩy) máy bay vào tán cây cho… đỡ nắng (thực ra là cất giấu máy bay để tránh bị phát hiện - PV)”. Khi đó, nhà của bà Nga là một trong những địa điểm được chọn làm nơi ở cho các nhân viên quân sự của quân Đồng minh.
Bà Nga kể: “Có cái anh người nước ngoài ở nhà tôi, hay sử dụng cái máy “tạch tè” (máy đánh chữ – PV) ngày nào cũng ra gốc mít trước nhà, sờ quả mít mọc sát đất với vẻ thích lắm. Bố tôi hỏi: “Có thích không?”, anh ta gật gật. Rồi khi anh ta đi, bố tôi mang tặng anh ta quả mít đem lên máy bay về nước đấy”.
Chúng tôi trở về di tích Nha Công an TW sau cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với các chứng nhân lịch sử. Màu xanh thẫm của lá cọ, tím ngắt của quả cọ quyện với màu xanh biếc của trời xuân khiến lòng người thêm xốn xang.
Chiếc máy bay của không lực Mỹ phủ bụi thời gian được đặt cạnh tấm bia sân bay Lũng Cò giúp mọi người nhớ về một quá khứ với những thời khắc lịch sử đầy hào hùng của dân tộc.
Lũng Cò nay đã trở thành địa danh được nhắc tới trong lịch sử cách mạng, lịch sử ngành Hàng không, là sân bay “quốc tế” đầu tiên của cách mạng Việt Nam.