Quốc lộ 21A - Nối các đô thị vệ tinh Sơn Tây - Xuân Mai - Phủ Lý
Quốc lộ 21A hay còn gọi là quốc lộ 21 có điểm khởi đầu là từ xã Đường Lâm, phía tây Bắc thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Vị trí này bây giờ là ngã tư, giữa các trục đường 32, 21 và 2C, cách đó không xa trên quốc lộ 2C là cầu Vĩnh Thịnh, mới được khánh thành đưa vào sử dụng, giúp cho việc giao thương kinh tế xã hội của Sơn Tây và Ba Vì với Vĩnh Yên và phía Bắc thành phố Hà Nội.
Nơi này thuộc xã Đường Lâm, là nơi có làng cổ Đường Lâm, quê hương của 2 vị vua: Ngô Quyền và Phùng Hưng và nhiều danh nhân nổi tiếng như: Giang Văn Minh, bà Man Thiện mẹ của Hai bà Trưng...
Tuy gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ. Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình và nhưng ngôi nhà cổ xưa, vì thế đây là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Hà Nội.
Còn Sơn Tây hiện là thị xã thuộc thành phố Hà Nội, ngày xưa vào thời Lý Trần gọi là trấn sở Sơn Tây. Vào năm Minh Mạng thứ 3, tòa thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong của Việt Nam được xây dựng. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay, thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long.
Quốc lộ 21A đoạn từ Sơn Tây đến Xuân Mai,dài chừng 30km, ngày xưa là tuyến đường do Chính Phủ và nhân dân Cu Ba giúp ta xây dựng, có thời gian được gọi là đường Cu Ba, là tuyến đường đầu tiên tiên của Việt nam xây dựng theo quy trình công nghệ ASSHTO, Mặc dù qua mấy chục năm sử dụng nhìn chung nền mặt đường vẫn tốt. Bây giờ đoạn đường này trùng với tuyến đường Hồ Chí Minh đang được xây dựng từ Pắc Bó Cao Bằng, qua nhiều tỉnh phía Bắc trong có Hà Nội, qua vùng núi miền Trung đến đồng bằng sông Cửu Long và kết thúc tại Năm Căn (Cà Mau).
Trên đoạn đường này có nút giao khác mức bằng hệ thống cầu vượt với đại lộ Thăng Long tai Hòa Lạc, một đại lộ dài nhất Việt Nam, được đưa vào sử dụng nhân kỉ niểm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long vốn được xây dựng trên cơ sở từ đường Láng Hòa Lạc được xây từ những năm 1997. Công trình do ban QLDA Thăng Long thay mặt bộ GTVT làm chủ đầu tư và do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm tổng thầu xây dựng. Ngoài các đơn vị của Bộ Xây Dựng còn có các đơn vị của Bộ GTVT tham gia như các TCT Xây dựng công trình giao thông 1, tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 và TCT xây dựng Thăng Long.
Công trình có chiều dài 30 km, từ nút giao với quốc lộ 21 hay còn gọi đường Hồ Chí Minh đến nút giao Mỹ Đình tại đường phố Trần Duy Hưng và Phạm Hùng.
Đi tiếp, quốc lộ 21A giao với quốc lộ 6 tại thị trấn Xuân Mai. Đây là một thị trấn nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, nằm trong 5 chuỗi đô thị vệ tinh của Hà Nội, bảo gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai - Phú Xuyên, Sóc Sơn và Mê Linh. Hiện đường Hồ chí Minh vẫn đi chung với Quốc lộ 21A và giao cắt với Quốc lộ 6 tại trung tâm thị trấn Xuân Mai.
Từ đây quốc lộ 21A đi tiếp qua các địa danh: Miếu Môn thuộc huyện Mỹ Đức Hà Nội, một di chỉ khảo cổ học nơi phát hiện ra 2 chiếc trống đồng cổ và có sân bay Miếu Môn. Đến xã Cao Thắng (Lương Sơn), quốc lộ 21 A tách ra theo hướng Tây Nam, qua Chợ Bến thuộc huyện Lương Sơn, thị trấn Thanh Hà (Kim Bôi) thì lại nhập vào đường Hồ Chí Minh. Rồi lại tách ra tại xã Phú Thành, rồi thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), đến vùng núi có tên là Tam Chúc, đây là một thôn của xã miền núi thuộc thị trấn Ba Sao huyện Kim Bảng - Hà Nam, nơi đây đang được đầu tư thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Quốc lộ men theo sông Đáy qua quần thể Ngũ Động Sơn thuộc xã Thi Sơn - Một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Nam. Khu danh thắng này có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, có đền Trúc nằm giữa rừng Trúc nên thơ, có hệ thống hang động độc đáo. Tiếp đến đầu cầu Quế, thuộc xã Quyển Sơn huyện Kim Bảng. Bên kia cầu là thị trấn Quế, cơ quan hành chính huyện Kim Bảng.
Kim Bảng là một vùng đất cổ, ngày xưa có tên là Cổ Bảng thuộc Châu Lỵ Nhân, thời vua Minh Mệnh thứ 13, nơi này được đặt là Trấn Sơn Nam, khi thành lập tỉnh Hà Nội, toàn bộ phủ Lý Nhâ, trong đó Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nôi. Thị trấn Quế nằm trên một trục quốc lộ 21B từ Hà Đông đến Kim Bảng Hà Nam (quốc lộ 21B sẽ được giới thiệu ở phần sau).
Quốc lộ 21A tiếp tục men theo sông Đáy, qua Quyển Sơn đến thành phố Phủ Lý.
Cũng cần thêm thông tin rằng: Hà Nam vốn là một tỉnh thuần nông vùng đồng chiêm trũng, có nền văn minh lúa nước lâu đời, nơi mà người Việt Cổ đã từng sinh sông tại đây. Ngày xưa toàn bộ vùng đất Hà Nam gọi là Phủ Lý Nhân với 5 huyện gồm Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục và Lý Nhân. Năm 1890 mới được thành lập tỉnh với tên gọi là Hà Nam.
Vì là vùng đất nằm giữa Nam Định và Hà Nội, nên tên tỉnh Hà Nam là tên ghép của 2 chữ đầu Hà Nội và Nam Định. Tuy là vùng đất lúa, đại bộ phận là nông dân, nhưng Hà Nam lại là nơi hiếu học. Thời xưa phong kiến, đất chật người thưa mà có tới 53 người đỗ đạt trong các khoa bảng. Tuy là vùng trồng lúa, nhưng diện tích tự nhiên về trồng lúa của Hà Nam rất ít so với các tỉnh Nam Định Thái Bình, những những năm qua nhờ có phát triển mạng lưới thủy lợi và giao thông nên sản lượng lúa gạo vẫn giữ được sản lượng trên 420 tấn/năm.
Đường Lý Thường Kiệt kết nối với quốc lộ 21 và đi qua cầu Hồng Phú, bắc trên sông Đáy. Cây cầu bê tông do công ty cầu 12 thi công tuy không lớn, nhưng rất rất có ý nghĩa với tỉnh Hà Nam và thành phố Phủ Lý để mở rộng đô thị sang phía bờ tây sông Đáy. Với 3 địa danh mà quốc lộ 21A đi qua gồm: Sơn Tây, Xuân Mai và Phủ Lý đang trở thành chuỗi đô thị vệ tinh bao quanh thủ đô Hà Nội.
Quốc lộ 21 qua vùng lúa Hà Nam và Nam Định
Quốc lộ 21A nối với quốc lộ 21 trên trục đường trung tâm thành phố và đi tiếp về Nam Định. Bắt đầu từ đây trục quốc lộ 21 đi song song với trục đường sắt Bắc Nam. Trục đường xuyên qua các cánh đồng của các huyện Lý Nhân, Bình Lục (Hà Nam).
Bình Lục được biết đến bởi nơi đây là quê hương của danh nhân Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Ông là người thông minh, hiếu học, có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.
Trục đường qua thị trấn Bình Mỹ, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) và giao với quốc lộ 10 tại Tân An và vào trung tâm thành phố Nam Định. Nam Định là một tỉnh lớn với hơn 2 triệu dân nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ . Đây là vùng đồng bằng thấp trũng, bao gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, là vùng có nhiều khả năng thâm canh phát triển nông nghiệp, Nam Định còn có vùng đồng bằng ven biển gồm các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; có bờ biển dài đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển.
Dưới thời Lý Trần, Nam Định không những là một cửa ngõ của cả vùng châu thổ sông Hồng mà còn là một trung tâm kinh tế quan trọng. Các vua Lý đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này.Vùng đất Nam Định lại là nơi hưng khởi của nhà Trần, một triều đại đầy sức sống đã đưa quốc gia Đại Việt phát triển hưng thịnh và ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông. Đời Trần được gọi là lộ Thiên Trường, sau lại chia làm ba lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Hoàng Giang.
Trong thời Lê sơ Nam Định có đến 22 tiến sĩ, đại bộ phận số đại khoa này đều đỗ vào nửa sau thế kỷ XV, cho nên có thể nói Nho học ở Nam Định đã thực sự có bước phát triển mới từ sau sự kiện Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (1463).
Nam Định là một tỉnh đồng bằng nằm giữa hai con sông lớn của đồng bằng Bắc bộ là sông Hồng và sông Đáy, có lợi thế về nước tưới và hàng năm phù sa được bồi đắp, đất đai ngày thêm màu mỡ như huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu... Vì thế Nam Định được coi là đất lúa của đồng bằng Bắc bộ, với sản lượng đạt 1 triệu tấn/năm. Nổi tiếng nhất là gạo Hải Hậu.
Trục đường 21 tiếp tục qua các phố chính của thành phố như Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, rồi vượt sông Ninh Cơ tại cầu Đò Quan, qua đường Đặng Xuân Bảng đi tiếp về phía biển.
Qua các địa danh: qua cầu Lạc Quần tại Yên Định, Thị trấn Cổ Lễ huyện Trực Ninh nơi có chùa Cổ Lễ, một di tích văn hóa thờ thiền sư Khổng Minh Không thời Lý. Chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố kiến trúc gô- tich (Gothic) của châu Âu. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên chúa giáo, với kiểu kiến trúc “Nhất Thốc Lâu Đài” giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Trong chùa có quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam. Quả chuông nặng 9 tấn, cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ nho. Theo dân gian truyền miệng khi đánh chuông, thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của nó. Nhờ kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, đây là một trong những vựa lúa của Nam Định cũng như vùng đồng bằng sông Hồng, là một trong những địa phương đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Hải Hậu khá nổi tiếng với gạo tám, nếp hương, dự v.v...
Ngoài trồng lúa, nơi đây còn đánh bắt và chăn nuôi thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ (nghề mộc) nghề làm muối, nghề trồng cây cảnh và đặc biệt là du lịch khu du lịch Thịnh Long.
Bờ biển Hải Hậu được coi là điển hình về sự xâm thực của biển với đất liền. Mấy chục năm qua nhiều thôn xóm ven biển đã phải di chuyển vào sâu đất liền. Hiện ven biện còn có di tích của một số nhà thờ đổ. Cùng với Xuân Trường thì Hải Hậu cũng là vùng đất có rất nhiều nhà thờ công giáo với kiến trúc đa dạng và có nhiều dòng tu khách nhau.
Thị trấn Thịnh Long nằm ven quốc lộ 21, nơi có cảng Hải Thịnh và Khu Công nghiệp Thịnh Long với trung tâm là nhà máy đóng tàu Thịnh Long, có thể đóng mới và sửa chữa 20 chiếc tàu/ năm, trọng tải từ 5.000 DWT - 15.000 DWT. Nơi đây gần như là điểm cuối của quốc lộ 21 và cũng là điểm cuối của sông Ninh Cơ.
Theo đề nghị của tỉnh Nam Định, Thủ Tướng chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng cầu Thịnh Long qua sông Ninh Cơ sang đất Ninh Bình. Như vậy trong tương lai gần sau khi cầu Thịnh Long được xây dựng sẽ nối với quốc lộ 10 tại thị trấn Phát Diệm tỉnh Ninh Bình, tạo thành một trùng đường duyên hải hoàn chỉnh phía nam sông Hồng từ Nam Định đến Ninh Bình và Thanh Hóa góp phần thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ.
Quốc lộ 21 chính tuyến, đoạn từ Nam Định đến Thịnh Long có chiều dài 56,6 km, năm 2011 đã được cải tạo nâng cấp mở rộng từ năm 2011 theo khuôn khổ dự án: Nâng cấp cải tạo đường bộ (WB4) thuộc nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.
Đây là một trong những tuyến đường ven biển đầu tiên trong mạng lưới đường ven biển phía Bắc đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với 2 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h. là một trong những dự án đường bộ lớn nhất từng được triển khai ở Nam Định.
Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các đô thị, cảng biển, các khu kinh tế ven biển của tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Quốc lộ 21B - Từ quê lụa Hà Đông đến những cánh đồng Kim Bảng
Được khởi đầu từ quốc lộ 6 tại Ba La Bông Đỏ (quận Hà Đông) và đi theo hướng Bắc - Nam, bên bờ bắc sông Đáy, qua các thị trấn Kim Bài huyện Thanh Oai.
Một vùng quê nổi tiếng với rất nhiều làng nghề như nón lá làng Chuông, quạt nan, mây tre, giang đan làng Vác, xã Cao Viên, làng Bình Đà xã Bình Minh ngày xưa rất nổi tiếng với nghề làm pháo. Gần chục năm trở lại, các khu công nghiệp mở ra thu hút nhiều lao động địa phương. Do vị trí chỉ cách trung tâm Hà Nội không xa nên Thanh oai sẽ tiếp tục phát triển.
Tiếp đến là Vân Đình huyện Ứng Hòa, Vân Đình còn nổi tiếng với các đặc sản như vịt cỏ Vân Đình, thịt chó Vân Đình, giò chả Vân Đình, bánh cuốn chả Vân Đình, gốm Vân Đình v.v...
Hiện nay Vân Đình khá phát triển nhà nằm trên trục đường 21B là nút giao thông quan trọng giừa nhiều tỉnh, như Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam. Nằm gần thị trấn Vân Đình cũng có khá nhiều làng nghề nổi tiếng như làng Bặt Bún, làng dệt Phùng Xá, làng may Trạch Xá, đặc biệt làng Bún Bặt có một số nhân sĩ rất yêu nước, như Bùi Bằng Đoàn chủ tịch quốc hội thứ hai của Việt Nam, Nguyễn Thượng Hiền, làng Phùng Xá cũng có một số người rất thành đạt như Đỗ Trung Tá, làng Tảo Khê có GS Ngô Huy Cẩn là bố của Ngô Bảo Châu nhà toán học nổi tiếng đã dành được giải thưởng Field... có thể nói đất Vân Đình cũng là nơi địa linh nhân kiệt, ở đây có một số ngôi chùa rất thiêng như chùa Thanh Ấm, Quán Thanh Ấm, Quán Ông Đô, chùa Chè, chùa Vân Đình...
Cần phải thông tin thêm rằng Hà Đông ngày xưa vốn là tỉnh Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây cũ, cũng là một vùng đất nông nghiệp với những cánh đồng lúa tươi tốt. Quốc lộ 21B còn là tuyến đường bộ chủ yếu nối trung tâm Hà Nội với thắng cảnh Chùa Hương.
Tiếp đến là xã Hòa Xá, nơi đây quốc lộ 21B giao với tỉnh lộ 76 là trục đường dẫn đến chùa Hương Chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Thật ra chùa Hương không phải là một ngôi chùa mà là một hệ thống chùa chiền, đền thờ và hang động nằm trong khu vực có những ngọn núi đá vôi và rừng nhiệt đới, với nhiều phong cảnh đẹp.
Quốc lộ 21B giao với điểm cuối của quốc lộ 38 tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng Hà Nam. Đi tiếp qua xã Thụy Lôi, Ngọc Sơn - Nơi đây có chùa Bà Đanh nổi tiếng với cụm từ: Vắng như chùa Bà Đanh. Chùa ven bờ sông Đáy và cách quốc lộ không xa. Đây là một trong nhiều ngôi chùa ở Kim Bảng Hà Nam thờ thần Tứ Pháp. Đây là 4 vị thần nằm trong tín ngưỡng của nền văn minh nông nghiệp, cụ thể là: Thờ Pháp Vân có chùa Quế Lâm (thị trấn Quế), thờ Pháp Vũ có các chùa: Bà Đanh (xã Ngọc Sơn) và chùa Đặng hay còn gọi là chùa Khánh Hưng (xã Văn Xá), thờ Pháp Lôi chùa Nứa (Bạch Thượng Duy Tiên), thờ Pháp Điện chùa Bà Bầu (thành phố Phủ Lý)
Đi tiếp quốc lộ 21B qua thị trấn Quế, huyện Kim Bảng. Nơi đây ngày xưa vốn là vùng đất cổ và theo như một số nhà sử học đã khẳng định trục đường thượng đạo ngày xưa có nhiều đoạn trùng với tuyến quốc lộ 21B, như vậy rất có thể vùng đất Cổ Bảng hay Kim Bảng nằm trên đường Thượng đạo. Hiện có một số dấu tích minh chứng cho điều đó. Quốc lộ 21 B đi theo đê phía Bắc sông Đáy tới cầu Ba Đa và giao với quốc lộ 1A tại đây.
Trong nhiều năm qua, quốc lộ 21B từ Ba La (Hà Nội) đến Cầu Ba Đa (Hà Nam) dài 59km, đã được nâng cấp và hoàn thiện toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 2 làn xe cơ giới.
Tóm lại các quốc lộ 21A, 21B và 21 với hướng tuyến chạy dài qua các huyện trù phú nhất tỉnh, hướng ra các cảng biển trọng yếu của Nam Định, việc nâng cấp Quốc lộ 21 đã tạo nên một tuyến đường hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận tải hàng hoá, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm sông Hồng và tăng tính lưu thông với các khu vực lân cận. Các trục quốc lộ 21 sẽ là trục giao thông chính cho phát triển nông nghiệp của thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam và Nam Định.