Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng Giám đốc Tập đoàn Cục 6 phải cử các chuyên gia giỏi sang Việt Nam để thực hiện dự án
Tổng giám đốc nhà thầu Trung Quốc: "Chúng tôi không để xảy ra sai sót nào nữa"
Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Trường nhắc lại những kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp chiều 4/1. Thứ trưởng cho biết, an toàn tính mạng cho người dân và các mặt an toàn khác trong tổ chức thi công Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là quan trọng nhất. Đến cuối 2015 phải xong dự án này. Nhưng hai sự cố vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ, đặc biệt là gây lo lắng người dân, cần có sự chấn chỉnh kịp thời và quyết liệt.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mã Giang Kiềm, Tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 cho biết: “Khi xảy ra việc này, chúng tôi đã họp bàn để chỉnh sửa các quy phạm liên quan. Chúng tôi xin hứa sẽ không để xảy ra sự cố nữa”.
Để khắc phục các sai sót, ông Kiềm cho biết sẽ ưu việt hóa lại biện pháp quản lý. Về các quyết định của Bộ trưởng, ông Kiềm cho hay sẽ đặt ra các biện pháp an toàn như thành lập tổ giám sát an toàn kỹ thuật riêng cho dự án, đưa dự án này về trực thuộc Tập đoàn quản lý. Ngoài ra sẽ thành lập tổ chuyên gia riêng cho dự án, đảm bảo số lượng cũng như năng lực của nhân viên giám sát an toàn, khi đã đưa vào vị trí rồi sẽ đảm bảo an toàn chắc chắn. Tập đoàn Cục 6 sẽ thay giám đốc dự án, cử người có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm sang Việt Nam làm tổng chỉ huy.
Về giải pháp kỹ thuật, ông Kiềm cho biết Tập đoàn sẽ có buổi kiểm tra quy mô lớn, chỉnh lý lại toàn bộ vấn đề an toàn trên toàn tuyến. Kiểm tra toàn bộ, làm lại toàn bộ giàn giáo thi công của các nhà ga và hạng mục trên cao. Thẩm tra toàn bộ phương án tổ chức thi công, bản vẽ thiết kế, an toàn lao động, tính toán lại tất cả chỉ số an toàn. Thông qua các buổi giao ban, sẽ đạt ra chỉ tiêu an toàn cho các hạng mục. Khi các biện pháp quản lý an toàn đã được thẩm định mới cho triển khai thi công. Nếu bất cứ biện pháp thi công nào không tuân thủ an toàn và kỹ thuật sẽ cho ngừng thi công.
Tổng giám đốc tổng thầu EPC cam kết sẽ kiểm tra lại tư cách nhà thầu phụ theo yêu cầu của Bộ trưởng, lựa chọn thầu phụ mới được phía Bộ GTVT và Ban QLDA giới thiệu có đủ năng lực và chuyên môn. "Hiện chúng tôi đang cho ngừng thi công để rà soát và kiểm tra toàn bộ công việc vừa nêu. Những người có trách nhiệm để xảy ra sự cố, sẽ nghiêm khắc kỷ luật theo đúng tinh thần của Tập đoàn", ông Kiềm nói.
Về trách nhiệm bồi thường, Tập đoàn sẽ căn cứ theo kết luận của các bên, theo điều khoản hợp đồng để thực hiện.
Các lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Cục 6 tại cuộc họp.
“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến tiến độ của dự án này. Sẽ tăng cường các chuyên gia đủ năng lực và kinh nghiệm sang Việt Nam”, ông Kiềm bày tỏ.
Tập đoàn sẽ sắp xếp cụ thể nhân lực, đưa từ 2 đến 3 lãnh đạo của Tập đoàn sang Việt Nam trực tiếp làm việc, từ 2 đến 3 chuyên gia trực tiếp làm đường ray, từ 6 đến 7 chuyên gia phụ trách nhà ga, 4 chuyên gia thực hiện an toàn biện pháp thi công, 4 cán bộ chuyên kỹ thuật dự án, tăng cường thêm 2 chuyên gia dự toán, tăng cường từ 1 đến 2 ngưởi quản lý vật tư và thiết bị về điện. Xác nhận tiến độ dự án, căn cứ bảng tiến độ sẽ chia các mũi thi công, ngoài ra cũng không thể thiếu báo cáo thường xuyên lên chủ đầu tư và phối hợp các bên thực hiện.
Sau khi trình bày một loạt giải pháp sẽ triển khai tới đây, ông Kiềm khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là không để xảy ra bất cứ sai sót nào nữa. Mong chủ đầu tư giới thiệu sớm các nhà thầu phụ mới để chúng tôi lựa chọn thay thế các nhà thầu yếu".
Đại diện tổng thầu bày tỏ mong muốn Bộ GTVT chỉ đạo tăng cường quản lý, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán đồng thời đẩy nhanh GPMB để bàn giao cho nhà thầu thi công đúng tiến độ.
Tổng thầu phải thay ngay giám đốc điều hành
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, các giải pháp của tổng thầu đưa ra phải được khẳng định bằng văn bản gửi Bộ GTVT. Thứ trưởng Trường yêu cầu Tập đoàn Cục 6 phải cử hẳn người thiết kế sang làm việc trực tiếp tại dự án, để tránh trường hợp mỗi lần thay đổi thiết kế phát sinh lại phải gửi sang Bắc Kinh và một tuần sau mới có trả lời gây chậm tiến độ.
Bộ GTVT thông qua Ban QLDA Đường sắt sẽ giới thiệu các tổng công ty mạnh nhất của Việt Nam làm nhiệm vụ, như: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 và Tổng công ty xây dựng Thăng Long đang đóng tại Hà Nội. Đây là những đơn vị mạnh trong xây dựng giao thông.
Bộ GTVT yêu cầu Tập đoàn Cục 6 ký trực tiếp với các công ty mẹ, không ký với công ty con. Sau này tổng công ty đó sẽ chịu trách nhiệm với tổng thầu và Bộ GTVT. Về đơn giá, có thỏa thuận giữa 2 bên, nhưng có quy định mức giá tối thiểu. "Chúng tôi yêu cầu đơn vị nào thấp không ký. Vừa rồi một số thầu phụ ký hợp đồng với giá rất thấp nên không có chi phí đảm bảo an toàn. Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán, đảm bảo không chậm", Thứ trưởng Trường nói.
Thứ trưởng Trường cũng cho biết, tổng thầu EPC có vai trò và trách nhiệm quan trọng, chịu trách nhiệm chính về tiến độ cũng như chất lượng. Nhưng thời gian qua tổng thầu chưa chủ động triển khai dự án nên tiến độ chậm, hiệu quả kém.
Thứ trưởng yêu cầu: "Tổng thầu phải thay ngay giám đốc điều hành. Tổ chức các bộ phận thường trực thiết kế tại Việt Nam để đáp ứng thiết kế thi công. Đưa chuyên gia giỏi sang để thực hiện dự án. Tất cả thay đổi nhân sự và tổ chức phải báo cáo Bộ GTVT trước 10/1. Đề nghị ông Tổng giám đốc Mã Giang Kiềm trực tiếp ký bổ nhiệm nhân sự, coi đó là lời hứa với Bộ trưởng. Tổng giám đốc ít nhất một quý phải sang họp tại Việt Nam một lần, hàng tháng phải cử Phó Tổng giám đốc họp".
Về xây lắp, Thứ trưởng Trường yêu cầu với các trụ còn lại và Depot, đề nghị tổng thầu phối hợp với Ban QLDA Đường sắt rà soát lại toàn bộ nhà thầu phụ, đủ năng lực và không vi phạm mới cho làm tiếp, nếu không đủ thì thay ngay. Trước ngày 10/1 phải xong báo cáo. Trước ngày 15/1 phải xong rà soát thay thế nhà thầu xây lắp 12 nhà ga. Trường hợp thầu phụ chứng minh được năng lực, thiết bị mới cho phép làm, còn cơ bản thay thế hết.
Về phương án lao lắp dầm, ray, điện, đoàn tàu, tổng thầu phải có kế hoạch triển khai cụ thể. Tổng thầu làm là chính. Song song đó, yêu cầu tổng thầu phải có thiết kế bản vẽ thi công 12 nhà ga, đặc biệt là sàn đạo để các cơ quan chức năng của Bộ GTVT thẩm định.
Thứ trưởng yêu cầu thay thế toàn bộ tư vấn xây lắp hiện trường và ký hợp đồng tư vấn với Viện KHCN của Bộ GTVT. Giao Ban QLDA Đường sắt kiểm tra theo hiệp định về tư vấn chính để tham mưu tiếp. Cần thiết, kiến nghị cho phép đấu thầu lại. Trong tuần này phải xong để tư vấn Việt Nam được tiếp cận ngay, duyệt phương án tổ chức thi công.
Tổng thầu và Ban QLDA Đường sắt xây dựng ngay quy trình giải ngân rành mạch và công khai, đảm bảo quyền lợi người lao động. Trong quá trình thuê thầu phụ, nếu phát hiện bán thầu sẽ chấm dứt hợp đồng ngay.
Ban QLDA Đường sắt phải phân công trách nhiệm rõ ràng từng Phó Tổng giám đốc làm việc cụ thể. Hàng tháng tổ chức giao ban, hàng tuần hội ý với nhà thầu chính. Tất cả cuộc họp Tổng giám đốc phải họp. Dự án này là quan trọng nhất trong các dự án của Ban QLDA Đường sắt. Chậm nhất đến ngày 20/1 phải khởi động trở lại để đảm bảo tiến độ.